QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ ĐỐI MỤC QUY MÔ CÔNG NGHIỆP TRONG AO ĐẦM NƯỚC LỢ TẠI NGHỆ AN

Thứ ba - 28/12/2021 20:27 1.132 0
QUY TRÌNH KỸ THUẬT  NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ ĐỐI MỤC QUY MÔ CÔNG NGHIỆP TRONG AO ĐẦM NƯỚC LỢ TẠI NGHỆ AN
I - ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC
1. Vị trí phân loại:
Ngành động vật có dây sống: Chordata
                  Lớp cá vây tia: Actinopterygii
                        Bộ cá đối: Mugiliformes
                               Họ cá đối: Mugilidae
                                      Giống cá đối: Mugil
                                             Loài: Mugil cephalus Linnaeus, 1758
Tên Tiếng Anh: Bully mullet
Tên Tiếng Việt: Cá đối mục, cá đối đầu dẹt, cá đối nục
Hình 1: Cá đối mục
2. Đặc điểm hình thái:
Thân dài, tương đối tròn. Đầu tương đối ngắn, đỉnh đầu bằng phẳng, chiều dài đầu bằng 0,27 - 0,29 lần chiều dài thân tiêu chuẩn. Màng mỡ mắt phát triển, che phủ gần hết chiều dài đầu. Môi mỏng, phía trước hàm dưới có một gai thịt tương đối lớn. Môi trên có một vài hàng răng nhỏ. Khởi điểm của vây lưng thứ nhất nằm gần mút mõm hơn đến gốc vây đuôi. Khởi điểm của vây lưng thứ hai nằm sau khởi điểm của vây hậu môn. Vây ngực ngắn, không đạt đến khởi điểm của vây lưng thứ nhất. Gốc vây ngực có vẩy nách. Hậu môn có 8 tia vây mềm. Vây đuôi chia thành 12 thùy. Vẩy đường bên có 38 - 42 chiếc. Lưng có màu xanh ô liu, bụng màu trắng bạc. Bên thân có 6 - 7 sọc chạy dọc thân.
3. Đặc điểm phân bố:
Cá đối mục là loài phân bố rộng ở vùng biển nhiệt đới và á nhiệt đới, từ 420 Bắc đến 420 Nam. Cá đối chủ yếu ở tầng giữa và tầng mặt, rất hoạt bát và hay nhảy, là loài rất rộng muối, có thể sống ở vùng biển khơi hay cả vùng nước ngọt, tuy nhiên cá lớn nhanh khi độ mặn trên 10‰.
Về vòng đời của chúng nhiều tác giả cho rằng cá đối mục đẻ ngoài vùng biển khơi sâu, trứng nở thành cá con và nhờ sóng biển đưa vào vùng ven bờ và sinh trưởng, lớn lên ở đó, thành thục lại di cư ra biển sinh sản.
Nuôi cá đối mục đã bắt đầu từ nhiều thế kỷ và là nghề truyền thống ở vùng Địa Trung Hải, vùng Đông Nam Á, Đài Loan, Nhật Bản và Hawaii với các hình thức nuôi trong đầm, kênh hay ao hồ. Vùng Đại Trung Hải chú trọng với việc nuôi kết hợp với cá chình. Ở Israel nuôi cá kết hợp trong ao nuôi cá chép. Các nước như Philippin, Đài Loan cũng đã nuôi cá đối mục kết hợp với cá măng, nhiều cố gắng khác trong việc nuôi thâm canh và sinh sản nhân tạo loài cá này cũng được tiến hành và đã thu được những thành công và mở ra nhiều triển vọng cho nghề nuôi.
4. Đặc điểm dinh dưỡng và sinh trưởng:
Cá đối mục thuộc nhóm ăn đáy, ăn mùn bã hữu cơ. Phân tích dạ dày cho thấy chủ yếu là tảo lam, tảo khuê, tảo lục, một ít trùng bánh xe và giáp xác bậc thấp cũng hiện diện, chiều dài ống tiêu hóa gấp 3,5 lần chiều dài thân. Đối với ấu trùng cá đối chúng ăn tầng mặt, chủ động bắt mồi và thức ăn là phiêu sinh vật. Tuy nhiên trong quá trình ương nuôi ấu trùng, thức ăn của chúng sau khi bắt đầu ăn thức ăn ngoài vẫn còn là vấn đề nan giải dẫn đên hao hút lớn.
Cá đối có kích cỡ trung bình, tốc độ lớn nhanh. Cá đối mục 1 tuổi đạt 0,4 - 0,6 kg, 2 tuổi đạt gần 1kg, cỡ khai thác trong tự nhiên trung bình từ 0,2 - 0,4kg, cá lớn nhất nặng 4kg và rất hiếm gặp, cá lớn nhanh ở 3 - 7 tháng tuổi.
5. Đặc điểm sinh sản:
Cá đối mục ngoài tự nhiên thành thực từ 2 - 3 năm tuổi, có thể phân biệt cá đực và cá cái dựa vào lỗ sinh dục của chúng. Ở cá đực, lỗ sinh dục và lỗ hậu môn chung và nằm phía trước lỗ niệu, kích cỡ thành thục trung bình dài 12,5cm và trọng lượng 16,9g, cá cái có lỗ sinh dục nằm giữa lỗ hậu môn và lỗ niệu, kích cỡ thành thục trung bình dài 14,5cm và trọng lượng 19,32g.
Như trên đã đề cập, bãi đẻ của cá đối mục vẫn còn nhiều tranh luận, tùy vào điều kiện môi trường từng nơi mùa vụ sinh sản của chúng cũng khác nhau.
Ở nước ta, mùa vụ cá sinh sản bắt đầu từ tháng 3 - 4 và kéo dài đến tháng 5 - 6, đến mùa sinh sản, cá bố mẹ thành thục và tập trung thành từng đàn, mỗi đàn gồm nhiều nhóm nhỏ với một con cá cái lớn và nhiều con đực nhỏ hơn nhưng hoạt động năng động hơn. Trước khi đẻ, cá bơi song song với cá cái và chạm nhẹ vào nhau chỗ lỗ sinh dục, lượng trứng nhỏ được phóng thích ra làm cá đực phóng tinh, sau đó cá cái đẻ trứng với lượng lớn, cá đẻ vào ban đêm với điều kiện sinh sản ngoài tự nhiên là 32 - 35‰. Stengger, 1959, cho rằng cá đẻ hơn một lần trong năm.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, cá có sức sinh sản từ 24.096 - 398.640 trứng/ cá cái, trung bình 35.035 trứng/ cá cái. Theo một số tác giả khác, sức sinh sản của cá đối mục có thể đến 2,8 triệu trứng/con cá cái.
Trứng cá đối mục thuộc loại trứng nổi, không dính, tròn, trong, có giọt dầu lớn, hơi vàng, kích cỡ trứng từ 0,93 - 0,95mm. Tùy vào nhiệt độ, trứng nở sau 1 - 2 ngày (34 - 38 giờ ở 23 - 240C, 49 - 54 giờ ở nhiệt độ 22,5 - 23,70C).
II - KỸ THUẬT NUÔI THƯƠNG PHẨM
1. Lựa chọn địa điểm ao nuôi:
Ao nuôi được lựa chọn đảm bảo được nguồn nước tốt và đầy đủ. Có biên độ triều 2 - 3m để dễ dàng thay nước. Nước có độ mặn 5 - 15 ‰. Ao nuôi cá đối mục là ao đất và diện tích mặt nước lớn 1.000  -  2.000 m2.
 Khu vực bố trí ao nuôi phải có hệ thống điện lưới,  giao thông thuận tiện và an ninh đảm bảo.
- Chọn nơi có nguồn nước chủ động, trong sạch, tránh nơi có nguồn nước bị ô nhiễm bởi nước thải nông nghiệp, sinh hoạt hay công nghiệp và phải đảm bảo các yếu tố môi trường cần thiết như:
- Độ mặn: 5 - 20‰
- Nhiệt độ nước: 20 - 310C
- Hàm lượng oxy: >2 mg/l
- pH: 7,5 - 8,5
- Chất đáy: Cát bùn, bùn cát, bùn pha sét
- Độ sâu: 1,2 - 1,5m nước
2. Chuẩn bị ao nuôi:
- Gia cố hệ thống bờ ao không để rò rỉ, có nhiều hang hốc, kiểm tra hệ thống cống cấp và cống thoát đảm bảo cho việc cấp và tiêu nước.
- Chuẩn bị ao kỹ trước khi nuôi. Tháo cạn nước ao, phơi ao, nạo vét bùn đen chỉ để lại lớp bùn dày 15 - 20cm. Diệt cá tạp bằng saponin với lượng 10 kg/1.600m2. Bón vôi đáy ao và xung quanh bờ với lượng 7 - 10kg/1.000m2. Tiến hành phơi ao 5 - 7 ngày. Sau khi phơi ao tiến hành bón lót các loại phân hữu cơ đã ủ hoai khoảng 25 kg/100m2 để tạo mùn bã hữu cơ và thức ăn tự nhiên cho cá. Sau đó cho nước vào 30 - 40cm thông qua lưới lọc mịn, bón phân NPK với lượng 0,2 - 0,3kg/100m2. Sau 2 - 3 ngày màu nước lên tốt cấp thêm nước vào ao đạt độ sâu 1m.
- Sau 2 - 3 ngày, nước sẽ có màu xanh nâu thì tiến hành thả giống.
3. Thả cá giống:
3.1. Chất lượng cá giống:
- Kích cỡ giống thả nuôi: 6 - 10cm
- Chất lượng cá giống: Cá đồng đều kích cỡ, không bị bệnh tật, xây xát, bơi lội hoạt bát, có màu sáng.
- Nguồn cá giống: Có thể thả nguồn giống sản xuất nhân tạo hoặc từ thu gom ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, nguồn cá giống sản xuất nhân tạo đồng đều, tỷ lệ sống cao và phát triển tốt hơn.
3.2. Vận chuyển cá giống:
- Cá đối giống được vận chuyển kín trong túi nilon có bơm oxy. Phương tiện vận chuyển thường được sử dụng là xe máy, ô tô, hoặc máy bay.
- Cá giống trước khi vận chuyển được ép luyện, bỏ đói 1 ngày.
- Túi Nilon (dài 1,0 - 1,2m,  rộng 0,6m) lồng 2 lớp, được buộc xoắn gập bằng dây cao su. Khi vận chuyển mỗi túi chứa 20 - 25 lít nước, có bơm oxy.
- Mật độ vận chuyển: 2 - 3 kg/túi. Thời gian vận chuyển trên 10 giờ, tỷ lệ sống trên 95%.
- Vận chuyển cá vào lúc trời mát. Nếu nắng nóng nên chọn thời điểm vận chuyển vào ban đêm và có bỏ thêm đá lạnh vào túi vận chuyển (0,5 - 1 kg đá lạnh/bao).
- Trong quá trình vận chuyển thường xuyên kiểm tra cá để có biện pháp xử lý kịp thời nếu có sự cố xảy ra như bao bị xẹp thì bơm bổ sung thêm oxy hoặc thay bao mới…
- Thời gian vận chuyển đến khi thả dưới 12 giờ tốt nhất.
3.3. Thả cá giống:
- Mùa vụ thả: Có thể thả từ lúc có nguồn cá giống ngoài tự nhiên hoặc từ nguồn sinh sản nhân tạo. Tâp trung nhiều nhất vào tháng 2 - 3 hoặc tháng 7 - 8 hàng năm.
- Cá sau khi vận chuyển về nên ngâm bao cá trong ao nuôi từ 10 - 15 phút cho cân bằng nhiệt độ ở trong túi và ao nuôi tránh cá bị sốc sau khi thả.
- Tính toán thời gian vận chuyển để thả cá vào lúc sáng sớm, trời mát.
- Mật độ thả: Tùy vào hình thức nuôi, điều kiện đầu tư và kỹ thuật quản lý tốt có thể thả cá đối giống với mật độ 1 - 3 con/m2.
- Trong ao nuôi cá Đối có thể thả ghép tôm giống với mật độ 0,5 - 1 con/100 m2 hoặc Cua biển với mật độ 20 - 30 con/1.000m2.
4. Chăm sóc và quản lý:
4.1. Thức ăn và cách cho ăn:
- Sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 30 - 40%, kích cỡ viên tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của cá.
- Lượng cho cá ăn hàng ngày theo tỷ lệ 3 - 5% tổng khối lượng đàn cá. Cho ăn 2 lần/ngày, vào lúc 7h và 17h.
- Khi cho cá ăn cần tạo phản xạ bằng tiếng động để tập trung cá thành đàn, đúng thời điểm và vị trí cho ăn.
- Định kỳ phối trộn thêm các vitamin C, khoáng vào thức ăn với lượng 5g/1kg thức ăn/ ngày trong 5 - 7 ngày nhằm giúp cho cá tăng cường sức đề kháng.
4.2. Quản lý ao nuôi:
- Trong quá trình nuôi, hàng ngày phải kiểm tra các yếu tố môi trường và quan sát hoạt động của cá, màu nước để kịp thời xử lý (thay nước hoặc sử dụng vi sinh để làm sạch môi trường, giảm thức ăn...).
- Định kỳ 30 ngày kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Theo dõi tình trạng sức khỏe, các bệnh lý để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Định kỳ 15 ngày thay nước 1 lần để duy trì màu nước, thức ăn tự nhiên cho cá đối mục.
- Nếu nuôi với mật độ > 2 con/m2 nên sử dụng quạt nước nhằm tạo oxy phòng trường hợp cá nổi đầu do thiếu oxy (Thời gian bật quạt từ 3 - 6 giờ sáng)..
- Hàng ngày quan sát ao, rò rỉ nước phải xử lý phòng tránh thất thoát cá.
4.3. Phòng và trị bệnh cho cá.
- Thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình kỹ thuật trong công tác cải tạo ao nuôi trước mỗi vụ nuôi.
- Nguồn cá giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, đồng đều kích cỡ, sạch bệnh. Không nuôi cá ở mật độ cao vượt quá mật độ nuôi quy định.
- Trong qua trình nuôi, phải luôn giữ cho môi trường nước sạch sẽ, các yếu tố thuỷ lý, thuỷ hoá ổn định.
- Thức ăn cho cá phải đảm bảo chất lượng, không để ẩm mốc, quá hạn sử dụng, phương pháp cho ăn phải thực hiện đúng theo yêu cầu kỹ thuật.
- Định kỳ bổ sung thêm vitamin C, khoáng vào thức ăn để cho cá ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá cũng như kích thích cá tăng trưởng tốt hơn.
- Theo dõi thường xuyên để phát hiện kịp thời cá nuôi bị bệnh và loại bỏ ngay những cá thể đã nhiễm bệnh nặng. Khi phát hiện thấy cá có bệnh phải tiến hành cách ly, sau đó xác định rõ loại bệnh để có biện pháp chữa trị phù hợp.
- Chỉ được phép sử dụng các loại thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hóa chất để phòng hoặc trị bệnh cho cá nuôi không có trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản của Bộ thủy sản.
- Khi sử dụng những loại sản phẩm trên để phòng bệnh cho cá nuôi phải lưu giữ hồ sơ về tình hình sử dụng. Hồ sơ phải được ghi rõ ngày sử dụng, loại sản phẩm sử dụng, cách sử dụng và kết quả điều trị.
- Nếu cá nuôi bị nhiễm bệnh nặng và có nguy cơ lan rộng phải kịp thời có biện pháp điều trị hợp lý và ngăn chặn lây lan.
Cá đối mục rất ít bệnh, chưa có nhiều nghiên cứu về bệnh trên đối tượng này. Trong quá trình nuôi, thông thường chỉ thấy xuất hiện lở loét trên thân do xây xát, trường hợp này nên sử dụng KMnO4 nồng độ: 5 - 10ppm bôi trực tiếp lên chỗ bị lở loét.
5. Thu hoạch:
Sau 10 tháng cá đối mục nuôi đạt kích cỡ 600 - 800 g/con tiến hành thu hoạch. Có thể thu một lúc bằng cách tháo cạn nước và dùng lưới kéo bắt cùng một lần để bán hoặc là thu tỉa hàng ngày bằng cách bủa lưới.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập66
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm63
  • Hôm nay7,736
  • Tháng hiện tại412,578
  • Tổng lượt truy cập7,778,893
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây