Triển vọng nuôi cá heo nước ngọt

Thứ hai - 04/09/2023 23:17 1.400 0

Đặc điểm sinh học 

Cá heo nước ngọt có đầu nhỏ, dẹp bên. Mõm dài nhọn, chót mõm có hai đôi râu ngắn dính nhau ở gốc. Miệng dưới, hẹp, rạch miệng rất ngắn. Mắt nhỏ không bị che phủ bởi da, nằm lệch về phía trên của đầu và gần chót mõm hơn gần điểm cuối nắp mang. Phía dưới và lệch về phía trước mắt có một gai nhọn, cứng, gốc gai có một nhánh nhọn, gai này có thể giương ra phía trước để tự vệ khi gặp nguy hiểm hoặc xếp vào một rãnh nằm ở phía dưới mắt. Phần trán giữa hai mắt cong lồi. Lỗ mang hẹp, màng mang dính với eo mang. Thân ngắn, dẹp bên. Các tia vây đơn mềm dẻo, vây đuôi chẻ hai rãnh, chẻ sâu hơn nữa chiều dài vây đuôi. Thân cá thể lớn có màu xám xanh, mặt lưng và mặt bên đậm hơn mặt bụng. Vùng quanh mắt, má có màu vàng cam. Các vây có màu đỏ cam đến màu đỏ huyết, vây lưng, vây hậu môn có màu đậm hơn vây ngực và vây bụng. 

Cá heo nước ngọt là một trong những đặc sản có giá trị kinh tế cao, đây cũng là đối tượng nuôi mới tại một số địa phương. Ảnh: ST

Đây là loài có kích thước nhỏ. Cá thường trú ẩn trong các hốc đá, trụ cầu, thỉnh thoảng cũng bắt gặp cá xuất hiện trong các ao hồ nước tĩnh. Cá thích nghi với các thủy vực nước ngọt có nhiệt độ nước tối ưu để cho cá phát triển 25 – 29°C, pH từ 6,5 – 7,5. 

Cá heo đực thường nhỏ hơn và thon dài hơn cá cái. Trong môi trường tự nhiên, cá sinh sản từ tháng 6 – 8 hàng năm. Hệ số thành thục sinh dục ở cá heo thấp, trung bình 2,4%. Sinh sản tuyệt đối của cá heo là 4.220 trứng/cá cái và sinh sản tương đối đạt 185.717 trứng/kg/cá cái. 

Trên thế giới cá phân bố nhiều ở khu vực Đông Nam châu Á, các lưu vực của sông Mê Kông như Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Ở nước ta, cá heo sống, sinh trưởng và phát triển ở sông Tiền, sông Hậu và các chi lưu của chúng thuộc hệ thống sông Mê Kông. Cá heo có chất lượng thịt thơm, ngon, béo ngậy nên được người dân trong vùng ưa thích với các món ăn rất đặc trưng của vùng sông nước ĐBSCL như món cá kho tiêu ăn với cơm cháy, cá nướng muối ớt… Bên cạnh giá trị cao về mặt chất lượng thương phẩm, cá heo có màu sắc đẹp nên cũng được chọn làm đối tượng được thuần dưỡng để trở thành cá cảnh. 

Nhu cầu lớn 

Để duy trì và bảo tồn nguồn giống cá heo, từ năm 2010 – 2014, PGS.TS Dương Nhựt Long, khi đó là Trưởng Khoa Thủy sản (nay là Trường Thủy sản), Đại học Cần Thơ đã phối hợp với Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống cá heo ở tỉnh An Giang”. Thành công của đề tài này đã giúp ngành thủy sản chủ động được con giống cá heo, giảm sự phụ thuộc vào thiên nhiên như trước đây. Đề tài sau khi nghiệm thu, hoàn chỉnh quy trình đã chuyển giao cho Trung tâm Giống thủy sản An Giang, Đồng Tháp và nông dân để sản xuất. 

Hiện, cá heo đang được nuôi thương phẩm ở nhiều địa phương. Vì cá heo sông dễ nuôi, chúng ăn rong tảo tầng đáy hoặc ăn mồi dư thừa từ các loài cá khác nên được nhiều ngư dân miền Tây Việt Nam phát triển công nghệ nuôi thành bè cá lớn. Thời gian nuôi khoảng 10 tháng là có thể thu hoạch. Trọng lượng khoảng 40 con/kg, giá trị kinh tế mang lại cũng rất cao với 450.000 – 500.000 đồng/kg, có thời điểm giá tăng 800 – 900.000 đồng/kg. Cá heo được xem là đặc sản rất “hot” tại nhà hàng, quán ăn ở các thành phố lớn. 

Ngoài các trung tâm giống thì các hộ chuyên làm cá giống tại huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), xã Vĩnh Hòa (thị xã Tân Châu, An Giang) đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ, bắt cá thiên nhiên nuôi vỗ béo rồi cho đẻ trứng để ương dưỡng, nuôi thành cá thương phẩm xuất bán cho thương lái cả nước. Theo người dân, đây là loài dễ nuôi, tỷ lệ hao hụt không đáng kể, nhưng muốn đạt năng suất cao, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật. Trước hết là lồng bè phải đặt nơi có dòng chảy mạnh, nước sạch và thường xuyên làm vệ sinh. Theo kinh nghiệm của những người nuôi loại cá này, lồng bè phải được bao bằng 2 lớp lưới chắc chắn, lưới chì bên ngoài và lưới mắt nhỏ bên trong mới bảo đảm không thất thoát, vì đây là loại cá da trơn, đầu có nanh nhọn nên việc cá đào tẩu rất dễ. 

Đối với hình thức nuôi trong ao, để mang lại thành công, nhất thiết ao nuôi phải có hệ thống sục khí liên tục để cho môi trường trong ao có dòng chảy tự nhiên như ở ngoài giúp cá thích nghi với điều kiện. Ngoài ra, để cho cá heo phát triển tốt, nguồn thức ăn phải đảm bảo, thành phần có hàm lượng đạm phải cao (khoảng 35 – 40% đạm) và hàng ngày phải quan sát tập tính ăn của cá để có chế độ ăn phù hợp. 

>> Cá heo thường xuất hiện nhiều trên sông Hậu và sông Tiền. Cá cho thịt thơm, ngon và cũng có thể nuôi làm cảnh. Loài này mình hơi xanh bóng, đuôi, vây có màu cam trông rất đẹp. 

Thái Thuận

Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay7,541
  • Tháng hiện tại121,715
  • Tổng lượt truy cập9,935,316
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây