QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ CHIÊN TRONG LỒNG BÈ TRÊN THỦY VỰC LỚN PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN NGHỆ AN

Thứ ba - 29/12/2020 22:56 1.119 0
QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ CHIÊN TRONG LỒNG BÈ TRÊN THỦY VỰC LỚN PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN NGHỆ AN
I - THIẾT KẾ, XÂY DỰNG LỒNG BÈ NUÔI CÁ CHIÊN
1. Lựa chọn địa điểm nuôi:
- Hồ đặt lồng bè nuôi nên có tổng diện tích mặt thoáng trên 200 ha, dung tích nước đạt trên 4 triệu m3 nước, độ sâu mực nước trên 10 m. Dung tích nước tràn đến mức nước chết tối thiểu 100 ha, độ sâu đạt 5 - 7 m là tốt nhất.
- Địa điểm đặt lồng bè phải có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm bởi nước thải công nghiệp, nông nghiệp và nước thải sinh hoạt.
- Môi trường nuôi phải đảm bảo các yếu tố sau:
+ pH 7,0 - 8,0; Oxy hoà tan > 5 mg/lít
+ NH3 < 0,01 mg/lít
+ H2S < 0,01 mg/lít
- Chọn nơi thông thoáng, có dòng chảy nhẹ, không nên nuôi tại các điểm cuối của eo nghách. Độ sâu điểm đặt lồng trên hồ chứa có độ sâu lớn hơn 4 m tại thời điểm mực nước hồ xuống thấp nhất.
- Mật độ lồng nuôi trên hồ chứa không quá dày. Mỗi cụm lồng không quá nhiều lồng tốt nhất khoảng mỗi cụm nuôi khoảng 10 - 15 lồng. Các cụm lồng cách nhau 10 - 15 m. Tại hồ chứa tổng diện tích lồng không quá 0,2% diện tích khu vực đặt lồng.
- Địa điểm đặt lồng đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy. Không làm ảnh hưởng đến dòng chảy và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác.
- Có điện lưới, an ninh đảm bảo, giao thông thuận tiện cho việc đi lại, chăm sóc và thu hoạch cá thương phẩm.
2. Thiết kế, xây dựng lồng bè nuôi:
Đối với nuôi cá Chiên trên thủy vực lớn tùy vào điều kiện kinh tế và thời gian nuôi để lựa chọn vật liệu làm lồng nuôi thích hợp. Lồng nuôi cá có thể làm 1 trong 3 dạng: Bằng thép, tre, gỗ.
2.1. Hệ thống khung lồng:
2.1.1. Hệ thống khung lồng bằng tiếp thép:
a. Vật liệu:
Toàn bộ khung lồng làm bằng ống tiếp thép Φ34, mỗi cây dài 6m và ống nối thép Φ34. Thùng phuy nhựa 200lít (hoặc thùng phuy sắt), dây thép để liên kết thùng phuy với khung lồng. Ngoài ra còn có dây neo cố định khung lồng.
b. Thiết kế khung lồng:
Khung lồng nuôi được làm bằng ống thép mạ kẽm Φ34 hoặc Φ48 được hàn gắn, liên kết với nhau chắc chắn. Kích thước lồng nên thiết kế lớn hơn để nuôi số lượng nhiều hơn và đem lại hiệu quả cao hơn cụ thể: Dài x rộng x cao là 3m x 3m x 2,5m (18m3) độ sâu ngập nước 2m hoặc có thể lớn hơn 6m x 3m x 2,5m (36m3)), phần ngập nước sử dụng ống thép Φ27 hàn nối tạo thành dạng hình hộp để mắc lưới lồng nuôi, giúp lưới lồng nuôi cố định, không bị dòng chảy làm làm thu hẹp diện tích lồng nuôi.
Khung lồng nuôi được cố định bằng các phao nổi được làm bằng thùng nhựa, thùng phi sắt có dung tích 200 lít, khoảng cách từ mặt nước lên đến khung lồng tối thiểu phải đạt 50 cm.

Hình 1: Hệ thống lồng nuôi bằng tiếp thép
2.1.2. Hệ thống khung lồng bằng tre:
a. Vật liệu :
Khung lồng làm bằng tre đặc thẳng mỗi cây dài khoảng 4m đến 5m, liên kết nhau bằng dây thép. Phao bằng phuy sắt hoặc nhựa 200 lít. Toàn bộ khung lồng được cố định bằng dây neo 4 góc.
b. Thiết kế khung lồng:
Khung lồng có kích thước 12,5 x 5,5 m làm thành 2 dãy, mỗi dãy 3 - 5 ô lồng nuôi, mỗi ô thước 3,5 x 2 m để mắc lưới lồng. Các cạnh của khung lồng gồm 5 cây tre ghép sát nhau rộng khoảng 0,5m bằng dây thép. Phao được làm bằng thùng phuy sắt hoặc nhựa và liên kết với khung lồng bằng dây thép. Lồng lưới có chiều sâu 2 m, chiều sâu mức nước thả nuôi là 1,5 m.

Hình 2: Hệ thống lồng nuôi bằng tre
2.1.3. Hệ thống khung lồng bằng gỗ:
a. Vật liệu:
Thanh gỗ 5 x 10cm có chiều dài từ 4 - 6m, ốc 10 dài 20cm. Phao bằng thùng phuy sắt hoặc nhựa 200 lít và dây thép.
b. Thiết kế khung lồng:
 Các thanh gỗ 5 x 10 cm có chiều dài từ 4 - 6 m được liên kết bằng ốc 10 dài 20 cm. Phao bằng thùng phuy sắt 200 lít, được gắn với khung lồng bằng dây thép. Khung lồng có kích thước 12,5 x 5,5m được chia làm 2 dãy, mỗi dãy 3 - 5 ô nuôi, có kích thước 3,5 x 2m. Khung lồng nhìn trên xuống có hình  như sau:
Hình 3: Hệ thống lồng nuôi bằng gỗ
Lồng lưới có chiều sâu 2 - 3m, chiều sâu mức nước thả nuôi là 1,5 m - 2,5m.
Tất cả các lồng dù thiết kế bằng vật liệu gì trên các mặt của thành lồng đều có lớp lưới chắn cao 0,5 m để ngăn thức ăn trôi, cá nhảy ra ngoài.
2.2. Lưới lồng:
Lưới lồng được làm bằng sợi cước, sợi tổng hợp hoặc HPE (Hight polyethylene), lưới lồng tốt nhất nên chọn loại lưới dệt không có gút thắt, kích thước mắt lưới 2a = 2,5 là tốt nhất nhằm hạn chế xây xát cá trong quá trình vận hành, kéo lưới lồng vệ sinh, kiểm tra cá và lưu thông nước ra vào lồng. Miệng lồng được buộc chặt vào khung lồng và được giữ nổi trên mặt nước nhờ hệ thống phao nhựa hoặc phao sắt. Xung quanh lưới lồng nuôi được bố trí các dây giềng để cố định lồng đảo bảo chắc chắn. Đáy lồng nuôi được cố định vào khung lồng hoặc hệ thống chì cố định.
2.3. Neo cố định bè nuôi:
Neo cố định bè nuôi: Bao gồm mỏ neo và dây neo. Mỏ neo được làm bằng sắt có trọng lượng 15 - 20kg/neo, làm theo dạng neo thuyền. Dây neo sử dụng dây thừng bằng dù để neo lồng đảm bảo độ chắc chắn để giữ lồng bè nuôi không cho lồng bè dịch chuyển khỏi vị trí đã được cố định.
II - TUYỂN CHỌN, VẬN CHUYỂN VÀ THẢ CÁ CHIÊN GIỐNG
1. Tuyển chọn cá Chiên giống:
Cá giống thả nuôi phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Kích cỡ cá giống TB: 50 - 70 g/con là phù hợp nhất cho vận chuyển và thả nuôi lồng bè.
- Cá giống đảm bảo khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị xây xát, không bị dị hình dị tật, không có dấu hiệu bệnh.

Hình 4: Cá Chiên (Bagarius Yarrelli, Sykes, 1839)
2. Vận chuyển:
- Cá giống trước khi vận chuyển được ép luyện, cho nhịn ăn 1 ngày trước khi vận chuyển.
- Vận chuyển bằng phương pháp vận chuyển kín trong bao Nilon (dài 1,2m,  rộng 0,6m) có bơm oxy.
- Mật độ vận chuyển: 20 - 25 con/bao, mỗi bao chứa 20 - 25 lít nước.
- Vận chuyển cá Chiên vào lúc trời mát, nếu nắng nóng nên chọn thời điểm vận chuyển vào ban đêm.
- Trong quá trình vận chuyển thường xuyên kiểm tra cá để có biện pháp xử lý kịp thời nếu có sự cố xảy ra.
- Thời gian vận chuyển dưới 12 giờ.
3. Thả cá giống                    
- Mùa vụ thả: Tốt nhất thả cá vào tháng 4 - 5 hàng năm.
- Cá trước khi thả được tắm qua dung dịch nước muối (NaCl) 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút nhằm sát khuẩn, trị vết thương cho cá do quá trình vận chuyển.
- Tính toán thời gian vận chuyển thả cá vào lúc sáng sớm.
- Mật độ thả: 25 - 30 con/m3 lồng. 
III - CHĂM SÓC VÀ QUẢN LÝ CÁ CHIÊN NUÔI LỒNG
1. Thức ăn và cho cá ăn
- Thức ăn cho cá là cá tạp tươi
- Cho cá ăn ngày 2 lần vào 7 giờ và 17 giờ hàng ngày.
- Hàng ngày bổ sung Vitamin C với lượng 5 g/kg thức ăn, thuốc bổ gan (Boganic) 5 ml/kg thức ăn, bằng cách trộn đều vào thức ăn cho cá ăn nhằm tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh cho cá và kích thích cá phát triển.
- Thức ăn được cho vào sàng cho ăn tránh hiện tượng cá chưa kịp ăn thức ăn đã rơi ra ngoài lồng (sàng có kích thước >1 m2).
- Tỷ lệ cho cá ăn: Tùy theo giai đoạn phát triển của cá để cơ cấu tỷ lệ cho ăn hợp lý cụ thể như sau:
+ Giai đoạn từ 60 - 200g/con, tỷ lệ cho ăn: 8 - 10%
+ Giai đoạn 200 - 500g/con, tỷ lệ cho ăn: 6 - 8%
+ Cá đạt cỡ trên 500g/con, tỷ lệ cho ăn là 4 - 6%
2. Quản lý lồng nuôi
- Hàng ngày quan sát các hoạt động của cá, lồng nuôi, tình hình sử dụng thức ăn của cá và các hiện tượng khác bất thường để xử lý. Nếu thấy lồng có sự cố rách thì phải sửa chữa ngay, thấy cá có dấu hiệu bị bệnh cần tắm thuốc, vệ sinh lồng và tách cá yếu sang giai khác.
- Mỗi tuần vệ sinh lồng 1 lần. Dùng bàn chải cọ sạch các mặt bên của lồng, vệ sinh rác, phù sa bám lồng.
- Hàng tháng tiến hành kiểm tra cá, phân lọc nếu có hiện tượng phân đàn lớn, tránh trường hợp cá lớn tranh mồi của cá bé.
- Định kỳ 15 - 20 ngày dùng vôi khử trùng lồng nuôi và khu vực quanh lồng
- Vào mùa mưa lũ phải kiểm tra dây neo, di chuyển bè tới vị trí an toàn.
3. Thu hoạch
- Sau 18 - 20 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thương phẩm 1,2 - 1,5 kg/con tiến hành thu hoạch. Có thể thu toàn bộ hoặc thu tỉa những cá thể lớn tùy thuộc vào thị trường và mức độ đồng đều của cá nuôi.
- Trước khi thu hoạch cần liên hệ thị trường để tiêu thụ cá sống để có giá thành cao, cho cá nhịn ăn trước 1 ngày trước khi xuất ban, vận chuyển.
IV - PHÒNG VÀ TRỊ MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP ĐỐI VỚI CÁ CHIÊN NUÔI LỒNG
1. Phòng bệnh
Cá Chiên nuôi lồng nói riêng và các loài thủy sản nói chung khi xảy ra bệnh rất khó chữa nếu chữa khỏi cũng sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá do đó phòng không để xảy ra bệnh là rất quan trọng:
- Vệ sinh, khử trùng lồng sau mỗi vụ nuôi nếu là lồng nuôi lại.
- Thả cá với mật độ phù hợp, không nên nuôi với mật độ quá dày dễ làm ô nhiễm nước và ảnh hưởng đến tăng trưởng của cá (Mật độ phù hợp 20 - 30con/m3 lồng).
- Chọn cá giống khỏe mạnh, trước khi thả được tắm qua dung dịch nước muối (NaCl) 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút.
- Thức ăn đảm bảo chất lượng, số lượng. Đảm bảo không dư, thiếu thức ăn. Định kỳ bổ sung thuốc bổ, Vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá.
- Đảm bảo môi trường sống tốt cho cá: Chọn vị trí nuôi, đặt lồng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Nguồn nước không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất.
- Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, treo túi vôi trong lồng nuôi và tăng cường tạt vôi quanh lồng khu vực lồng nuôi trong quá trình nuôi, nhất là vào mùa mưa lũ, mùa dịch bệnh.
2. Trị một số bệnh thường gặp
2.1. Bệnh xuất huyết do vi khuẩn:
- Tác nhân gây bệnh: Do Aeromonas hydrophila; Pseudomonas fluorescens; Streptococcus sp.
- Dấu hiệu bệnh lý:
+ Cá kém ăn hoặc bỏ ăn; Có các đốm đỏ trên thân.
+ Vây xuất huyết, rách nát.
+ Cơ quan nội tạng có thể xuất huyết có các đốm trắng, ruột xuất huyết, nhiều chỗ hoại tử thối nát.
- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè và mùa thu.
- Phòng trị bệnh:
+ Áp dụng chặt chẽ công tác phòng bệnh chung cho cá nuôi lồng bè. Thường xuyên vệ sinh lồng bè, môi trường nuôi bằng vôi.
+ Trị bệnh: Sử dụng kháng sinh (Rifamycine 90 - 120 ppm và Cipro Floxaxim 15 - 20 ppm) tắm trong thời gian 12 - 15 phút, đồng thời tách riêng ra một lồng để theo dõi, chăm sóc và thực hiện tắm lại kháng sinh cho đến khi cá khỏi hẳn. Kết hợp sử dụng thuốc Tiên Đắc trộn vào thức ăn với liều lượng 50g thuốc/100kg  cá, cho ăn liên tục trong 7 ngày; Thường xuyên sử dụng Vitamin C với lượng 2g/kg thức ăn và thuốc bổ gan (Boganic) liều lượng 2 - 3 ml/kg thức ăn, cho ăn liên tục trong quá trình nuôi.
2.2. Bệnh đốm trắng do vi khuẩn:
- Tác nhân gây bệnh: Do Edwardsiella tarda, E. ictaluri gây nên.
- Dấu hiệu bệnh lý:
+ Cá bị bệnh kém ăn hoặc bỏ ăn, gầy yếu, bụng chướng to, xung quanh miệng có các đám xuất huyết, gốc vây xuất huyết, mắt lồi
+ Giải phẫu cơ quan nội tạng gan, lá lạch, thận bị hoại tử thành những đốm màu trắng đục đ­ường kính 0,5 - 2,5mm, còn gọi là “bệnh đốm trắng”.
- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh:
+ Gây bệnh ở cá da trơn: Cá chiên, cá trê, cá tra, cá ba sa, cá lăng, cá nheo…
+ Bệnh xuất hiện nhiều nhất vào mùa xuân, mùa thu và trong ao nuôi mật độ cao, nuôi cá lồng bè.
- Phòng và trị bệnh:
+ Áp dụng chặt chẽ công tác phòng bệnh chung cho cá nuôi lồng bè.Thường xuyên vệ sinh lồng bè, môi trường nuôi bằng vôi.
+ Cung cấp thêm lượng Vitamin C.
+ Dùng thuốc Tiên đắc hoặc dùng thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn cho cá ăn để phòng và trị bệnh cho cá.
2.3. Bệnh đốm đỏ do vi khuẩn:
- Tác nhân gây bệnh: Do nhóm vi khuẩn Aeromonas nhưng thường gặp nhất là vi khuẩn Aeromonas hydrophyla gây nên.
- Dấu hiệu cá mắc bệnh:
+ Bên ngoài: Cá bỏ ăn, bơi lờ đờ tầng mặt, da chuyển màu tối, mất nhớt, hạu môn viêm đỏ lồi ra. Trên thân, gốc vây, quanh miệng có nhiều đốm đỏ, mắt lồi đục, bụng chướng to, vây xơ rách, tia vây cụt, không thấy xuất huyết dưới da.
+ Bên trong: Xoang bụng, tuyến sinh dục, bóng hơi xuất huyết, gan tái nhợt, mật đen sẫm, ruột không có thức ăn, chứa đầy hơi hoặc xuất huyết rữa nát, chứa đầy mủ, xoang bụng chứa nhiều dịch nhờn, mùi hôi thối.
- Phân bố và lan truyền bệnh: Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng tập trung vào mùa xuân, mùa hè và đầu mùa thu.
- Phòng và trị bệnh:
Sử dụng kháng sinh (Rifamycine 90 - 120 ppm và Cipro Floxaxim 15 - 20 ppm) tắm trong thời gian 12 - 15 phút, đồng thời tách riêng ra một lồng để theo dõi, chăm sóc và thực hiện tắm lại kháng sinh cho đến khi cá khỏi hẳn. Kết hợp dùng thuốc Tiên Đắc trộn vào thức ăn với lượng 50g thuốc/100kg cá, cho ăn liên tục trong 7 ngày, Vitamin C với lượng 2g/kg thức ăn và thuốc bổ gan liều lượng 2ml/kg thức ăn, cho ăn liên tục.
2.4. Bệnh nấm thuỷ mi:
- Tác nhân gây bệnh: Do Saprolegnia, Achlya gây nên.
-  Dấu hiệu bệnh lý:
+ Trên da xuất hiện các vùng trắng xám.
+ Nấm phát triển như đám bông.
- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông.
- Phòng trị bệnh:
+ Làm sạch môi trường nuôi.
+ Tắm cá trước khi thả bằng dung dịch nước muối NaCl) 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút.
+ Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt vào nước với nồng độ 2 - 5ppm./.

Tác giả bài viết: Thạc sỹ Trương Văn Toản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay13,276
  • Tháng hiện tại487,379
  • Tổng lượt truy cập7,335,189
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây