Nuôi tôm đối mặt với thách thức từ môi trường

Thứ hai - 04/09/2023 23:17 378 0

Quá tải hệ thống thủy lợi 

Theo ông Nguyễn Văn Hữu, Phó phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản), hiện diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đã tiệm cận với Quyết định 79 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng nguồn nước sạch phục vụ nuôi tôm lại không đáp ứng đủ nhu cầu, còn nguồn nước thải, chất thải từ nuôi tôm chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường làm phát sinh dịch bệnh dẫn đến tỷ lệ tôm nuôi thành công thấp. Ông Hữu nêu thực trạng: “Trong khi lượng bùn thải, thức ăn, thuốc, hóa chất thừa, nước thải… từ hoạt động nuôi trồng thủy sản thải ra ngày càng nhiều thì hạ tầng thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi vẫn còn thiếu và yếu, chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp… Đây là hạn chế và thách thức lớn đối với ngành tôm hiện nay, ảnh hưởng đến giá thành nói riêng và giá trị ngành tôm nói chung”. 

Cùng trăn trở với vấn đề ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ khi chuyển sang nuôi tôm thâm canh, rồi gần đây là siêu thâm canh, hệ thống thủy lợi tại các vùng nuôi của Bạc Liêu đã không còn đảm đương vai trò cấp, thoát nước tốt được nữa vì đã quá cũ kỹ, nên tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ngày càng trầm trọng hơn. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này sẽ là trở ngại rất lớn cho tương lai ngành tôm. 

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Trúc Anh tại Bạc Liêu giúp tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: Phan Thanh

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng cho rằng, nuôi tôm siêu thâm canh dù chỉ mới phát triển, diện tích không lớn nhưng đã tạo ra những bất cập lớn về môi trường. Do đó, nếu không quy hoạch lại vùng nuôi một cách bài bản để có kế hoạch đầu tư hạ tầng thủy lợi phù hợp sẽ rất nguy hiểm cho môi trường và cho cả ngành tôm. 

Còn tại Sóc Trăng, với diện tích nuôi tôm hàng năm vào khoảng 51.000 ha, tập trung chủ yếu tại 3 huyện, thị là: Trần Đề, Mỹ Xuyên và Vĩnh Châu, nhưng gần như nguồn cấp, thoát cho cả 3 vùng trên đều chỉ dựa vào sông Mỹ Thanh. Đây là con sông lớn, đổ trực tiếp ra biển, nhưng theo tính toán của các chuyên gia về môi trường thì sức tải của nó cũng chỉ đủ đáp ứng tốt nhất cho khoảng 24.000 ha nuôi tôm thâm canh. 

Ô nhiễm và xung đột 

Sự phát triển quá nhanh của nghề nuôi tôm và sự thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường của người nuôi đã khiến môi trường tại hầu hết các vùng nuôi trong khu vực đều lâm vào tình trạng quá tải, ô nhiễm ngày một nghiêm trọng, làm phát sinh dịch bệnh và thiệt hại cho người nuôi. 

Anh Đặng Văn Ngọc, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản 30/4, ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, phản ánh: “Trước kia nuôi tôm rất dễ do môi trường còn sạch. Bây giờ có thêm diện tích nuôi công nghệ cao nên áp lực môi trường ngày càng lớn. Mầm bệnh trong nguồn nước kênh rạch giờ khá nhiều, nhất là EHP, nên hàng ngày phải quan trắc môi trường, còn khi cần lấy nước vào nuôi cũng phải lấy mẫu xét nghiệm trước. Góp phần làm ô nhiễm môi trường, gia tăng dịch bệnh còn có các cơ sở sơ chế tôm nhỏ lẻ, khi nguồn tôm phần lớn là mua từ các nơi khác về”. 

Không phải môi trường làm khó người nuôi, mà chính người nuôi đã làm khó môi trường khi bắt hệ thống sông, kênh, rạch phải gánh chịu một lượng nước thải, chất thải vượt quá sức chịu đựng của chúng. Từ đây cũng bắt đầu nảy sinh xung đột giữa những hộ nuôi tôm theo cách truyền thống với người nuôi thâm canh, nuôi công nghệ cao… 

Anh Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX Tôm – Lúa Hòa Đê, ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Khu vực HTX chúng tôi được quy hoạch là vùng sản xuất tôm – lúa, nhưng hiện đang có sự đan xen của các mô hình nuôi tôm lót bạt ứng dụng công nghệ cao ảnh hưởng không ít đến những hộ làm tôm – lúa. Mô hình này đang có xu thế năm sau phát triển cao hơn năm trước, nên HTX chúng tôi rất lo ngại về ô nhiễm môi trường”. 

Còn tại tỉnh Bạc Liêu, theo ông Thiều, do hệ thống thủy lợi quá cũ, không đáp ứng yêu cầu đã dẫn đến xung đột giữa người nuôi tôm siêu thâm canh và quảng canh cải tiến rất lớn. Ông Thiều cho biết: “Nuôi tôm thời tiết nóng quá tôm không lớn, nước mặn quá cũng không được nên Bạc Liêu đang xin triển khai dự án ngăn dòng kênh xáng Cà Mau, trữ ngọt kênh xáng Cà Mau – Bạc Liêu để lấy nước ngọt từ Phụng Hiệp (Hậu Giang) về nhằm phục vụ mục đích nuôi tôm lẫn trồng lúa”. Thực tế có thời điểm độ mặn trong ao nuôi và dưới kênh lên đến 45‰ vì theo ông, ngay cả nước ngoài biển cũng chỉ có độ mặn khoảng 35‰. 

Về vấn đề này, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết là có thật, chủ yếu ở vùng Nam QL 1A, mà nguyên nhân là do những thời điểm nắng nóng kéo dài nhưng không có nguồn nước ngọt để giảm mặn. Do đó, Bạc Liêu đã kiến nghị Bộ NN&PTNT đầu tư dự án thủy lợi để trữ ngọt dùng để pha loãng độ mặn nuôi tôm. 

Giải pháp nào để hạn chế 

Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm ngày một trầm trọng, câu chuyện về quy hoạch và đầu tư hệ thống thủy lợi cấp, thoát nước cho vùng nuôi càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên, để có được hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh cần rất nhiều thời gian lẫn kinh phí; nên vấn đề trước mắt là làm sao tìm kiếm các giải pháp về công nghệ quản lý, xử lý môi trường tiên tiến trong nuôi tôm siêu thâm canh, hoặc các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xử lý nguồn nước thải, chất thải từ các mô hình nuôi tôm… 

Ông Lê Văn Sử cho rằng, trước mắt, người dân và doanh nghiệp có thể áp dụng triệt để việc xử lý nước trong khuôn viên hộ nuôi thì mới giải quyết được bài toán ô nhiễm, đồng thời cũng giúp chính quyền trong bối cảnh nguồn lực có hạn. GS.TS Nguyễn Ngọc Út, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy sản (Đại học Cần Thơ) đồng tình và cho rằng, nuôi tôm cần nước sạch nhưng nước thải từ ao nuôi tôm trở lại môi trường cũng cần phải sạch để có thể tái sử dụng, tránh lãng phí nguồn tài nguyên nước, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết giảm chi phí. 

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để phát triển bền vững ngành tôm, Trung tâm đã và đang triển khai các dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, hữu cơ, VietGAP… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP khu vực Bắc Trung bộ. Đây là mô hình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, nuôi tôm hai giai đoạn sử dụng ao lót bạt phù hợp điều kiện vùng bãi cát ven biển miền Trung. Mô hình giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sức khỏe người lao động. Đặc biệt, tôm nuôi theo mô hình này giảm chi phí đầu tư, sinh trưởng nhanh, kích cỡ đồng đều, tỷ lệ sống cao, hạn chế dịch bệnh. Qua đánh giá, tôm nuôi cho năng suất 16 tấn/ha/vụ, thu nhập đạt 1,6 tỷ đồng/ha. 

Hay mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường được thực hiện tại vùng ĐBSCL. Năng suất của mô hình nuôi đạt 36 tấn/ha/vụ, lợi nhuận hơn 1,4 tỷ đồng/ha/vụ. Mô hình nuôi tôm sú thâm canh hai giai đoạn bảo đảm an toàn thực phẩm thực hiện tại vùng này cũng cho năng suất 4,7 tấn/ha/vụ, lợi nhuận gần 300 triệu đồng/ha/vụ. 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, hiện nay, nuôi trồng thủy sản trong đó có nuôi tôm trên địa bàn đang hướng đến sản xuất công nghệ cao, hữu cơ, nhằm tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn với người tiêu dùng. Anh Trần Anh Đức, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh chia sẻ: “Gia đình tôi hiện nay đang nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ cao GroFarm của Tập đoàn Grobest, giúp hiệu quả cao và bền vững hơn. So sánh với nuôi trong ao đất như trước đây thì sản xuất theo công nghệ này tôm sinh trưởng, phát triển nhanh, sức đề kháng cao, chi phí thấp, hiệu quả kinh tế tốt. Với diện tích nuôi hơn 2 ha, sản lượng thu đạt gần 100 tấn/ năm, thu lãi 3 đến 4 tỷ đồng”. 

Đến cuối năm 2022, diện tích nuôi tôm trên cát của tỉnh Hà Tĩnh đạt 311 ha, trong đó nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư hạ tầng, dự án nuôi tôm thâm canh ao đất bãi triều, nuôi công nghệ cao trên cát, đạt năng suất từ 15 đến 20 tấn/ha/vụ. Anh Lê Đình Sáng, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà cho biết: “Trước đây tôi nuôi tôm trên ao đất, kỹ thuật hạn chế nên hiệu quả không cao. Thời gian gần đây, tôi được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình ba giai đoạn tiêu chuẩn VietGAP. Ưu điểm của mô hình là tôm nuôi không dùng kháng sinh, rủi ro ít, hạn chế dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích 0,8 ha, thu nhập 3 đến 4 tấn/vụ, giá bán tôm 160.000 – 200.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống trên ao đất”. 

BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT LÊ MINH HOAN 

Mấy chục năm nay, chúng ta loay hoay với câu chuyện lấy nước vào, thải nước ra mà vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Nguyên nhân là do vấn đề khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có theo cách mỗi người một kiểu đã và đang là trở ngại cho việc đầu tư cũng như bảo vệ môi trường vùng nuôi. Do đó, mọi chiến lược hay giải pháp sẽ không bao giờ thành công nếu chúng ta không hiểu được thực trạng của người dân. Vấn đề môi trường hay vấn đề giá thành tôm nuôi hiện nay là rất quan trọng và đều rất cần có sự hợp tác, liên kết để nâng quy mô vùng nuôi, đưa khoa học công nghệ tiên tiến vào hoặc đầu tư hệ thống thủy lợi mới được thuận lợi, hạn chế tình trạng phát sinh xung đột lợi ích. Chúng ta cần lường trước tất cả các tham số cho bài toán quy hoạch hạ tầng để tránh xung đột giữa các bên liên quan. Vì vậy, đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội cầu trúc lại hệ sinh thái nghề nuôi, vùng nuôi mà ở đó nguyên tắc cộng sinh nơi nông dân là quan trọng. Cần chuyển từ tư duy mua bán ngắn hạn sang tư duy hợp tác dài hạn. 

An Xuyên – Xuân Lam

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay7,435
  • Tháng hiện tại121,359
  • Tổng lượt truy cập9,934,960
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây