Còn nhớ những ngày đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội đã khiến đầu ra của các cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm ở Sa Pa gặp nhiều khó khăn, giá bán bị giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, tháng 3/2020, tại thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, Hợp tác xã nuôi và chế biến thủy sản nước lạnh cá hồi, cá tầm Sa Pa Thức Mai (HTX Thức Mai) chính thức ra đời với 7 thành viên.
Cá tầm, cá hồi Sapa tại HTX Thức Mai được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: ST.
Bà Phạm Thị Mai – Giám đốc HTX chia sẻ: HTX lựa chọn nuôi cá theo mô hình khép kín trên quy mô diện tích khoảng 1 ha. Đơn vị huy động số vốn lên tới 3 tỷ đồng đầu tư mua máy móc, thiết bị chế biến thủy sản. Song song với đó HTX tiến hành thu mua cá hồi, cá tầm giúp bà con gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ, đồng thời cung cấp giống và thức ăn chăn nuôi chất lượng cao cho các cơ sở và hộ nuôi cá. Trứng cá đã thụ tinh nhân tạo từ châu Âu được HTX nhập về và nuôi thả trong môi trường nước lạnh từ một tháng rưỡi đến hai tháng. Sau khi trứng nở thành cá con sẽ được ươm giống cho đến khi đạt khoảng 30 gram thì chuyển ra hồ nuôi thương phẩm.
Năm 2021, HTX Thức Mai phát triển mô hình sản xuất “từ trang trại đến bàn ăn” với trang thiết bị máy móc hiện đại. Sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc và thường xuyên được lấy mẫu kiểm tra, đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, HTX còn áp dụng phương pháp bảo quản thực phẩm bằng xử lý nấm mốc vi sinh ngay trong quá trình sản xuất ở ngưỡng dưới 0oC rồi mới tiến hành đóng gói hút chân không. Một số sản phẩm tiêu biểu của HTX như cá tầm cắt khúc, chả cá tầm, viên thả lẩu cá hồi, xúc xích cá tầm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trung bình mỗi năm, HTX Thức Mai cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn cá hồi, cá tầm thương phẩm. Khoảng 50% số lượng cá của HTX được bán tại siêu thị, còn lại là tiêu thụ qua các kênh bán lẻ.
Hiện nay, trại nuôi cá của HTX đảm bảo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù là đơn vị tiên phong của tỉnh Lào Cai trong việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cá hồi, cá tầm, tuy nhiên HTX Thức Mai cũng phải đối mặt với một số khó khăn. Điển hình là việc thiếu nguồn cá bố mẹ khiến HTX chưa thể chủ động trong khâu sản xuất giống. Ngoài ra, HTX vẫn phải nhập khẩu phần lớn thức ăn cho cá từ nước ngoài. Trong khi đó, việc liên kết trong sản xuất còn thiếu tính ràng buộc, quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ nên thị trường chưa ổn định.
HTX Thức Mai vinh dự đón Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT. Ảnh: ST.
Để khắc phục những hạn chế đó, đại diện HTX cho biết đơn vị sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lào Cai cho rằng: Khi đã số hóa đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử thì hàng hóa của HTX sẽ được quảng bá rộng rãi. Qua đó giúp bao phủ độ nhận diện thương hiệu, được thị trường đón nhận tốt hơn, sản phẩm không phải qua nhiều khâu trung gian trước khi đến tay người tiêu dùng. Ngoài việc đẩy mạnh chuyển đổi số, HTX Thức Mai cũng đặt mục tiêu mở rộng liên kết với các hộ nuôi cá nhỏ lẻ trên địa bàn, mở rộng quy mô cơ sở sơ chế, chế biến, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định vị thế cá hồi, cá tầm Sa Pa trên thị trường.
>> Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai có độ cao trung bình 1.500 m – 1.700 m so với mực nước biển. Nơi đây có địa hình núi cao, nhiều nhánh suối và khe nước từ rừng già trên các dãy núi chảy về. Thời tiết quanh năm mát mẻ cùng nhiệt độ dao động từ 15-18oC thuận lợi để người dân phát triển nghề nuôi cá tầm, cá hồi. Hiện trên địa bàn thị xã Sa Pa có khoảng 250 cơ sở nuôi cá nước lạnh, trong số này HTX Thức Mai là đơn vị tiên phong chế biến đa dạng các sản phẩm từ cá hồi, cá tầm mang lại giá trị kinh tế cao.
Thùy Khánh
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc