QUY TRÌNH NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ CHẠCH LẤU TRONG AO ĐẤT TẠI NGHỆ AN

Thứ tư - 29/12/2021 20:33 9.474 0
I - THÔNG TIN CHUNG:
1. Xuất xứ quy trình.

Quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Chạch lấu (Mastacembelus favus) trong ao đất quy mô công nghiệp phù hợp với điều kiện Nghệ An do Trung tâm giống thủy sản Nghệ An chủ trì biên soạn dựa trên kết quả thực hiện chuyên đề sự nghiệp: “Ứng dụng tiến bộ KHCN thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Chạch lấu (Mastacembelus favus) trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An”, được Trung tâm giống thủy sản Nghệ An chủ trì thực hiện năm 2021.
2. Đối tượng và phạm vi áp dụng.
2.1. Đối tượng áp dụng: Quy trình này quy định trình tự, nội dung và yêu cầu kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Chạch lấu (Mastacembelus favus) trong ao đất quy mô công nghiệp.
 2.2. Phạm vi áp dụng: Áp dụng cho các cơ sở, hộ dân nuôi thuỷ sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
3. Các yêu cầu kỹ thuật phải đạt được.
- Thời gian nuôi: 10 - 12 tháng
- Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR): 2.0 - 2.2
- Tỷ lệ sống đạt: 70 - 75%; Kích cỡ thu hoạch trên: 250 g/con.
- Năng suất đạt trên: 10 tấn/ha/vụ
II - MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC:
  1. Đặc điểm hình thái và phân bố:

Hình 1: Cá Chạch lấu
Cá Chạch lấu (Mastacembelus favus Hora, 1923) là loài cá nước ngọt thuộc họ cá chạch, phân bố ở vùng Đông Nam Á thuộc hạ lưu sông Mêkông như Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Việt Nam.
Về phân loại, theo tài liệu gần đây nhất của Ủy Hội sông Mê kông xuất bản năm 2008 (tác giả Chavalit Vithayanon) họ Synbrachidae ở châu thổ sông Mekong (Mekong Delta) trong đó có Đồng bằng sông Cửu long của Việt Nam hiện có 9 loài.
Phân lọai cá Chạch Lấu như sau:
Bộ: Synbranchiformes
         Họ: Synbranchidae
                Giống: Mastacembelus
                       Loài: Mastacembelus favus Hora, 1923.
Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, hiện diện cả 3 loài thuộc giống Mastacembelus là M. armatus (chạch sông); M. erythrotenia (chạch lửa) và M. favus (chạch lấu). Xem xét về hình dạng, màu sắc và kích thước cơ thể, loài M. armatus rất giống với loài M. favus, nhưng có một số khác biệt cơ bản như ở loài M. favus toàn cơ thể được phủ bởi các vân hình tổ ong màu tối, còn loài M. armatus cơ thể cũng có vân hình tổ ong nhưng chỉ phân bố từ vây lưng đến cơ quan đường bên. Ngoài ra số gai cứng và tia mềm ở các vây của M. favus cũng ít hơn so với của M. armatus.
2. Đặc điểm môi trường sống:
Cá Chạch lấu sống ở môi trường nước ngọt, ở những đầm lầy, ao hồ, sông, suối, nơi nước tĩnh, nền đáy sỏi. Nhiệt độ thích hợp trong khoảng 22 – 280C (tốt nhất ở 270C), pH từ 6,5 – 7,5 (tốt nhất ở pH = 7)
3. Đặc điểm hình thái:
Kích thước của cá Chạch lấu trưởng thành tương đối lớn, tổng chiều dài thân có thể đạt 90cm, nặng 500g. Theo Mai Đình Yên và ctv (1992), cá Chạch lấu có phần đầu nhỏ và nhọn. Dọc theo đỉnh đầu là vân màu nâu xám. Mắt cá có kích thước nhỏ, nằm ở hai bên vân. Miệng của cá Chạch lấu nhỏ, trước miệng có nếp da hoạt động được. Nếp da gồm ba thùy, mũi trước của cá nằm ở hai thùy bên, có dạng hình ống. Mũi sau nằm ở góc miệng. Màng mang và eo mang tách rời. Phần thân cá Chạch lấu thon dài, có các vân màu nâu đậm bao quanh các đốm màu nâu nhạt tạo thành mạng lưới. Vây ngực tròn, ngắn. Phần vây lưng, vây hậu môn và vây đuôi của cá Chạch lấu nối liền nhau.
4. Đặc điểm dinh dưỡng:
Theo Nguyễn Văn Triều (2010), cá Chạch lấu có tính chủ động bắt mồi, thức ăn trong tự nhiên là các loài động vật nhỏ. Khi giải phẫu dạ dày của cá Chạch lấu sống ngoài tự nhiên bao gồm các loài cá nhỏ (27,5%), côn trùng (26,2%), mùn bã hữu cơ (14,2%), giáp xác (13,7%) và các thành phần khác.
5. Đặc điểm sinh sản:
Cá Chạch lấu thành thục lần đầu khi chiều dài cơ thể đạt 29 ± 8,42 cm (Nguyễn Văn Triều, 2010). Trứng cá chạch Lấu có đường kính trung bình khoảng 0,9 – 2,47 mm (Uthayakumar và ctv, 2013), trứng nở sau khi thụ tinh 24 - 36 giờ, kích thước phôi khoảng 5 mm (Bhargava, 1958).
Mùa sinh sản của cá Chạch lấu kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8, chủ yếu ở tháng 6 và tháng 7 (Nguyễn Văn Triều, 2010), số trứng dao động từ 580 - 10.980 trứng/cá cái (Narejo và ctv, 2002). Ở Thái Lan, cá Chạch lấu đẻ trứng ở khu vực có xoáy nước, trứng cá bám lên các sợi rong và thủy sinh vật (Anders F. Poulsen và John Valbo Jorgensen, 2000). Sau khi đẻ trứng, cá đực làm nhiệm vụ bảo vệ trứng, cá cái bơi ra những khu vực gần ổ trứng (Bhargava, 1958).
Theo Nguyễn Văn Triều (2010) cá Chạch lấu đực và cái phân biệt rõ nhất khi vào giai đoạn thành thục và trong thời gian sinh sản. Cá Chạch lấu cái có phần thân to và ngắn hơn, màu nâu nhạt, lỗ sinh dục hơi hồng, tròn và lồi. Ngược lại, cá Chạch lấu đực có phần thân thon và dài, màu nâu sậm, lỗ sinh dục tròn, lõm và sẫm màu.


PHẦN II - KỸ THUẬT NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ CHẠCH LẤU TRONG AO ĐẤT QUY MÔ CÔNG NGHIỆP

Có nhiều hình thức nuôi cá Chạch lấu như nuôi trong ao, ruộng, bể lót bạt/xi măng... Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Chạch lấu trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An.
1. Chuẩn bị ao nuôi:
- Ao đất có kích thước từ 500 m trở lên, độ sâu không được vượt quá 1,5 m, nếu mực nước thấp (50 - 60 cm) thì ao phải được che mát để giữ nhiệt độ nước trong ao nuôi luôn ổn định.
- Đáy ao bằng phẳng, dốc về phía cống tiêu nước
- Trước khi nuôi phải nạo vét bớt bùn đáy, tẩy dọn sạch ao diệt tạp bằng cách bón vôi lượng 10kg/100 m2 và phơi đáy ao 2 - 3 ngày.
- Cấp nước vào ao qua lưới lọc. Mức nước tối ưu nhất để nuôi chạch lấu dao động từ 1,2 - 1,5m.
- Nguồn nước trong ao cần đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng như sau: Nhiệt độ dao động từ 27 - 320C, pH từ 7,5 - 8,5 và DO (hàm lượng oxy hòa tan) > 5mg/l. Bố trí một số chà trong ao để cá làm nơi trú ẩn bằng cách cắt các loại cây không có tinh dầu như tre, trúc khô… hoặc ống nhựa với độ dài 30 - 35cm và bó thành từng bó làm chà.
- Khung cho cá ăn: Sử dụng lưới thưa tạo thành từng bó, cố định trong thùng xốp tạo thành khu trú ẩn và là khung cho Chạch ăn. Búi lưới nằm sát mặt nước, cách phần nổi của thùng xốp trên mặt nước tầm 15 - 20cm.
- Lắp đặt hệ thống quạt nước để đảo nước, cung cấp thêm oxy hoà tan trong nước đảm bảo cho Chạch sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
2. Chọn và thả cá giống:
Hiện nay con giống cá Chạch lấu đã được sản xuất nhân tạo thành công với số lượng rất lớn, do đó người nuôi có thể hoàn toàn chủ động được con giống thả nuôi. Người nuôi nên chọn mua giống cá chạch lấu ở các cơ sở ươm giống lai tạo uy tín đã nhiều năm sản xuất giống.
- Chọn giống: Chọn cá chạch giống khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ, hoạt động nhanh nhen, màu sắc tươi sáng, không có dấu hiệu bệnh tật, không bị lật bụng, không xây xát, mất nhớt.
- Ở Nghệ An, do có mùa đông thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp. Vì vậy, nên nuôi con giống có kích cỡ từ 12 - 15 cm là phù hợp nhất. Cá giống càng lớn thì tỉ lệ hao hụt càng thấp.
- Mật độ thả nuôi: Tùy theo trình độ canh tác, hình thức nuôi để có phương án thả giống hợp lý đảm bảo hiệu quả cao nhất. Mật độ thả nuôi cá chạch lấu trong ao đất quy mô công nghiệp cần duy trì 5 - 10 con/m2 là hợp lý nhất. Nếu nuôi với mật độ từ 10 con trở lên /m2 ngoài quạy nước ra cần bổ sung thêm hệ thống sục khí để tăng cường oxy cho cá.
- Thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, trước khi thả cá xuống ao cần tắm cho cá bằng nước muối pha loãng 2 - 3% trong 10 - 15 phút để tiêu diệt kí sinh trùng và sát khuẩn rồi thả từ từ bao chứa cá xuống ao nuôi để cá thích nghi dần với môi trường nước trong khoảng 15 phút, trước khi mở bao tải và để cá tự chui ra.
3. Chăm sóc và quản lý
3.1. Thức ăn cho cá Chạch lấu:
Thức ăn cho cá Chạch lấu là phần quan trọng trong kỹ thuật nuôi cá chạch lấu. Để chạch lấu phát triển tốt nhất, cần cho ăn đúng, đủ định lượng theo kích cỡ kết hợp bổ sung đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Cá chạch lấu là loài ăn tạp, háu ăn nhưng lượng ăn không nhiều.
Thức ăn trong nuôi thâm canh sử dụng thức ăn công nghiệp để cho Chạch ăn có hàm lượng protein từ 40 - 44%. Kích cỡ hạt thức ăn từ 0,2 - 2 mm. Do cá có tập tính ăn chìm nên thức ăn nổi cần được tập ăn dần bằng cách nâng sàn ăn lên sát mặt nước từ từ đến khi cá ăn nổi thuần thục.
Trong quá rình nuôi, để tạo chất dẫn mùi, làm tăng khả năng bắt mồi và tăng cường hàm lượng dinh dưỡng cho cá Chạch lấu nên phối trộn giun quế với thức ăn công nghiệp. Lượng giun quế phối trộn cùng thức ăn công nghiệp tỷ lệ giảm dần từ 40% - 10%.
Bảng 1: Công thức phối trộn thức ăn cho cá chạch lấu
 
Thời gian nuôi
(ngày)
Thức ăn công nghiệp % (40 - 44% Protein) Giun quế %
0 - 15 60 40
16 - 30 70 30
31 - 45 80 20
46 - 60 90 10
> 60 100 0
Khẩu phần ăn cho cá tùy thuộc vào độ tuổi của cá để điều chỉnh sao cho phù hợp, vừa tránh lãng phí thức ăn, vừa không làm ô nhiễm môi trường ao nuôi. Khẩu phần cho ăn từ 1,5 - 7% tùy theo từng giai đoạn phát triển của cá.
Cách cho cá ăn: Hàng ngày cho cá ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Thức ăn được cho vào sàn và đặt gần đống chà nơi cá trú ẩn.
Tùy theo thời tiết từng mùa để bố trí giờ cho ăn hợp lý do cá Chạch lấu khá mẫn cảm với nhiệt độ nước:
- Vào mùa hè bố trí cho cá ăn vào lúc 5h và 20h hàng ngày.
- Vào mùa đông bố trí cho cá ăn vào lúc 8h và 16h hàng ngày.
Để tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh cho Chạch trong quá trình nuôi thường xuyên trộn bổ sung thêm vitamin C và định kỳ sử dụng thuốc phòng bệnh, men tiêu hóa, vi sinh đường ruột trộn vào thức ăn theo khuyến cáo của nhà sản xuất để cho chạch ăn.
 Thường xuyên theo dõi tình hình sử dụng thức ăn của cá, sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, kích cỡ hạt, không bị ẩm mốc, hư hỏng, quá hạn.
Định kỳ tiến hành kiểm tra, theo dõi tăng trưởng của cá. Tùy theo khối lượng thân cá, mức độ phát triển của cá từng giai đoạn, mức độ ăn, diễn biến thời tiết để điều tiết lượng thức ăn hợp lý.
3.2. Chăm sóc cá và quản lý ao nuôi:
- Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường như cá bơi lội yếu, nổi trên mặt nước, nằm lật bụng, xuất huyết…
- Cần kiểm tra, theo dõi chặt chẽ chất lượng nước ao nuôi, mặc dù cá có thể chịu đựng được môi trường nước dơ nhưng cá sẽ bị chậm lớn và dễ mắc bệnh. Do môi trường nước càng trong sạch cá càng tăng trưởng tốt hơn nên cần thay 30% nước ao nuôi hàng ngày hoặc định kỳ 5 - 7 ngày/lần thay 50% lượng nước trong ao. Nguồn nước sử dụng phải đảm bảo sạch sẽ, không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật hay nước thải từ các nhà máy, khu công nghiệp.
- Đình kỳ 15 ngày/lần sử dụng vôi bột bón cho ao để khử trùng nước, ổn định chất lượng nước trong ao với lượng 2 - 2,5 kg/100 m2 ao nuôi.
- Đối với ao nuôi công nghiệp, địnhh kỳ 10 - 15 ngày/lần sử dụng men vi sinh để đánh xuống ao nuôi nhằm phân hủy mùn bã hữu cơ ở đáy ao, ổn định chất lượng nước giúp cá sinh trưởng phát triển tốt, giảm thiểu khả năng bùng phát bệnh. Liều lượng sử dụng tuỳ thuộc vào loại vi sinh sử dụng, nên tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Hàng ngày kiểm tra hệ thống bờ ao, cống cấp thoát, lưới chắn vây bờ không để sự cố cá Chạch thoát ra ngoài ao.
4. Phòng và trị bệnh trên cá chạch lấu
4.1. Công tác phòng bệnh chung.
Mặc dù là loài vật nuôi có sức đề kháng cao, ít bệnh tật nhưng chúng vẫn có khả năng mắc một số bệnh do môi trường nuôi ô nhiễm như: nấm, kí sinh trùng, bệnh đường ruột. Để phòng bệnh cho Chạch lấu nuôi thương phẩm, trong quá trình nuôi cần làm tốt công tác phòng bệnh chung nhằm hạn chế bị bệnh cụ thể:
- Cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, nguồn nước cấp cho ao nuôi phải đảm bảo trong sạch, không bị ô nhiễm.
- Giống thả nuôi phải khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ, có chất lượng đảm bảo. Thả giống đúng mùa vụ, đúng mật độ, trước khi thả giống thuần hoá nhiệt độ thích hợp với nước ao nuôi để tránh sốc.
-  Cho Chạch ăn đầy đủ thức ăn, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, đúng thời gian. Thực hiện tốt công tác quản lý thức ăn nhằm tránh thừa, thiếu thức ăn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của Chạch nuôi. Không để ẩm mốc, quá hạn sử dụng.
- Thực hiện tốt chế độ phòng bệnh định kỳ cho Chạch nuôi, định kỳ sử dụng thuốc phòng bệnh, thận, vi sinh hỗ trợ đường ruột và thường xuyên sử dụng Vitamin C, khoáng trộn vào thức ăn cho Chạch ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng và giúp Chạch tăng trưởng tốt.
- Quản lý ao nuôi chặt chẽ, duy trì nguồn nước trong ao sạch luôn trong sạch, từ tháng nuôi thứ 2 trở đi thay nước định kỳ đảm bảo môi trường nước trong ao luôn trong sạch.
- Định kỳ 15 ngày/lần bón vôi xử lý môi trường ao nuôi với lượng 3 kg/100 m2 vừa đảm bảo môi trường nước sạch vừa có tác dụng phòng bệnh cho Chạch nuôi thương phẩm.
- Định kỳ sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước, đáy ao nuôi đảm bảo môi trường nước luôn trong sạch giúp Chạch tăng trưởng tốt nhất.
4.2. Một số bệnh thường gặp và biện pháp điều trị.
a) Bệnh tuyến trùng:
Dấu hiệu bệnh: Do ký sinh trùng đường ruột gây nên, chúng bám vào niêm mạc phá hoại mô, hình thành bào nang gây viêm ruột sưng đỏ. Nếu bệnh nặng, hậu môn cá bị sưng đỏ, chúng sẽ chết dần.
Phòng bệnh: Thức ăn cho cá phải đảm bảo chất lượng, không ẩm mốc, quá hạn sử dụng. Định kỳ 3 - 5 ngày/lần, trộn men tiêu hóa vào thức ăn cho cá ăn với liều lượng 5 - 10 g/kg thức ăn.
Trị bệnh: Dùng các sản phẩm thuốc thú y thủy sản diệt nội ký sinh trùng để trộn vào thức ăn cho cá ăn với liều lượng và cách cho ăn như hướng dẫn của nhà sản xuất.
b) Bệnh nhiễm trùng huyết:
Dấu hiệu bệnh: Da sẫm màu từng vùng ở bụng, xuất hiện từng mảng đỏ trên cơ thể. Hoại tử đuôi, xuất hiện các vết thương trên lưng, các khối u trên bề mặt cơ thể. Mắt lồi, mờ đục và phù ra. Xoang bụng chứa dịch, nội tạng hoại tử.
Phòng bệnh: Tránh làm xây xát cá, tránh môi trường nước nuôi bị ô nhiễm, nuôi với mật độ vừa phải, cung cấp đầy đủ hàm lượng ôxy... Dùng thuốc tím (KMnO4) tắm cho cá với liều lượng 4 - 5 g/m3 nước. Định kỳ xử lý 7 ngày/lần.
Trị bệnh: Trộn thuốc Oxytetracyline hoặc Streptomycin vào thức ăn với liều lượng 50 - 70 mg/kg thể trọng cá, cho ăn 5 - 7 ngày.
c) Bệnh đốm đỏ:
Dấu hiệu bệnh: Xuất huyết từng đốm nhỏ trên da, chung quanh miệng và nắp mang, phía mặt bụng. Bề mặt cơ thể có thể chảy máu, tuột nhớt nhưng không xuất huyết vây và hậu môn.
Phòng bệnh: Giảm mật độ nuôi, thay nước hoặc định kỳ 5 - 7 ngày/lần tắm cá bằng thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 3 - 5 g/m3
Trị bệnh: Tương tự như bệnh nhiễm trùng huyết.
d) Bệnh rận:
Dấu hiệu bệnh: Rận ký sinh bám trên da hút máu đồng thời phá hủy da, làm viêm loét tạo điều kiện cho các sinh vật khác tấn công.
Phòng trị: Kiểm tra cá trước khi thả nuôi, nếu phát hiện có rận, dùng thuốc tím (KMnO4) 10 - 25 g/m3 tắm trong một giờ. Trị bệnh có thể dùng lá xoan liều lượng 0,3 - 0,5 kg/ m3 nước
5. Thu hoạch cá Chạch lấu thương phẩm
Sau thời gian nuôi từ 8 - 12 tháng, cá đạt kích cỡ thương phẩm từ 250 g/con trở lên tiến hành thu hoạch cá. Nếu cá đồng đều kích cỡ thì tiến hành thu hoạch tổng thể, nếu cá phân cỡ có thể thu tỉa những con cá đạt kích thước thương phẩm từ 250 g trở lên và nuôi tiếp những con chưa đạt kích cỡ.
Do là loài cá da trơn, nên khi đánh bắt chúng rất dễ bị tổn thương, xây xát làm giảm giá trị khi thu hoạch. Bà con cần lưu ý thao tác nhanh gọn, nhẹ nhàng để giữ cho cá sống khỏe mạnh để đảm bảo tươi ngon nhất, bán được giá cao./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Thuỷ

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Hôm nay5,398
  • Tháng hiện tại135,576
  • Tổng lượt truy cập10,412,968
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây