QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ CHIM VÂY VÀNG QUY MÔ CÔNG NGHIỆP TRONG AO ĐẦM NƯỚC LỢ TẠI VÙNG TRIỀU VEN BIỂN NGHỆ AN

Thứ ba - 28/12/2021 20:21 2.606 0
QUY TRÌNH KỸ THUẬT  NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ CHIM VÂY VÀNG QUY MÔ CÔNG NGHIỆP TRONG AO ĐẦM NƯỚC LỢ TẠI VÙNG TRIỀU VEN BIỂN NGHỆ AN
1. Lựa chọn ao nuôi.
Cá Chim vây vàng thường phân bố ở vùng nước sâu hoặc vùng cửa sông, do vậy trong nuôi thương phẩm việc lựa chọn ao nuôi hết sức quan trọng vì nó liên quan đến tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng, dịch bệnh của cá. Địa điểm để lựa chọn ao nuôi phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Nơi có giao thông và địa hình thuận tiện, có hệ thống điện lưới, an ninh đảm bảo.
- Ao nằm ở vị trí cao triều và vùng có biên độ triều từ 1 - 3 m, có chất đất là đất sét hoặc sét pha cát, không nên lựa chọn ao ở những nơi có độ phèn cao.
- Có nguồn nước cấp chủ động quanh năm, không bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt, điều kiện tốt nhất để nuôi cá Chim vây vàng phải đảm bảo các thông số thuỷ lý, thuỷ hóa như: Nhiệtt độ nước trong khoảng 26 - 320C, pH từ 7,5 - 8,5, độ mặn từ 10 - 20, ôxy hòa tan 5 - 7 mg/lít, NH3 < 0,9 mg/lít, H2S: < 0.3 mg/l, Độ trong: > 30 cm.
- Ngoài ra, những yếu tố khác cũng cần được xem xét như khả năng về giống, lao động, trợ giúp kỹ thuật, thị trường và điều kiện xã hội.
2. Thiết kế xây dựng ao nuôi.
Ao nuôi cá Chim vây vàng quy mô công nghiệp phải đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật:
- Ao nuôi có diện tích từ 1.000 - 10.000 m2/ao, thích hợp nhất là từ 2.000 - 5.000 m2/ao, ao có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật.
- Độ sâu của ao từ 1,2 - 1,5 m. Nền đáy ao bằng phẳng, cứng, ít bùn ngiêng về phía cống thoát nước.
- Ao nuôi phải có hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt và hệ thống cửa phải đảm bảo cho việc cấp, thoát nước không để thất thoát cá.
- Bờ ao chắc chắn không bị rò rỉ, cao hơn mực nước cao nhất trong ao từ 0,5 - 0,6 m, đảm bảo khi có triều cường, ngập lụt không để thất thoát cá.
3. Chuẩn bị ao nuôi.
3.1. Cải tạo ao nuôi:
Công tác cải tạo ao nuôi là việc làm hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến cả quá trình nuôi. Do đó, trước khi thả nuôi khoảng 2 tuần, cần tháo cạn nước, cày xới lớp đất mặt đáy ao, tiến hành cải tạo ao theo đúng quy trình kỹ thuật.
a) Đối với ao nuôi cũ:
- Cũng giống như các ao nuôi đối tượng khác, ao sử dụng để nuôi cá Chim vây vàng sau khi tháo khô, tu sửa lại bờ ao, cống cấp thoát nước và vét bớt bùn đáy, san phẳng đáy nghiêng về phía cống thoát nước.
- Tiến hành bón vôi khử trùng đáy ao với liều lượng 10 - 12 kg/100 m2 ao, phơi đáy ao 2 - 3 ngày tuỳ theo từng vùng thổ nhưỡng.
b) Đối với ao nuôi mới:
- Ao sau khi mới xây xong cần thau chua 2 - 3 lần sau đó căn cứ vào nồng độ pH của đất để bón vôi cải tạo với liều lượng 10 - 20 kg/100 m2 ao.
- Tiến hành bón lót đáy ao bằng phân chuồng ủ hoai với lượng 30 - 40 kg/100 m2 ao.
- Phơi đáy ao 2 - 3 ngày sau đó lấy nước vào ao gây màu để thả cá giống.
3.2. Lấy nước và lắp đặt hệ thống quạt nước:
Nước lấy vào được lọc kỹ qua lưới dày, sau khi mực nước trong ao đạt 1,0 - 1,2 m thì tiến hành gây màu bằng phân hữu cơ ủ kỹ với liều dùng 10 - 20 kg/100 m2. Sau 5 - 7 ngày màu nước trong ao có màu xanh vỏ đậu thì tiến hành thả giống.
- Đối với ao nuôi cá Chim vây vàng quy mô công nghiệp tại Nghệ An, cần bố trí hệ thống quạt nước để bổ sung thêm ô xy cho cá và đảo nước tránh phân tầng nức vào mùa hè. Tuỳ theo diện tích ao và mật độ nuôi để bố trí số lượng quạt nước hợp lý, hiệu quả nhất.
4. Chọn giống và thả giống.
Giống cá Chim vây vàng đưa vào nuôi thương phẩm quy mô công nghiệp cần phải được tuyển chọn kỹ càng, được cung cấp bởi các cơ sở sản xuất có uy tín, có thương hiệu và đảm bảo chất lượng với các tiêu chí sau:

Hình 1: Cá chim vây vàng
- Cá phải khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ, bơi hoạt động nhanh nhẹn, màu sắc tươi sáng, không bị dị hình, dị tật, không có dấu hiệu mang bệnh.
- Kích cỡ cá đạt 8 - 10 cm/con.
- Mật độ thả nuôi: 1 - 3 con/m2.
- Trước khi thả cá xuống ao nuôi cần tắm cá bằng nước ngọt hoặc fomaline, nồng độ 20 ppm trong 10 - 15 phút. Trong quá trình tắm cần quan sát hoạt động của cá và cung cấp đủ ôxy, nếu cá có biểu hiện sốc cần giảm nồng độ thuốc hoặc rút ngắn thời gian tắm cá.
- Thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Cá trước khi thả xuống ao cần phải thuần hoá độ mặn, nếu độ mặn nước trong bao bì vận chuyển cá và ao nuôi chênh lệch 5‰.
* Mùa vụ:
Thông thường việc nuôi thương phẩm cá Chim vây vàng trong ao đầm nước lợ thường kéo dài 8 - 10 tháng sẽ rất thuận lợi cho việc quản lý và chăm sóc. Mùa vụ sinh sản của cá từ tháng 4 - 7 nên thả nuôi vào tháng 7 - 8, phòng chống rét cho cá trong những tháng mùa đông để đảm bảo cho cá sinh trưởng, phát triển tốt nhất.
Nghệ An có mùa đông lạnh, không thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát  tăng trưởng của cá Chim vây vàng. Do đó, mùa vụ thả giống ở Nghệ An tốt nhất từ tháng 3 - 4 dương lịch hàng năm, sử dụng giống lưu giữ qua đông, cỡ cá khi thả có kích thước lớn để thu hoạch vào tháng 12, hạn chế thời gian nuôi trong các tháng mùa đông lạnh.
5. Chăm sóc và quản lý cá nuôi.
a) Thức ăn và cách cho ăn:
Sử dụng thức ăn viên dạng nổi, loại chuyên dùng cho nuôi cá biển có hàm lượng protein 40 - 45%, hàm lượng lipid 12 - 15%, không sử dụng thức ăn có chất lượng kém, thức ăn bị ẩm mốc, hết hạn sử dụng...
- Giai đoạn mới thả cá cho ăn với khẩu phần 3 - 5% trọng lượng thân.
- Giai đoạn cá có trọng lượng cá trên 90 g cho ăn với khẩu phần 2 - 3% trọng lượng thân.
- Giai đoạn cá có trọng lượng trên 250 g cho ăn với khẩu phần 1,5 - 2% trọng lượng thân.
- Cho cá ăn ngày 2 lần vào 7 - 8 giờ sáng và 17 - 18 giờ chiều. Thức ăn được cho vào khung cho ăn được làm khung nhựa hoặc tre, gỗ để quản lý, theo dõi thức ăn hàng ngày của cá.
- Cho cá tuần thủ theo 3 định (định lượng, định thời gian, định vị trí), sử dụng kích cỡ hạt phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cá.
- Vào những ngày nhiệt độ nước dưới 220C hoặc trên 320C giảm 50% lượng thức ăn; những ngày nhiệt độ nước dưới 170C hoặc trên 360C, cho cá nhịn ăn. Cần quan sát khả năng bắt mồi của cá và lượng thức ăn thừa trong sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn một cách thích hợp nhất.
b) Quản lý ao:
- Định kỳ 1 tháng/lần tiến hành kiểm tra tốc độ tăng trưởng cá để có chế độ điều chỉnh số lượng, kích cỡ thức ăn phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cá.
- Thường xuyên theo dõi tình hình bệnh để biện pháp xử lý bệnh kịp thời và thường xuyên bổ sung Vitamin C, Vitamin tổng hợp, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng, chống sốc cho cá nuôi, đặc biệt vào những thời điểm trước khi giao mùa hay trước những đợt nắng nóng.
- Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước ao nuôi, kiểm tra ao hàng ngày để phát hiện các dấu hiệu bất thường.
- Định kỳ thay nước 1 tháng/lần vào những lúc chất lượng nước thủy triều tốt nhất, tránh thay nước vào đầu con nước. Mỗi lần thay 40 - 50% lượng nước ao nuôi và sử dụng men vi sinh hoặc chế phẩm sinh học như: Bio Aqua, Super VS, ALT (dạng nước), Pond Clear, Hanvet (dạng bột), Active Cleaner (dạng bột và dạng nước), EM (dạng nước)để xử lý môi trường nước ao nuôi với chu kỳ 2 tháng nuôi đầu 1 lần/tháng, các tháng nuôi về sau 2 lần/tháng, liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Từ tháng nuôi thứ 2 cần quạt nước hoặc sục khí để tăng hàm lượng ôxy hòa tan. Thời gian quạt nước khoảng 5 - 8 giờ/ngày vào khoảng 23 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Vào những ngày thời tiết thay đổi, bất thường hay những thời điểm nắng nóng kéo dài cần tăng cường thời gian chạy quạt nước để đảo nước, tránh phân tầng nước trong ao nuôi.
- Định kỳ 1 tháng/lần sử dụng vôi bột để xử lý môi trường ao nuôi với liều lượng 2 kg/100m2 ao, hòa loãng, để lắng lấy nước trong tạt đều khắp mặt ao.
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống bờ, cống cấp, thoát không để rò rỉ và thất thoát cá.
7. Phòng trị bệnh:
7.1. Phòng bệnh:
- Không nuôi cá ở mật độ cao vượt quá mật độ nuôi quy định.
- Trong qua trình nuôi, phải luôn giữ cho môi trường nước sạch sẽ, các yếu tố thuỷ lý, thuỷ hoá ổn định.
- Thức ăn cho cá phải đảm bảo chất lượng, không để ẩm mốc, quá hạn sử dụng, phương pháp cho ăn phải thực hiện đúng theo yêu cầu kỹ thuật.
- Định kỳ bổ sung thêm vitamin C, khoáng vào thức ăn để cho cá ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá cũng như kích thích cá tăng trưởng tốt hơn.
- Theo dõi thường xuyên để phát hiện kịp thời cá nuôi bị bệnh và loại bỏ ngay những cá thể đã nhiễm bệnh nặng. Khi phát hiện thấy cá có bệnh phải nhốt cách ly, sau đó xác định rõ loại bệnh để có biện pháp chữa trị phù hợp.
- Chỉ được phép sử dụng các loại thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hóa chất để phòng hoặc trị bệnh cho cá nuôi không có trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản của Bộ thủy sản.
- Khi sử dụng những loại sản phẩm trên để phòng bệnh cho cá nuôi phải lưu giữ hồ sơ về tình hình sử dụng. Hồ sơ phải được ghi rõ ngày sử dụng, loại sản phẩm sử dụng, cách sử dụng và kết quả điều trị.
- Nếu cá nuôi bị nhiễm bệnh nặng và có nguy cơ lan rộng phải thông báo cho cơ quan quản lý để có biện pháp phối hợp điều trị và ngăn chặn lây lan. Đồng thời thông báo cho các cơ sở nuôi xung quanh kịp thời dự phòng bị lây nhiễm.
7.2. Trị bệnh:
Khi xác định cá nuôi bị bệnh phải xác định rõ loại bệnh mà cá nhiễm để có phương pháp điều trị phù hợp. Một số bệnh thường gặp đối với cá Chim vây vàng và cách chữa trị như sau:
Loại bệnh Dấu hiệu bệnh lý Phòng trị bệnh Ghi chú
Bệnh do ký sinh trùng - Thân cá tiết nhiều chất nhờn và bị xuất huyết.
- Mũi, mang, miệng và vây cá xuất hiện một số loài ký sinh trùng.
- Tắm cho cá bằng dung dịch Formol nồng độ 70 - 100ppm hoặc thuốc tím nồng độ 5 - 7ppm hoặc CuSO4 nồng độ 0,7 - 1,0ppm trong thời gian 10 phút. - Các loại hóa chất này đều pha trong nước biển.
- Nếu cá có nhiều sán lá đơn chủ ký sinh thì định kỳ 10 - 15 ngày tắm cho cá 1 lần bằng nước ngọt.
Bệnh đốm đỏ - Thân, gốc vây lưng, đuôi của cá có nhiều vết lở loét.
- Tia vây lưng, vây đuôi bị rách, cụt dần. Cá bị hoại tử từng phần.
- Dùng dung dịch thuốc tím nồng độ 70 - 100ppm rửa sạch vết thương. Sau đó, bôi thuốc mỡ Tetracyline liên tục trong 3 - 5 ngày.
- Dùng thức ăn trộn thuốc Oxytetracyline, liều lượng 0,5 g/kg thức ăn trong 7 - 8 ngày liền.
 
Bệnh viêm ruột - Cá kém ăn, bơi lờ đờ gần mặt nước, đôi khi thân xoay tròn, đầu hướng lên trên.
- Bụng cá bị trướng, da nhợt, thân có nhiều nhớt.
- Phối hợp 2 loại thuốc Steptomycin 20 - 25mg/kg cá/ ngày và Sulfamidini 100mg/kg/cá/ngày trộn vào thức ăn.
- Điều trị liên tục trong 5 - 7 ngày
Khi giả phẫu cá thấy gan tái nhợt, đầu lá gan bầm tím, mật sưng, thận viêm nhũn, dạ dày và ruột không có thức ăn, chứa dịch vàng sẫm.
Bệnh do vius VNN và Irido virus gây ra - Bên ngoài ít thấy thay đổi nhưng môi, vòm miệng cá rất đỏ, thận, lách bị sưng to, lách chuyển màu sẫm, thận chuyển sang màu xám, dạ dày bị xuất huyết.
- Nhiều con bị vỡ mật.
- Hiện nay nước ta chưa có biện pháp chữa trị. - Bệnh thường xảy ra vào thời gian rét đậm.

8. Thu hoạch cá thương phẩm:
- Sau thời gian nuôi 8 - 10 tháng, cá đạt kích cỡ 0,8 - 1,0 kg/ con tiến hành thu hoạch tổng thể.
- Cho cá nhịn ăn 1 ngày trước khi thu hoạch. Dùng lưới kéo thu nhằm giảm bớt mật độ cá trong ao, sau đó rút cạn nước để thu triệt để. Không thu cá vào những lúc trời nắng to hoặc những ngày thời tiết âm u.
- Trước khi thu hoạch cần chuẩn bị giai, bể để bảo quản cá sống trong quá trình thu hoạch nhằm tăng giá trị của sản phẩm. Cá có thể vận chuyển tươi sống trong 7 - 8 giờ với mật độ < 50 kg/m
- Nên tiến hành thu tổng thể, đồng loạt không nên kéo dài thời gian thu cá sẽ làm cá gầy, hao hụt lớn./.

Tác giả bài viết: Thạc sỹ Trương Văn Toản

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập46
  • Hôm nay2,968
  • Tháng hiện tại133,146
  • Tổng lượt truy cập10,410,538
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây