ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC LOẠI KÍCH DỤC TỐ VÀ LIỀU LƯỢNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG SINH SẢN NHÂN TAO VÀ ƯƠNG GIỐNG CÁ THÁT LÁT CƯỜM (Chitala omata Gray, 1831) TRONG ĐIỀU KIỆN NUÔI Ở NGHỆ AN

Thứ tư - 29/12/2021 02:19 1.463 0
Abstract
Research results have shown that using of hormones LRHa, HCG, brain of Carp, all of them stimulated Chitala omata could breed in artificial conditions in Nghe An province.The different dose of kind hormones could affect markedly to the biological criteria such as time effects, ovulation rate, fertilization rate, hatching rate, hatching time… .Result of using hormone LRHa with dose [100µg LRHa +10mg Dom] was ovulation 100%, fertilization rate 70,14%, hatching time 226,3h, hatching rate 70,69%, rate of the powder 91,66%, hormone LRHa was considered better for breeding of Chitala omata. Type an dose of hormones used to stimulte the breeding of Chitala omata it did not affect the growth of Chitala omata.
Key words: Chitala omata, LRHa, HCG, breeding
1. Đặt vấn đề
 Cá Thát lát cườm (Chitala ornata Gray, 1831) là một trong những loài cá quý, phân bố trong sông, kênh rạch, ao, mương ở đồng bằng Sông Cửu Long. Cá có thân hình đẹp nên thường được nuôi làm cảnh. Bên cạnh đó, thịt cá ngon nên Thát lát cườm được dùng như một loại đặc sản trong các nhà hàng lớn. Trước áp lực khai thác rất cao, loài cá này có số lượng đã ít, ngày càng trở nên khan hiếm hơn. Tín hiệu vui là, trong những năm gần đây, ngành thủy sản các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo, đưa Thát lát cườm vào nuôi thương phẩm rộng rãi, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một thuận lợi cho việc nuôi thương phẩm là cá Thát lát cườm sống được trong nhiều loại hình thủy vực; cá ương nuôi trong ao, lồng, bè đều phát triển tốt [5], [6].
Nghệ An là tỉnh có diện tích nước mặt tiềm năng phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản lớn, riêng nước ngọt đã có 57.377 ha. Tuy nhiên, tổng diện tích đưa vào sử dụng nuôi mới đạt 17.800 ha với các đối tượng nuôi truyền thống như: Trắm, Chép, Trôi, Mè, Chim trắng, Rô phi v.v... cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao [1]. Năm 2008, Nghệ An đã di nhập cá Thát lát cườm về nuôi thương phẩm nhằm bổ sung đối tượng nuôi trồng cũng như tăng nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do di nhập giống từ vùng có điều kiện sinh thái khác nên tỷ lệ sống và chất lượng sinh trưởng, phát triển của Thát lát cườm ở Nghệ An rất thấp. Để khắc phục khó khăn này, vấn đề lớn nhất cần giải quyết là phải chủ động sản xuất nguồn cá giống trong điều kiện sinh thái của địa phương. Xuất phát từ những thực tế trên chúng tôi đã lựa chọn và tiến hành nghiên cứu: “Ảnh hưởng của các loại kích dục tố và liều lượng đến chất lượng sinh sản nhân tạo và ương giống cá Thát lát cườm (Chitala ornata  Gray, 1831) trong điều kiện ở Nghệ An”.
2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu
2.1. Vật liệu nghiên cứu
- Cá  Thát lát cườm (Chilata ornata, Gray, 1831), gồm có: Cá bố mẹ thành thục tuổi ≥ 2+, trứng, ấu trùng, cá bột và cá hương 
- Kích dục tố: LRHa, Domperidon, HCG, não thuỳ thể cá Chép.
- Bể thí nghiệm: gồm 1 bể đẻ (hình tròn, đường kính 4m, sâu 1,8m), 6 bể ấp composite loại 1m3/bể, 6 bể ương dung tích 50 l/bể, có bố trí hệ thống sục khí liên tục.
- Dụng cụ khác: Băng ca giữ cá, cân điện tử, cân đồng hồ 30kg, bát, lông gia cầm, nước muối sinh lý. Cối và chày sứ, xi ranh và kim tiêm, khung lưới mịn (45 x 45cm), sổ ghi chép. Nhiệt kế thuỷ ngân, máy đo pH, test đo oxy, giấy ô li đo chiều dài.
- Nguồn thức ăn: động vật phù du (Moina, Daphnia) được thu trong ao gây nuôi tại Yên Lý. Trùn chỉ (Limnodrilus hoffmoistery).
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Phương pháp bố trí thí nghiệm
Thí nghiệm được bố trí 6 công thức, mỗi công thức lặp lại 3 lần và bố trí theo kiểu ngẫu nhiên hoàn toàn để theo dõi ảnh hưởng của liều lượng các loại kích dục tố (LRHa, HCG, PG) tới các chỉ tiêu sinh học sinh sản và theo dõi sự sinh trưởng của cá ương từ cá bột đến 28 ngày tuổi.
CT1: 100µg LRHa + 10mg Dom
CT2: 150µg LRHa + 15mg Dom
CT3: 5000IU HCG
CT4: 10000IU HCG
CT5: 10mg PG
CT6:15mgP
2.2.2. Phương pháp xác định các chỉ tiêu nghiên cứu
* Thời gian hiệu ứng thuốc:
Thời gian hiệu ứng thuốc được xác định từ khi tiêm liều quyết định đến khi trứng rụng (Nguyễn Tường Anh, 1999)
* Tỷ lệ rụng trứng:
            Tỷ lệ rụng trứng (%) = (số cá cái rụng trứng/số cá cái cho đẻ) × 100
* Tỷ lệ thụ tinh:
            Tỷ lệ thụ tinh (%) = (số trứng được thụ tinh/số trứng theo dõi) × 100
* Thời gian nở:
            Thời gian nở được tính bằng giờ từ khi trứng thụ tinh đến khi nở.
* Tỷ lệ nở:                                     
            Tỷ lệ nở (%)    = (số lượng cá bột sau khi nở/số trứng đưa vào ấp)  × 100
* Tỷ lệ dị hình:          
Tỷ lệ cá dị hình (%) = (số cá dị hình/ số cá bột nở) × 100   
* Tỷ lệ ra bột:
            Tỷ lệ ra bột (%) = (số cá bột ương nuôi/số cá bột sau nở) ×100                       
Các chỉ tiêu tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở, tỷ lệ ra bột, tỷ lệ dị hình, được theo dõi trong 5 ô của một khung ấp. Khung có kích thước 45 x 45 cm được chia thành 25 ô nhỏ; chọn 5 ô; 4 ô bốn góc và 1 ô ở giữa.
* Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối          
+ Về khối lượng
DWG (mg/ngày) = (W2 – W1)/(t2 – t1)
+ Về chiều dài
DLG (mm/ngày) = (L2 – L1)/(t2 – t1)
*Tốc độ tăng trưởng tương đối
+ Về khối lượng
SGRw (%/ngày) = (lnWt – LnW0)/(t2 – t1)  × 100
                  + Về chiều dài
                              SGRL (%/ngày) = (lnLt – lnL0)/(t2 – t1) × 100
Với:     W1 khối lượng cá trước thí nghiệm (mg)
W2 khối lượng cá sau thí nghiệm (mg)
L1 chiều dài cá trước thí nghiệm (mm)
L2 chiều dài cá sau thí nghiệm (mm)
t1 thời gian bắt đầu thí nghiệm (ngày)
t2 thời gian kết thúc thí nghiệm (ngày)
* Tỉ lệ sống của cá
SR (%) = (Nt/N) × 100
Với:
Nt: Số lượng cá ương còn sống từ đầu kỳ đến thời điểm đánh giá
N = Số lượng cá bột đưa vào ương đầu kỳ thí nghiệm
 2.2.3. Phương pháp xử lý số liệu
Số liệu thí nghiệm được tổng hợp và phân tích trên phần mềm Microsoft Excel 2003 và phần mềm SPSS 16.0 for Window. Tìm sự khác biệt giữa các trung bình nghiệm thức bằng phép thử DUNCAN .
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Ảnh hưởng của liều lượng các loại KDT tới sinh sản nhân tạo cá Thát lát cườm
3.1.1. Ảnh hưởng của liều lượng KDT tới thời gian hiệu ứng thuốc của cá Thát lát cườm
Bảng 3.1. So sánh thời gian hiệu ứng thuốc của các CT ở cá Thát lát cườm
Công thức thí nghiệm Thời gian hiệu ứng (giờ)
CT1 6,67±0,88a
CT2 4,67±0,44a
CT3 10,00±1,16b
CT4 7,83±1,01ab
CT5 14,00±2,00c
CT6 4,83±0,44a
Số liệu trong cùng một cột có ký hiệu chữ mũ khác nhau thể hiện mức sai khác có ý nghĩa thống kê với p< 0,05
Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian hiệu ứng thuốc xảy ra dài nhất ở CT5 (14h) tiếp đó là CT3 (10h) và ngắn nhất là CT2 (4,67h), tiếp đó là CT6 (4,83h). Phân tích thống kê (p>0,05) cho thấy, sai khác giữa các công thức thí nghiệm CT1và CT2, CT6 không có ý nghĩa, trong khi  giữa CT3 và CT1, CT2, CT5, CT6 sai khác có ý nghĩa. CT5 sử dụng kích dục tố PG cho thời gian hiệu ứng dài nhất, sai khác có ý nghĩa với tất cả các công thức thí nghiệm.
Theo Trần Ngọc Nguyên và ctv (2005), Phạm Minh Thành, Phạm Phú Hùng và Nguyễn Thanh Hiệu (2008) thời gian hiệu ứng thường kéo dài khoảng 20 - 26h. Kết quả nghiên cứu trên của chúng tôi thấp hơn nhiều so với công bố của các tác giả này.
3.1.2. Ảnh hưởng của liều lượng các loại KDT đến tỷ lệ rụng trứng của cá Thát lát cườm
Bảng 3.2. So sánh tỷ lệ rụng trứng của cá cái ở các công thức
Công thức thí nghiệm Tỷ lệ rụng trứng (%)
CT1 100,00 ± 0,00a
CT2 93,33 ± 6,67a
CT3 73,33 ± 6,67ab
CT4 100,00 ± 0,00a
CT5 26,67 ± 13,33c
CT6 60,00 ± 11,55b
 Số liệu trong cùng một cột có ký hiệu chữ mũ khác nhau thể hiện mức sai khác có ý nghĩa thống kê với p < 0,05
Tỷ lệ cá rụng trứng ở 6 công thức thí nghiệm có sự chênh lệch. Cao nhất ở CT1, CT4 đều đạt 100%, tiếp đến là CT2 đạt 93,33% và thấp nhất ở CT5 đạt 26,67%. Tỷ lệ cá rụng trứng ở CT1và CT2, CT3, CT4 sai khác không có ý nghĩa (p>0,05), riêng CT3 sai khác không có ý nghĩa cả với CT6. Ở CT5 sử dụng kích dục tố PG liều 10mg cho tỷ lệ rụng thấp nhất cho sai khác có ý nghĩa với CT1, CT2, CT3, CT4 (p<0,05).
Nghiên cứu của chúng tôi có kết quả phù hợp với nghiên cứu của Phạm Minh Thành, Phạm Phú Hùng và Nguyễn Thanh Hiệu (2008) khi các tác giả này sử dụng kích dục tố LRHa liều 100µg và 150µg + 10mg Dom, với kết quả tỷ lệ cá rụng trứng ở kích dục tố LRHa là 100%.
Điều đó, có thể đưa đến nhận định rằng LRHa đã kích thích sự tiết kích dục tố của bản thân cá thí nghiệm nên có hiệu quả hơn kích dục tố từ Não thùy hoặc HCG.
3.1.3. Ảnh hưởng của liều lượng kích dục tố đến tỷ lệ thụ tinh
Bảng 3.3. So sánh tỷ lệ thụ tinh ở các công thức
Công thức thí nghiệm Tỷ lệ thụ tinh (%)
CT1 70,14 ± 9,63a
CT2 55,99 ± 6,00a
CT3 52,04 ± 5,13ab
CT4 67,65 ± 8,70a
CT5 26,22 ± 5,56b
CT6 43,77 ± 10,13ab
Số liệu trong cùng một cột có ký hiệu chữ mũ khác nhau thể hiện mức sai khác có ý nghĩa thống kê với p < 0,05
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thụ tinh giữa các công thức thí nghiệm có sự chênh lệch nhau, cao nhất ở CT1 đạt 70,14%, sai khác có ý nghĩa với CT5 (p<0,05). Tỷ lệ thụ tinh thấp nhất ở CT5 đạt 26,22%, sai khác có ý nghĩa với CT1, CT2, CT4 (p<0,05). Ở các công thức thí nghiệm CT1, CT2, CT3, CT4, CT6 sai khác không có ý nghĩa, riêng CT3, CT6 sai khác không có ý nghĩa cả với CT5.
Nghiên cứu ở Cần Thơ của Trần Ngọc Nguyên và ctv (2005) cho tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đạt từ 50 - 90%, Lê Quý Cường (2008) thực hiện tại Khánh Hoà tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đạt 59 - 64%.
3.14. Ảnh hưởng của liều lượng KDT đến thời gian nở
Bảng 3.4. So sánh thời gian nở của trứng ở các công thức
Công thức thí nghiệm Thời gian nở (giờ)
CT1 226,33 ± 16,15a
CT2 226,67 ± 16,05a
CT3 227,00 ± 15,82a
CT4 226,33 ± 16,15a
CT5 232,00 ± 86,33a
CT6 226,33 ± 16,15a
Số liệu trong cùng một cột có ký hiệu chữ mũ khác nhau thể hiện mức sai khác có ý nghĩa thống kê với p < 0,05
Thời gian nở của trứng trong các công thức thí nghiệm tương đối đồng đều dao động trong khoảng 226,33 đến 232 h (tương đương từ 9,4 -9,7 ngày). Sai khác giữa các nghiệm thức không có ý nghĩa (p>0,05).
So sánh với kết quả của Trần Ngọc Nguyên và ctv (2005), ở nhiệt độ 28,5oC cá nở sau 162h, thời gian nở trong nghiên cứu của chúng tôi dài hơn.
3.1.5. Ảnh hưởng của liều lượng KDT đến tỷ lệ nở của trứng
Bảng 3.5. So sánh tỷ lệ nở của trứng ở các công thức
Công thức thí nghiệm Tỷ lệ trứng nở (%)
CT1 70,69 ± 3,38a
CT2 69,12 ± 3,09a
CT3 65,74 ± 2,41ab
CT4 69,82 ± 2,50a
CT5 57,78 ± 2,22b
CT6 66,05 ± 2,92ab
Số liệu trong cùng một cột có ký hiệu chữ mũ khác nhau thể hiện mức sai khác có ý nghĩa thống kê với p < 0,05
            Kết quả nghiên cứu thể hiện ở bảng 3.5 cho thấy tỷ lệ nở cao nhất ở CT1 đạt 70,69% và thấp nhất ở CT5 đạt 57,78%, sai khác giữa hai công thức có ý nghĩa (p<0,05). Tỷ lệ nở ở CT5 sai khác có ý nghĩa với CT1, CT2, CT4 (p<0,05). Ở CT1, CT2, CT3, CT4, CT6 sai khác không có ý nghĩa, riêng CT3, CT6 sai khác không có ý nghĩa cả với CT5 (p>0,05).
Sự chênh lệch của tỷ lệ nở giữa các công thức thí nghiệm cần có sự nghiên cứu thêm.
3.1.6. Ảnh hưởng của liều lượng kích dục tố đến tỷ lệ dị hình
Bảng 3.6. So sảnh tỷ lệ dị hình của cá bột ở các công thức
Công thức thí nghiệm Tỷ lệ dị hình (%)
CT1 0,41 ± 0,41a
CT2 1,31 ± 0,85a
CT3 1,09 ± 0,56a
CT4 0,97 ± 0,97a
CT5 0
CT6 1,04 ± 1,04a
Số liệu trong cùng một cột có ký hiệu chữ mũ khác nhau thể hiện mức sai khác có ý nghĩa thống kê với p < 0,0
Kết quả nghiên cứu ở bảng 3.6 cho thấy tỷ lệ dị hình xuất hiện cao nhất ở CT2 (1,31%) tiếp đến là CT3 (1,1%) rồi CT6. Trong CT5 không phát hiện cá thể dị hình (0%). Ở những công thức sử dụng liều lượng kích dục tố cao thì tỷ lệ dị hình cao. Điều này có thể giải thích khi sử dụng kích dục tố ở liều cao nó kích thích sự rụng trứng của cả những trứng còn chưa chín, làm giảm chất lượng trứng dẫn đến trong quá trình phát triển dễ gặp đột biến tạo ra cá thể dị hình. Các công thức thí nghiệm sai khác không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
3.1.7. Ảnh hưởng của liều lượng KDT đến tỷ lệ ra bột
Bảng 3.7. So sánh tỷ lệ ra bột ở các công thức
Công thức thí nghiệm Tỷ lệ ra bột (%)
CT1 91,66 ± 0,62a
CT2 89,06 ± 1,55a
CT3 88,93 ± 1,73a
CT4 90,90 ± 1,30a
CT5 86,67 ± 0,00a
CT6 89,41 ± 2,21a
Số liệu trong cùng một cột có ký hiệu chữ mũ khác nhau thể hiện mức sai khác có ý nghĩa thống kê với p < 0,05
            Tỷ lệ ra bột ở các công thức thí nghiệm tương đối cao, cao nhất ở CT1 91,66% và thấp nhất là CT5 86,67%, giữa các công thức sự sai khác không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
3.2. Đặc điểm sinh trưởng của cá Thát lát cườm ương từ giai đoạn cá bột tới 28 ngày tuổi
3.2.1. Sinh trưởng về khối lượng
3.2.1.1. Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng
Bảng 3.8. So sánh tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng của cá ương ở các CT
CTTN Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng(mg/ngày)
DWG(7ngày) DWG(14ngày) DWG(21ngày) DWG(28ngày)
CT1 0,87 ± 0,19a 2,47 ± 0,19bc 5,00 ± 0,31a 5,60 ± 0,23ab
CT2 0,81 ± 0,16a 2,18 ± 0,28ab 5,56 ± 0,15ab 7,06 ± 0,26c
CT3 0,97 ± 0,15a 1,83 ± 0,15ab 6,43 ± 0,29c 6,03 ± 0,20ab
CT4 1,17 ± 0,13a 1,73 ± 0,17a 5,93 ± 0,07bc 5,93 ± 0,18ab
CT5 0,90 ± 0,10a 2,90 ± 0,00c 5,35 ±0,05ab 6,30 ± 0,20bc
CT6 1,30 ± 0,16a 2,30± 0,23abc 5,47 ±0,37ab 5,30 ± 0,06a
Số liệu trong cùng một cột có ký hiệu chữ mũ khác nhau thể hiện mức sai khác có ý nghĩa thống kê với p < 0,05
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng của cá ương ở tất cả các nghiệm thức đều có tăng trung bình theo sự gia tăng độ tuổi, cụ thể đạt trung bình 1,01mg/ngày ở 7 ngày tuổi và đạt 6,02 mg/ngày ở 28 ngày tuổi. Sự tăng trưởng giữa các công thức thí nghiệm không có sự sai khác ở giai đoạn 7 ngày tuổi, nhưng bắt đầu từ giai đoạn 14 ngày tuổi đến 28 ngày tuổi đã thấy có sự sai khác có ý nghĩa thống kê (p<0,05), tuy nhiên sự sai khác không có sự phân hoá rõ ràng ở các công thức, mà chỉ sai khác qua các độ tuổi. Ở giai đoạn 14 ngày tuổi CT5 có tốc độ tăng trưởng cao nhất (2,9 mg/ngày) và thấp nhất ở CT4 (1,73 mg/ngày), sự sai khác này có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Ở giai đoạn 21 ngày tuổi CT3 có tốc độ tăng trưởng cao nhất (6,43 mg/ngày) và thấp nhất ở CT1 (5,0 mg/ngày), sự sai khác này có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Ở giai đoạn 28 ngày tuổi tốc độ tăng trưởng cao nhất ở CT2 (7,06mg/ngày), chậm nhất ở CT6 (5,3mg/ngày) và ở giai đoạn này chỉ có các CT 2, 5 là duy trì được sự tăng trưởng về tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng, còn các công thức khác đều giảm.
Như vậy, cá Thát lát cườm ương trong các công thức thí nghiệm ở độ tuổi 28 ngày có tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về khối lượng đạt 6,02 mg/ngày. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Trần Thanh Hiền, Nguyễn Hương Thuỳ (2008) trên cá Còm và thấp hơn cá Lóc bông (Bùi Minh Tâm và cộng sự, 2008).
3.2.1.2. Tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng
Bảng 3.9. So sánh tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng của cá ương ở các CT
CTTN Tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng (%/ngày)
SGRW(7ngày) SGRW(14ngày) SGRW(21ngày) SGRW(28ngày)
CT1 2,01 ± 0,39a 4,50 ± 0,37ab 6,19 ± 0,33a 4,75 ± 0,23a
CT2 1,87 ± 0,32a 4,04 ± 0,55abc 6,98 ± 0,11ab 5,70 ± 0,25b
CT3 2,30 ± 0,39a 3,45 ± 0,15ac 7,99 ± 0,27c 4,85 ± 0,39a
CT4 2,67 ± 0,35a 3,21 ± 0,26c 7,45 ± 0,14bc 4,85 ± 0,11a
CT5 2,09 ± 0,20a 5,22 ± 0,05b 6,41 ± 0,03a 5,06 ± 0,13ab
CT6 2,93 ± 0,22a 4,06 ± 0,42abc 6,60 ± 0,39ab 4,39 ± 0,09a
Số liệu trong cùng một cột có ký hiệu chữ mũ khác nhau thể hiện mức sai khác có ý nghĩa thống kê với p < 0,05
            Kết quả nghiên cứu thể hiện qua bảng 3.9 cho thấy tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng trung bình ở các công thức thí nghiệm tăng theo độ tuổi từ 7 ngày, 14 và 21 ngày tuổi (2,32 %/ngày, 4,01 %/ngày, 6,97), giảm ở độ tuổi 28 ngày (4,92 %/ngày).
            Trong giai đoạn 7 ngày đầu không thấy có sự sai khác về tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng giữa các công thức thí nghiệm. Ở giai đoạn 14 ngày CT5 có tốc độ tăng trưởng SGRw cao nhất (5,22 %/ngày), thấp nhất ở CT4 (3,21 %/ngày), sự sai khác này có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Tuy nhiên sang giai đoạn 21 ương ngày thì tốc độ tăng trưởng (SGRw) của cá ở CT4 lại lớn hơn (7,45 %/ngày) CT5 (6,41 %/ngày), sự sai khác này có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Ở giai đoạn 21 ương ngày CT3 có tốc độ tăng trưởng tương đối về khối lượng cao nhất (7,99 %/ngày), thấp nhất ở CT1 (6,19 %/ngày), sự sai khác này có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Bước sang giai đoạn 28 ngày ương, tốc độ tăng trưởng của cá ở tất cả các công thức thí nghiệm đều giảm so với giai đoạn 21 ngày ương và CT2 có tốc độ tăng trưởng cao nhất (5,7 % /ngày), sự sai khác này có ý nghĩa thống kê (p<0,05) với các công thức còn lại.
            Kết quả của chúng tôi tương tự với nghiên cứu của Nguyễn Bá Cường và cộng sự (2000) khi ương cá Còm, của Lê Ngọc Diện, Phan Văn Thành, Mai Bá Trường Sơn, Trịnh Thu Phương (2006) khi ương cá Thát lát.
3.2.2. Sinh trưởng về chiều dài
3.2.2.1. Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài
Bảng 3.10. So sánh tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài của cá ương ở các CT
CTTN Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài (mm/ngày)
DLG(7ngày) DLG(14ngày) DLG(21ngày) DLG(28ngày)
CT1 0,23 ± 0,02ab 0,30 ± 0,01ab 0,51 ± 0,02abc 0,61 ± 0,01a
CT2 0,21 ± 0,01ab 0,36 ± 0,01bc 0,51 ± 0,00ab 0,83 ± 0,05c
CT3 0,27 ± 0,03b 0,28 ± 0,02a 0,59 ± 0,02cd 0,65 ± 0,00ab
CT4 0,23 ± 0,01ab 0,28 ± 0,02a 0,55 ± 0,01bcd 0,68 ± 0,03ab
CT5 0,19 ± 0,00a 0,39 ± 0,01c 0,60 ± 0,02d 0,64 ± 0,02ab
CT6 0,23 ± 0,01ab 0,33 ± 0,03abc 0,48  ± 0,03a 0,72 ± 0,03b
Số liệu trong cùng một cột có ký hiệu chữ mũ khác nhau thể hiện mức sai khác có ý nghĩa thống kê với p < 0,05
            Kết quả cho thấy: cá sau 7 ngày ương có tốc độ tăng trưởng tuyệt đối về chiều dài lớn nhất ở CT3 đạt 0,27 mm/ngày, thấp nhất là 0,19 mm/ngày ở CT5, sự sai khác về tốc độ tăng trưởng ở hai CT có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Tốc độ tăng trưởng tuyệt đối chiều dài của cá ương sau 14 ngày cao nhất ở CT5, thấp nhất ở CT3 và CT4. Sự sai khác kết quả của CT5 với CT3, CT4 có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Bước sang giai đoạn 21 ngày tuổi tốc độ tăng trưởng về chiều dài của cá tiếp tục tăng so với thời gian trước đó và cá ương ở CT5 tiếp tục đạt giá trị cao nhất (0,6 mm/ngày), thấp nhất ở CT6, sự sai khác này có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng tuyệt đối chiều dài của cá giai đoạn ương đạt 28 ngày tuổi, cao nhất ở CT2 đạt 0,83 mm/ngày, tiếp ngay sau đó là CT6 với 0,72 mm/ngày, thấp nhất ở CT1 (0,61 mm/ngày). Sự sai khác về tốc độ tăng trưởng ở 3 CT nêu trên có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
            Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Trần Thị Thanh Huyền, Nguyễn Hương Thuỳ (2008) khi ương cá thát lát cườm bằng thức ăn là trùn chỉ phối hợp với thức ăn chế biến.
3.2.2.2. Tốc độ tăng trưởng tương đối về chiều dài
Bảng 3.11. So sánh tốc độ tăng trưởng tương đối về chiều dài của cá ương ở các CT
CTTN Tốc độ tăng trưởng tương đối về chiều dài (%/ngày)
SGRL(7ngày) SGRL(14ngày) SGRL(21ngày) SGRL(28ngày)
CT1 1,59 ± 0,16ab 1,82 ± 0,05a 2,70 ± 0,13ab 2,67 ± 0,06a
CT2 1,52 ± 0,11ab 2,22 ± 0,05b 2,67 ± 0,03ab 3,49 ± 0,19c
CT3 1,88 ± 0,23b 1,68 ± 0,10a 3,05 ± 0,10bc 2,78 ± 0,03ab
CT4 1,60 ± 0,08ab 1,70 ± 0,10a 2,91 ± 0,07bc 2,90 ± 0,10ab
CT5 1,32 ± 0,01a 2,36 ± 0,05b 3,12 ± 0,10c 2,67 ± 0,10a
CT6 1,60 ± 0,09ab 2,05 ± 0,21ab 2,50 ± 0,18a 3,11 ± 0,08b
Số liệu trong cùng một cột có ký hiệu chữ mũ khác nhau thể hiện mức sai khác có ý nghĩa thống kê với p < 0,05
Kết quả nghiên cứu về tốc độ tăng trưởng tương đối về chiều dài cho thấy: tốc độ tăng trưởng tăng dần theo thời gian ương đến 28 ngày đạt trung bình các CT 2,95 %/ngày. Ở từng giai đoạn ương đều có sự sai khác về tốc độ tăng trưởng tương đối về chiều dài (SGRL) giữa các công thức thí nghiệm. Giai đoạn ương 7 ngày thì SGRL cao nhất ở CT3 (1,88 %/ngày), thấp nhất ở CT5 (1,32 %/ngày), giữa CT3 và CT5 có sự sai khác có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Giai đoạn ương 14 ngày tuổi có sự ngược lại, SGRL của CT5 lại tăng cao nhất (2,36 %/ngày), thấp nhất là CT3 (1,68 %/ngày) và sự sai khác này có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Kết qủa phân tích SGRL ở giai đoạn 21 ngày ương CT5 tiếp tục cao nhất, thấp nhất ở CT6 và tốc độ tăng trưởng tương đối về chiều dài của CT5 có sự sai khác có ý nghĩa thống kê (p<0,05) với các CT còn lại. Giai đoạn ương 28 ngày thì chỉ còn CT6 và CT2 có SGRL tăng so với thời gian ương trước, còn lại các CT đều giảm, sự sai khác về SGRL ở CT1, CT2, CT6 có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có cá ương ở CT2 và CT6 có tốc độ tăng trưởng tăng dần theo thời gian ương đến 28 ngày.
3.2.3. Tỷ lệ sống
Bảng 3.12. So sánh tỷ lệ sống của cá ương ở các công thức
Công thức thí nghiệm Tỷ lệ sống (%)
CT1 99,0±0,67a
CT2 99,1±0,48a
CT3 99,2±0,48a
CT4 99,2±0,22a
CT5 98,5±0,50a
CT6 99,3±0,00a
Số liệu trong cùng một cột có ký hiệu chữ mũ khác nhau thể hiện mức sai khác có ý nghĩa thống kê với p < 0,05
Tỷ lệ sống của cá Thát lát cườm ương ở các CT đạt rất cao, giao động trung bình từ 98,5% đến 99,3%. Thấp nhất ở công thức thí nghiệm 5 và cao nhất ở thí nghiệm 6, tuy nhiên sự sai khác tỷ lệ sống ở các CT không có ý nghĩa thống kê (p<0,05). Điều này cho thấy liều lượng khác nhau của các loại kích dục tố (PG, HCG), kích thích tố (LRHa) sinh sản không có ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá bột ương đến 28 ngày.
Kết quả nghiên cứu tỷ lệ sống cá ương này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Trần Thị Thanh Huyền, Nguyễn Hương Thuỳ (2008) khi ương cá Thát lát cườm băng thức ăn là động vật phù du và trùn chỉ.
4. Kết luận và kiến nghị
4.1. Kết luận
1. Các loại kích dục tố LRHa, HCG, não thùy cá chép đều kích thích cá Thát lát cườm sinh sản nhân tạo trong điều kiện nuôi ở Nghệ An. Liều lượng khác nhau của các loại kích dục tố này có ảnh hưởng rõ rệt đến một số chỉ tiêu sinh học sinh sản của cá như thời gian hiệu ứng, tỷ lệ rụng trứng, sức sinh sản thực tế, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ nở, thời gian nở…
2. Loại kích dục tố LRHa với liều dùng [100µg LRHa +10mg Dom] cho hiệu quả xử lý: tỷ lệ rụng trứng 100%; tỷ lệ trứng được thụ tinh 70,14%; thời gian trứng nở 226,33 giờ sau thụ tinh, tỷ lệ trứng nở 70,69%; tỷ lệ ra bột 91,66%; được đánh giá là tốt hơn cả đối với sinh sản nhân tạo cá Thát lát cườm.
3. Loại kích dục tố và liều lượng sử dụng để kích thích sinh sản nhân tạo cá Thát lát cườm không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá ương.
4.2. Kiến nghị
+ Nên sử dụng kích dục tố LRHa liều 100µg LRHa +10mg Dom để kích thích sinh sản cá Thát lát cườm.
+ Cần tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm dùng các liều kết hợp để so sánh hiệu quả với các liều đơn.
+ Cần nghiên cứu ảnh hưởng của những yếu tố khác đến sự sinh sản của cá Thát lát cườm để từ đó đưa ra được quy trình chung cho sinh sản nhân tạo cá phù hợp điều kiện tự nhiên của vùng.
+ Thử nghiệm hình thức sinh sản nhân tạo thụ tinh tự nhiên (kết hợp sinh lý, sinh thái) để so sánh hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.       Báo cáo hiện trạng sản xuất giống thủy sản, định hướng đến năm 2020, Sở Thủy Sản tỉnh Nghệ An (2007).
2.       Lê Ngọc Diện, Phan Văn Thành, Mai Bá Trường Sơn và Trịnh Thu Phương (2006), “Nghiên cứu ương giống và nuôi thương phẩm cá thát lát (Notopterus notopterus Pallas)”, Tạp chí nghiên cứu khoa học trường Đại Học Cần Thơ, Tr79-85.
3.       Trần Thị Thanh Hiền, Phạm Thanh Liêm và Nguyễn Hương Thuỳ (2007), Nghiên cứu đăc điểm dinh dưỡng và khả năng sử dụng thức ăn chế biến để ương cá thát lát còm (Notopterus chitala) từ bột lên giống, Đề tài cấp Bộ.
4.       Trần Thị Thanh Hiền, Nguyễn Hương Thuỳ (2008), “Khả năng sử dụng thức ăn chế biến của cá còm (Chitala chitala) giai đoạn bột lên giống”, Tạp chí khoa học trường Đại học Cần Thơ, Tr134-140.
5.       Phạm Phú Hùng (2007), Nghiên cứu biện pháp sản xuất giống cá thát lát còm (Notopterus chitala), Luận văn thạc sĩ, Đại học Cần Thơ.
6.       Phạm Văn Khánh (2006), Kỹ thuật nuôi cá thát lát và cá còm, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.
7.       Trần Ngọc Nguyên, Phan Văn Thành, Nguyễn Thành Trung (2005), “ Sản xuất giống nhân tạo và nuôi cá thát lát (Notopterus notopterus Pallas) và cá còm (Notopterus chitala Hamilton)”, Tuyển tập nghề cá sông Cửu Long, tr 312-319.
8.       Phạm Minh Thành, Phạm Phú Hùng và Nguyễn Thanh Hiệu (2008), “Nghiên cứu sự thành thục trong ao và kích thích cá còm (Chitala chitala) sinh sản”, Tạp chí khoa học trường Đại Học Cần Thơ, Tr59-66.
9.       Nguyễn Thành Trung, Trần Ngọc Nguyên (2000), “Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cá thát lát (Notopterus notopterus Pallas)”, Đặc san Nuôi trồng Thuỷ hải sản, tr. 104-106.
10.     Lương Công Trung (2010), Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá thát lát tại Khánh Hoà, Báo cáo tổng kết đề tài.   
11.     Pravdin (1963), Hướng dẫn nghiên cứu cá (Bản dịch của Nguyễn Thị Minh Giang, 1972), Nhà xuất bản KHKT Hà Nội.
12.     Xakun O.F, Buskaia N.A (1968), Xác định các giai đoạn thành thục và nghiên cứu chu kỳ sinh dục cá (Bản dịch của Lê Thanh Lựu, 1982), Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội.

Tác giả bài viết: Cao Thành Chung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập36
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay10,559
  • Tháng hiện tại484,662
  • Tổng lượt truy cập7,332,472
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây