I - TUYỂN CHỌN VÀ NUÔI VỖ THÀNH THỤC CÁ BỐ MẸ
1. Tuyển chọn cá bố mẹ nuôi vỗ
Cá bố mẹ có thể được tuyển chọn từ nguồn khai thác tự nhiên hoặc lựa chọn từ đàn cá thương phẩm. Tuy nhiên, cá đánh bắt từ tự nhiên thường bị xây xát, stress nên khi đưa vào nuôi trong ao tỷ lệ sống thường thấp. Do vậy nên ưu tiên chọn được cá bố mẹ từ cá nuôi mà không bị cận huyết.
Điểm cần lưu ý là mặc dù nhiều cá cái có khối lượng chỉ 1,3 - 1,5 kg cũng có thể có trứng thành thục nhưng sức sinh sản thực tế rất thấp. Do đó, chỉ nên lựa chọn những cá có khối lượng trên 2,0 kg để đưa vào nuôi vỗ.
Hình 1: Cá Lăng chấm H. guttatus (Lacépède, 1803).
Bảng 1: Yêu cầu kỹ thuật chọn cá bố mẹ
Chỉ tiêu kỹ thuật |
Cá đực |
Cá cái |
Ngoại hình |
Cá khoẻ mạnh, không dị hình, không bệnh tật |
Tuổi |
> 4 tuổi |
> 4 tuổi |
Khối lượng cơ thể |
> 2,0 kg |
> 2,0 kg |
Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn về con giống từng năm mà cơ sở sản xuất cần có kế hoạch chuẩn bị đàn cá bố mẹ hậu bị để bổ sung và thay thế đàn cá bố mẹ do trong quá trình sản xuất giống tỷ lệ chết của cá bố mẹ sau khi sinh sản có thể lên đến 20 - 30%. Những cá đực sau khi mổ lấy sẹ được khâu lại có thể sống sót nhưng chất lượng sẹ của năm kế tiếp sẻ kém không đảm bảo cho viêc sinh sản.
2. Nuôi vỗ cá lăng chấm bố mẹ
2.1. Thiết kế, lựa chọn ao nuôi vỗ
Diện tích ao: 1.000 - 2.000 m2
Tốt nhất chọn ao hình chữ nhật, độ sâu nước: 1,3 - 1,5m, độ sâu bùn đáy 0,2 - 0,3m. Ao được xây dựng ở nơi quang đãng, không bị cớm rợp. Bờ ao được lát bê tông hoặc xây gạch có góc lượn tròn, cống cấp và cống thoát nước đảm bảo thuận tiện cho việc cấp và thoát nước dễ dàng.
Mỗi ao được lắp đặt 2 máy bơm có công suất 1,5 kw/chiếc đặt chéo 2 góc ao để tạo dòng chảy nhân tạo trong ao đồng thời lắp đặt 2 máy bơm nước có công suất 1,5 kw/chiếc để phun nước làm mưa nhân tạo đều khắp ao nhằm kích thích cho cá Lăng chấm bố mẹ trong quá trình nuôi vỗ.
Lưu ý: Tỷ lệ kích thước giữa chiều dài và chiều rộng của ao rất quan trọng trong việc tạo dòng chảy trong ao nuôi vỗ cá bố mẹ. Nếu ao quá dài (tỷ lệ chiều dài/rộng lớn) thì dòng chảy của bơm chưa đến được bờ bên kia của ao nên không thể tạo dòng quanh ao được. Tỷ lệ chiều rộng/dài của ao dao động trong khoảng 2/3 - 3/5 là phù hợp.
2.2. Chuẩn bị ao nuôi vỗ
Tát cạn ao, dùng vôi bột tẩy ao với lượng 7 - 10 kg/100m2 ao. Phơi đáy ao 2 - 3 ngày sau đó lấy nước đủ vào ao.
Môi trường ao trong thời gian nuôi vỗ: pH: 6 - 8; Độ trong: > 25cm; Hàm lượng ôxy hoà tan trong nước > 5 mg/l
2.3. Mật độ nuôi vỗ
Mật độ 18 - 22 kg/100 m2 ao, tỷ lệ cá đực và cái là 1/1 hoặc 1/1,5. Trong ao nuôi ghép thêm cá Mè trắng và Mè hoa với mật độ 4 kg/100 m2.
Cỡ cá mè khi thả dao động trong khoảng 200 - 500 g/con.
2.4. Thời gian nuôi vỗ: Từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau
2.5. Chế độ chăm sóc và quản lý ao nuôi
a) Thức ăn và chế độ cho ăn
Thức ăn để nuôi vỗ cá Lăng chấm gồm: cá tạp cắt thành miếng cỡ 2 x 3cm. Tôm, mực nhỏ để nguyên con. Tỷ lệ cá và tôm cho cá ăn theo khối lượng là 3/1. Từ tháng 12 cho tới khi cá đẻ xong hoàn toàn cho cá ăn theo khẩu phần này với mức thoả mãn (Từ 3 - 5 % khối lượng cá trong ao). Giai đoạn sau khi cá đẻ xong tới tháng 12 chỉ cho cá ăn cá mà không cần cho ăn tôm hoặc có thể cho cá bố mẹ ăn thức ăn chế biến. Ngày cho cá ăn 2 lần vào 9h00 và 17h00, tỷ lệ cho ăn 2 - 3%.
Lưu ý: Nuôi vỗ cá Lăng chấm bố mẹ không phân biệt giai đoạn nuôi vỗ tích cực và nuôi vỗ thành thục mà phải cho cá ăn mức tối đa cá có thể ăn được từ tháng 11 cho đến khi cá đẻ xong. Nhiệt độ nước ảnh hưởng rất lớn đến lượng tiêu thụ thức ăn của cá. Thông thường khi nhiệt độ nước giảm xuống dưới 18 0C cá đã ăn ít thức ăn và ngừng ăn hoàn toàn khi nhiệt độ nước giảm xuống 10 0C. Do vậy việc thường xuyên theo dõi để xác định được đúng lượng thức ăn phù hợp cho cá là rất quan trọng để tránh tình trạng cho cá ăn thừa hoặc thiếu thức ăn.
Trong ao nuôi vỗ bố trí 2 - 3 sàng cho ăn để theo dõi mức độ ăn của cá. Khi cho cá ăn cho khoảng 20 - 30% lượng thức ăn vào sàng, phần thức ăn còn lại ném rộng ra nhiều nơi. Sau khi cho cá ăn 2 - 3 giờ kiểm tra sàng nếu thấy thừa thức ăn thì hôm sau giảm bớt thức ăn, nếu thấy cá ăn hết thức ăn hết liên tục trong 2 - 3 ngày thì điều chỉnh tăng dần lượng thức ăn những ngày hôm sau.
b) Chế độ bổ sung và kích nước trong ao nuôi vỗ
- Chế độ thay nước và kích nước trong quá trình nuôi vỗ:
+ Chế độ thay nước: Thường xuyên luân chuyển nước trong ao qua cống cấp và cống thoát đảm bảo mực nước trong ao luôn cao nhất và đảm bảo chất lượng nước tốt nhất.
+ Chế độ kích nước: Chế độ kích nước trong quá trình nuôi vỗ cá lăng chấm bố mẹ được thể hiện qua bảng sau:
Bảng 2: Chế độ kích thích nước bằng tạo dòng chảy và phun mưa.
Chế độ |
Tháng 11 |
Tháng 12 |
Tháng 1 |
Tháng 2 |
Tháng 3 |
Tháng 4 |
Tháng 5 |
Dòng chảy |
6h/ngày |
6h/ngày |
8h/ngày |
16 h/ngày |
16 h/ngày |
24 h/ngày |
24 h/ngày |
Phun mưa
(giờ) |
0 |
0 |
13 - 16 |
13 - 16 |
4 - 7 và 17 - 19 |
4 - 7 và 17 - 19 |
4 - 7 và 17 - 19 |
c) Quản lý ao nuôi vỗ
- Hàng ngày vào buổi sáng kiểm tra ao, quan sát hoạt động của cá, thức ăn dư thừa để có biện pháp xử lý và điều chỉnh phù hợp.
- Định kỳ 15 ngày/lần sử dụng men vi sinh (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất từng loại vi sinh), đánh xuống ao nhằm tạo môi trường trong sạch, hạn chế bệnh tật, tạo môi trường thuận lợi để cá thành thục tốt hơn.
- Giai đoạn nuôi vỗ thành thục trộn vitamin E và Dầu gan cá (Omega -3) với thức ăn giúp cá thành thục tốt hơn với liều lượng cụ thể như sau:
+ Vitamin E: trộn cùng với thức ăn cho ăn thường xuyên trong quá trình nuôi vỗ với liều lượng 1 g/kg thức ăn.
+ Dầu gan cá (Omega -3): trộn cùng với thức ăn để cho cá ăn trong quá trình nuôi vỗ với liều dùng 01 lần/tháng, mỗi lần 7 ngày, liều lượng 500 mg/1kg cá bố mẹ.
- Trong thời gian nuôi vỗ nên hạn chế kéo lới kiểm tra cá nhất là vào mùa đông. Nửa cuối tháng 3 kiểm tra mức độ thành thục của cá bố mẹ để định thời gian cho cá đẻ.
- Trong quá trình nuôi vỗ, cá lăng có hiện tượng cắn nhau gây lở loét, dễ cảm nhiễm bệnh vào mùa đông nên định kỳ 15 ngày/lần sử dụng vôi bột liều lượng 2 - 3 kg/100 m2 ao và thuốc tím nồng độ 5 ppm đánh xuống ao để phòng bệnh cho cá (sử dụng xen kẽ nhau).
II - CHO CÁ ĐẺ, THỤ TINH NHÂN TẠO VÀ ẤP TRỨNG
1. Cho cá đẻ nhân tạo
1.1. Công trình cho cá đẻ
Cá bố mẹ được nhốt trong hệ thống bể xi măng tròn có đường kính 1,0 - 2,0 m, hoặc bể hình chữ nhật có kích thước 1 m x 2 m giữ ở mức nước 0,5m, cho nước thường xuyên chảy nhẹ kết hợp sục khí đảm bảo hàm lượng O2 hoà tan luôn cao hơn 5,0 mg/l. Nhốt cá riêng từng cá thể vào từng bể phòng trường hợp chúng cắn nhau gây thương tích ảnh hưởng tới kết quả sinh sản và chết sau khi sinh sản.
Trong trường hợp bể lớn có thể dùng lưới ngăn thành nhiều ngăn nhỏ phù hợp để nhốt cá.
1.2. Mùa vụ cho cá đẻ
Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 6.
1.3. Điều kiện môi trường
Nhiệt độ nước cho đẻ cá Lăng chấm từ 22 - 30 0C, thích hợp nhất 23 - 280 C; pH 6,5 - 7,5; Ô xy hòa tan > 5 mg/lít.
1.4. Chọn cá cho đẻ
- Cá cái: Bụng to, có tính đàn hồi, lỗ sinh dục mở to và sưng đỏ, hằn buồng trứng xuống rõ và hơi xệ xuống. Do cơ bụng và mỡ ở bụng dày nên xem bụng Cá Lăng chấm cái không dễ như xem bụng Cá Mè, vì vậy muốn đảm bảo chắc chắn cần phải bổ xung cách dùng que thăm trứng lấy một ít trứng cho vào dung dịch kiểm tra trứng, nếu thấy phần lớn trứng có nhân lệch về cực động vật và hằn buồng trứng khá rõ thì đó là cá đã thành thục tốt. Nếu hằn buồng trứng không rõ hoặc mất đi thì chứng tỏ cá đã quá thành thục, bước sang giai đoạn thoái hoá.
Dung dịch thử trứng cá Lăng chấm: 80% cồn 95oC, 5% formalin, 15% acid acetic) trong khoảng 5-10 phút, nếu thấy khoảng 1/2 - 2/3 số trứng có nhân lệch về cực động vật và hằn buồng trứng khá rõ thì đó là cá đã thành thục tốt
- Cá đực: Chỉ có thể kiểm tra qua hình thái ngoài, chọn những con có bụng hẹp, phẳng, lỗ sinh dục sưng và có màu tím đỏ. Sẹ của 1 cá đực thành thục tốt có thể thụ tinh được cho trứng của 2 - 3 cá cái có cùng kích cỡ.
1.5. Liều lượng kích dục tố và cách tiêm
Kích dục tố sử dụng là: LRHa kết hợp với Domperidon hoặc HCG kết hợp với não thùy
- Nếu tiêm LRHa với Domperidon:
+ Liều lượng cho cá cái: 15 - 20mg LRHa + 6mg Domperidon/kg
+ Liều lượng cho cá đực bằng 1/3 liều tiêm cho cá cái.
- Nếu tiêm HCG với não thùy:
+ Liều 1: + Cá cái: 2 não + 2.000 UI (HCG)/kg cá.
+ Cá đực: 1 não + 500 UI (HCG)/kg cá
+ Liều 2: + Cá cái: 5 não + 5.000 UI (HCG)/kg cá
+ Cá đực: 2 não + 2.000 UI (HCG)/kg cá
+ Tiêm cho cá 2 lần, lần 1 cách lần 2 23 - 24h, liều lượng của lần 1 bằng 1/5 của tổng liều tiêm. Thời gian tiêm cá đực cùng với thời gian tiêm của cá cái.
- Vị trí tiêm: Gốc vây ngực.
- Thời gian hiệu ứng của thuốc tuỳ điều kiện nhiệt độ, loại và liều lượng thuốc tiêm, mức độ thành thục của cá.
- Có thể sử dụng một trong hai loại thuốc trên để tiêm cho cá, tuy nhiên nên sử dụng HCG kết hợp với não nhằm giảm thiểu hao hụt cá bố mẹ sau sinh sản.
Bảng 3: Thời gian hiệu ứng của thuốc theo nhiệt độ nước.
Nhiệt độ nước (0C) |
24 - 25 |
25 - 27 |
27 - 28 |
Thời gian hiệu ứng |
23 - 30 |
20 - 26 |
19 - 24 |
1.6. Vuốt trứng, mổ cá đực lấy sẹ và thụ tinh nhân tạo
a) Vuốt trứng, mổ cá đực
- Lật ngửa cá, dùng tay ấn nhẹ lên bụng cá, nếu thấy trứng chảy ra thì tiến hành bắt cá đực, tiến hành mổ cá đực, dùng kéo nhọn rạch 1 vết dài 7 - 10 cm tại lườn bụng cách lỗ hậu môn 5 - 6cm sau đó dùng ngón tay trỏ vén ruột và mỡ cá ra cho tới khi nhìn thấy tuyến sẹ là hai dải dài hình lược nằm dưới thận, dùng panh gắp tuyến sẹ ra cho vào đĩa lồng. Sát trùng và khâu lại vết mổ của cá đực sau đó thả lại bể cho cá hồi phục trước khi thả lại ao tiếp tục nuôi vỗ.
- Cùng trong thời gian này tiến hành vuốt trứng cá cái vào bát sạch và khô. Các thao tác phải nhanh nhẹn, khéo loéo nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe cá bố mẹ và đảm bảo thời gian cho việc thụ tinh cho trứng.
b) Phương pháp thụ tinh
Sau khi trứng được vuốt từ cá cái, chắt bớt dịch trứng. Dùng kéo cắt nhỏ sẹ sau đó dùng cối sứ nghiền nhỏ. Đổ sẹ đã được nghiền vào bát trứng sau đó dùng lông cánh gia cầm trộn đều hỗn hợp để sẹ phân bố đều trong bát trứng. Cho lượng nước sạch có thể tích bằng 1/5 - 1/4 thể tích trứng rồi quấy nhẹ bằng lông cánh gia cầm trong khoảng 30 - 60 giây sau đó rửa trứng bằng nước sạch nhiều lần và đem vào ấp. Để tăng tỷ lệ thụ tinh có thể hòa tinh dịch trong nước muối sinh lý rồi mới cho thụ tinh với trứng.
Bảng 4. Dụng cụ mổ cá đực, vuốt trứng cá cái và thụ tinh nhân tạo.
Số TT |
Danh mục |
Quy cách, đặc điểm |
Số lượng |
1 |
Kéo giải phẫu |
Dài 15-20cm |
2 chiếc |
2 |
Panh |
Dài 15cm |
1 chiếc |
3 |
Panh |
Dài 10cm |
1 chiếc |
4 |
Đĩa lồng |
Đường kính 10cm |
2 hộp |
5 |
Bát sắt đựng trứng |
Dung tích 1 lít |
10 chiếc |
6 |
Chậu men |
Dung tích 5 lít |
4-5 chiếc |
7 |
Lông cánh gia cầm |
|
Vừa đủ |
8 |
Kim, chỉ giải phẫu, cồn tiệt trùng, thuốc kháng sinh |
|
Vừa đủ |
1.7. Ấp trứng
a) Dụng cụ ấp trứng
Khay ấp có kích thước 0,37 m x 0,23 m x 0,05m có đáy bằng nhôm, xung quanh làm bằng lưới có cỡ mắt 25 mắt/cm2 đặt trong bể xi măng có kích thước 1,20 m x 1,20 m x 0,30 m, mực nước sâu 0,20 m, trứng ngập sâu trong nước 3 - 4cm. Hoặc ấp trong chậu men có sục khí và thay nước định kỳ
b) Mật độ ấp trứng: 10 - 15 trứng/cm2.
c) Chế độ chăm sóc, quản lý
Sục khí thường xuyên thường xuyên trong bể đảm bảo hàm lượng O2 hoà tan đạt trên 6,0mg/l. Trong quá trình ấp trứng phải thường xuyên loại bỏ trứng hỏng và trứng không thụ tinh tránh hiện tượng nấm phát triển gây chết cả những trứng có chất lượng tốt. Thay nước định kỳ 8h/lần, mỗi lần thay khoảng 1/2 - 2/3 lượng nước trong bể ấp, nếu có điều kiện có thể cho luân chuyển nước thường xuyên trong bể ấp trứng.
d) Thời gian ấp: Tại nhiệt độ nước bể ấp 23 - 290C trứng cá nở sau khoảng 51 đến 73h.
III - ƯƠNG CÁ BỘT THÀNH CÁ HƯƠNG, CÁ GIỐNG
1. Ương cá bột lên cá hương
1.1. Ương cá bột lên cá hương 15 ngày tuổi
Sau khi trứng cá nở thành cá bột, dùng ống hút thu cá bột chuyển cá ra ương tại bể kính.
a) Bể ương:Ương cá bột trong bể kính có diện tích 0,25 - 0,50m, độ sâu mực nước 0,25m. Trước khi ương cá cần cọ rửa bể sạch sẽ và tẩy trùng sạch sẽ bằng Formalin với nồng độ 40ppm.
b) Mật độ ương và thời gian ương
- Mật độ ương: 4.000 - 6.000 con/m2 bể
- Thời gian ương: 15 ngày
c) Chăm sóc và quản lý bể ương
- Cho cá ăn: Trong 6 ngày đầu cá bột dinh dưỡng bằng noãn hoàng, từ ngày thứ 7 - 10 cá bắt đầu ăn động vật phù du, Artemia bung dù. Từ ngày tuổi thứ 11 đến 15 cho cá ăn kết hợp trùng chỉ và động vật phù du. Cho cá ăn ngày 3 lần vào 8h00, 13h00 và 19h00 theo mức thoả mãn.
- Chế độ thay nước: Từ 1- 6 ngày tuổi: Giai đoạn này cá chưa ăn thức ăn bổ sung nên có ít chất thải. Hàng ngày siphon hút bỏ cặn bẩn và cá bột chết 2 lần vào 8 h00 và 19 h00, thay 1/3 lượng nước trong bể.
Từ 6 - 15 ngày tuổi: Sau khi cho cá ăn dùng vợt vớt hết thức ăn thừa, xi phông loại bỏ phân và chất cặn bẩn. Thay 50 - 80% lượng nước trong bể sau mỗi lần cho cá ăn.
- Quản lý bể ương: Sục khí liên tục đảm bảo hàm lượng ôxy > 6mg/l. Thường xuyên quan sát hoạt động và mức độ sử dụng thức ăn của cá để phát hiện bệnh nhằm có biện pháp điều trị kịp thời.
- Thu hoạch: Dùng vợt bắt gần hết cá sau đó tháo cạn nước và thu toàn bộ cá. Thao tác bắt cá phải nhẹ nhàng không làm cá bị trầy xước.
1.2. Ương cá hương từ 15 đến 30 ngày tuổi
a) Bể ương: Bể xi măng có diện tích 2 - 3 m2, tốt nhất là bể xi măng tròn có cống thoát nước ở giữa vì dễ thay nước. Độ sâu nước giữ thường xuyên 0,5m. Trước khi ương cần tẩy trùng sạch sẽ bằng Formalin với nồng độ 40 ppm.
b) Mật độ và thời gian ương
- Mật độ ương: 1.000 - 1.300 con/m2
- Thời gian ương: 15 ngày
c) Chăm sóc và quản lý bể ương
- Cho cá ăn: Trong 2 - 3 ngày đầu tiên cho cá ăn trùng chỉ sau đó cho cá ăn thịt cá tươi băm nhỏ, trùn quế và sau đó luyện cho cá ăn thức ăn chế biến từ thịt cá xay nhuyễn (chiếm 50% về trọng lượng) trộn lẫn bột tổng hợp (70% bột cá + 30% bột đỗ tương) ép thành sợi có đường kính 2mm. Cho cá ăn 2 lần/ngày vào 9h00 và 17h00 theo mức thoả mãn.
- Chế độ thay nước: Hàng ngày thay nước trong bể ương 2 lần sau khi cho cá ăn, mỗi lần thay 70 - 80% lượng nước trong bể.
- Chăm sóc và quản lý bể ương: Thường xuyên sục khí đảm bảo hàm lượng ôxy hoà tan > 6 mg/l. Thường xuyên quan sát hoạt động và mức độ sử dụng thức ăn của cá để phát hiện bệnh nhằm có biện pháp điều trị kịp thời.
- Thu hoạch: Dùng vợt bắt gần hết cá sau đó tháo cạn nước và thu toàn bộ cá. Thao tác bắt cá phải nhẹ nhàng không làm cá bị trầy xước, ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.
2. Ương cá hương lên cá giống
2.1. Ương trong bể xi măng
a) Bể ương: Bể xi măng có diện tích 3 - 5 m2, tốt nhất là bể xi măng tròn có cống thoát nước ở giữa vì. Độ sâu nước giữ thường xuyên 0,5 m.
b) Mật độ và thời gian ương
- Mật độ ương: 200 con/m2
- Thời gian ương: 30 ngày
c) Chăm sóc và quản lý bể ương
- Cho cá ăn: Cho cá ăn thức ăn chế biến từ bột cá và bột đậu tương theo tỷ lệ 70 % bột cá + 30% bột đỗ tương. Cho cá ăn 2lần/ngày vào 9h00 và 17h00 theo mức thoả mãn nhu cầu của cá.
- Chế độ thay nước: Hàng ngày thay nước trong bể ương 2 lần sau khi cho cá ăn, mỗi lần thay 70 - 80% lượng nước trong bể.
- Chăm sóc và quản lý bể ương: Thường xuyên sục khí đảm bảo hàm lượng ôxy hoà tan > 6mg/l. Thường xuyên quan sát hoạt động và mức độ sử dụng thức ăn của cá để phát hiện bệnh nhằm có biện pháp điều trị kịp thời.
- Thu hoạch: Dùng vợt bắt gần hết cá sau đó tháo cạn nước và thu toàn bộ. Thao tác bắt cá phải nhẹ nhàng không làm cá bị trầy xước, ảnh hưởng đến sức khỏe của cá.
2.2. Ương cá hương lên cá giống trong ao
a) Ao ương: Ao ương có diện tích từ 500 - 1.000m2, có hệ thống cấp tiêu nước thuận tiện, có nguồn nước chủ động, trong sạch.
Chuẩn bị ao ương: Tát cạn ao, thu hết cá tạp. Dùng vôi bột tẩy ao với liều lượng 7 - 10 kg/100m2. Phơi đáy ao 2 - 3 ngày sau đó lấy đủ nước sạch vào ao.
b) Mật độ và thời gian ương
- Mật độ ương: 30 - 50 con/m2
- Thời gian ương: 30 ngày
c) Thả cá vào ao: Sau khi kết thúc giai đoạn luyện cho cá ăn thức ăn chế biến, chuyển cá ra ương tại ao. Nên thả cá vào buổi sáng hoặc chiều mát. Không thả cá vào lúc trời nắng, mưa to hoặc vừa mới mưa xong. Khi thả cá cho thêm nước ao từ từ vào thùng, túi chứa cá hương và giữ yên trong 10 - 15 phút để trung hòa nhiệt độ nước trong túi và ao thả cá, sau đó nhẹ nhàng thả cá ra ao.
d) Chăm sóc và quản lý ao ương
- Cho cá ăn: Cho cá ăn thức ăn chế biến từ bột cá và bột đậu tương theo tỷ lệ 70% bột cá + 30% bột đỗ tương. Hoặc cho cá ăn 100% cá tạp. Cho cá ăn 2 lần/ngày vào 9h00 và 17h00 theo mức thoả mãn. Trong ao có treo các sàng cho cá ăn để kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của cá.
- Quản lý ao ương: Thay nước ao 2 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30 - 40 % lượng nước trong ao. Kiểm tra ao vào buổi sáng hàng ngày, theo dõi hoạt động của cá, mức nước, màu sắc nước ao để có những biện pháp xử lý phù hợp. Kiểm tra tình hình bệnh cá phát sinh trong ao để có biện pháp xử lý kịp thời.
|
|
Hình 2: Cá Lăng chấm giống
- Thu hoạch: Sau thời gian ương cá đạt cỡ 8 - 10 cm dùng lưới kéo gom ép luyện vài ngày trước khi xuất bán hoặc chuyển sang ao nuôi thương phẩm.
IV - PHÒNG VÀ TRỊ MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP TRONG SẢN XUẤT GIỐNG CÁ LĂNG CHẤM
1. Phòng bệnh
Cá Lăng chấm nói riêng và các loài thủy sản nuôi nói chung phòng bệnh cho chúng là chính chỉ chữa bệnh khi cần thiết. Để hạn chế cá bị bệnh người sản xuất thực hiện những biện pháp phòng bệnh sau:
- Bơm cạn, cải tao ao, dùng vôi bột bón với lượng 7 - 10 kg/100 m2, phơi khô đáy ao từ 3 - 5 ngày trước khi cấp nước vào ao (ao nuôi vỗ cá bố mẹ và ương nuôi cá giống).
- Vệ sinh khử trùng dụng cụ, bể ấp, bể ương cá giống bằng formalin nồng độ 40 ppm
- Cá trước khi thả được tắm qua dd nước muối NaCl 2 - 3 % trong thời gian 10 -15 phút nhằm làm lành vết thương.
- Kích cỡ cá thả đồng đều nhằm hạn chế cắn nhau dẫn đến hao hụt. Trong quá trình ương nên phân lọc san thưa cá giống.
- Đối với cá Lăng bố mẹ thả với mật độ vừa phải tốt nhất 18 - 20 kg/100 m2. Vì cá Lăng có đặc điểm hay cắn nhau dẫn đến bị bệnh lở loét. Lựa chọn những cá thể bố mẹ không cận huyết giúp cá giống có sức đề kháng và sinh trưởng tốt hơn.
- Thức ăn sử dụng còn tươi không ươn thối. Cho ăn theo phương pháp “4 định” (gồm chất lượng, số lượng, vị trí và thời gian cho ăn). Định kỳ hàng tuần bổ sung thuốc bổ vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá.
- Định kỳ hàng tháng sử dụng men vi sinh làm trong sạch môi trường nước hạn chế sinh vật gây bệnh phát triển.
- Vào mùa đông những tháng nhiệt độ nước thấp không kéo lưới dồn cá gây xây xát tạo điều kiện cho nấm vi sinh vật gây bệnh cho cá.
2. Trị một số bệnh thường gặp
2.1. Bệnh nấm thủy my
- Tác nhân gây bệnh: Saprolegnia, Achlya
- Dấu hiệu bệnh lý: Trên da xuất hiện các vùng trắng xám. Nấm phát triển như đám bông. Trứng có màu trắng đục xung quanh có sợi nấm.
- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh: Tất cả động vật thủy sản đều bị nấm ký sinh vào mùa xuân, thu, đông. Đối với cá Lăng chấm nấm thủy mi gây hại nhiều nhất giai đoạn trứng. Cá sống trong điều kiện chất lượng nước không đảm bảo thường bị nhiễm nấm. Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông.
- Phòng trị bệnh: Làm sạch môi trường nuôi. Tắm cho cá giống cá bố mẹ trước khi thả bằng dd nước muối NaCl 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút. Dùng Fungcide MG tắm hoặc ngâm.
2.2. Bệnh trùng mỏ neo
- Tác nhân gây bệnh: Lernaea spp.
- Dấu hiệu bệnh lý: Cá kém ăn, gầy yếu, đầu to, thân nhỏ. Trùng cắm sâu vào tổ chức gây viêm loét.
- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh thường gặp trên cá Lăng bố mẹ và xuất hiện vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông.
- Phòng trị bệnh: Dùng lá xoan, formalin phun xuống ao.
2.3. Bệnh gây ra do vi khuẩn
- Tác nhân gây bệnh: Aeromonas hydrophyla và A. caviae
- Dấu hiệu bệnh lý: Cá bỏ ăn hoặc giảm ăn. Các mẫu bệnh thường có các dấu hiệu xuất huyết gốc vây, gan xuất huyết cục bộ, bụng trướng. Cá bị bệnh lơi chậm lờ đờ trên mặt nước, cạnh bờ ao. Cá chết rải rác 3 - 10 con mỗi ngày nhưng không chết đồng loạt.
- Phòng trị bệnh: Dùng chế phẩm sinh học Microcin với liều lượng 40 ml/kg thức ăn, trộn đều chế phẩm với thức ăn, cho cá ăn trong thời gian 7 ngày. Dùng Tetracyclin hoặc oxytetracyclin như liều lượng khuyến cáo ở trên kết hợp bổ sung thêm vitamin C, B1 vào thức ăn cho cá để tăng sức đề kháng cho cá./.