QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT GIỐNG CUA BIỂN THEO CÔNG NGHỆ VI SINH PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN SINH THÁI NGHỆ AN

Thứ ba - 28/12/2021 02:22 3.731 0
QUY TRÌNH CÔNG NGHỆ  SẢN XUẤT GIỐNG CUA BIỂN THEO CÔNG NGHỆ VI SINH  PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU KIỆN SINH THÁI NGHỆ AN
I - Lựa chọn địa điểm, xây dựng trại sản xuất.
Trại sản xuất giống Cua biển nên được xây dựng ven biển nằm trong vùng quy hoạch, nơi có độ mặn ổn định từ 28 - 32‰, không bị ô nhiễm. Có nguồn nước ngọt đảm bảo cho sinh hoạt và sản xuất, có nguồn điện lưới, giao thông thuận tiện.
Trại được xây dựng gồm các hạng mục: Bể chứa, bể xử lý 200 - 500 m3, hệ thống bể lọc, hệ thống bể ximăng ương ấu trùng 16 - 32 bể, dung tích mỗi bể 5 - 8 m3/bể, Hệ thống bể composite  dung tích 1 - 2 m3/bể, từ 10 - 20 cái. Hệ thống bể ương Cua bột lên cua giống 4 - 10 bể, dung tích mỗi bể 8 - 20 m3/bể. Các trang thiết bị đầy đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất.
II - Tiến hành sản xuất cua giống.
1. Vệ sinh Trại sản xuất.
Các trại sản xuất giống được vệ sinh đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu đối với trại sản xuất giống thủy sản mặn lợ. Trong điều kiện khí hậu Nghệ An, mùa vụ sản xuất cua giống bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch hàng năm.
2. Nguồn nước.
Nguồn nước mặn: Chọn các ngày có triều cường có độ mặn trên 30 bơm nước vào bể chứa, xử lý. Dùng Chlorine để xử lý nước mặn với nồng độ 30 ppm, sục khí liên tục đến khi kiểm tra hết dư lượng Chlorine trong nước. Đối với các nguồn nước có nhiều kim loại nặng nên dung thuốc tím 1ppm tiếp tục xử lý trong vòng 3 - 4 ngày trước khi lọc đưa vào sử dụng.
Nguồn nước ngọt: Sử dụng nguồn nước mưa, nước giếng khoan không bị nhiễm mặn, qua hệ thống lọc trước khi sử dụng.
3. Tuyển chọn, nuôi vỗ cua mẹ.
Nguồn cua mẹ tuyển chọn đưa vào nuôi vỗ cho đẻ là cua gạch đã giao vĩ ngoài tự nhiên đảm bảo các yêu cầu: Trọng lượng 300 - 450g/con, sạch sẽ, nguyên vẹn, đầy đủ phụ bộ, không bị bệnh.
Cua mẹ đưa về Trại được nuôi vỗ trong bể ximăng có diện tích 6 - 10m2. Thức ăn sử dụng nuôi vỗ cua mẹ là: Mực tươi, cá biển, ngao, don… tỷ lệ cho ăn 5 -15% trọng lượng thân, nên cho cua mẹ ăn dư để tránh hiện tượng tấn công lẫn nhau. Mật độ nuôi 1 - 1,5 con/m2. Ngăn 1/3 bể bỏ một lớp cát mịn 5 - 10cm để làm nơi cho cua đẻ, mỗi bể nuôi vỗ sử dụng 6 - 10 viên ngói úp để cua trú ẩn. Hàng ngày thay nước bể nuôi 50 %. Định kỳ 3 - 5 ngày thay nước vệ sinh bể 100 %.
Sau thời gian nuôi vỗ 10 - 20 ngày, cua bắt đầu đẻ trứng. Kiểm tra và chuyển những con cua mẹ đã đẻ vào bể ấp. Các Trại giống có thể mua cua mẹ đã đẻ trứng về sản xuất để tiết kiệm thời gian nuôi vỗ.
3.1. Ấp cua mẹ ôm trứng:
- Chọn cua mẹ đã ôm trứng, khoẻ mạnh, còn nguyên càng, chân bò, chân bơi, kích cỡ trên 300g/con.
- Mật độ ấp: 1 con /bể hoặc thùng, xô nhựa 100 - 120 lít.
Hình 1: Cua cái đang ôm trứng
Trước khi cho cua ôm trứng vào bể ương ấp nên xử lý Cua ôm trứng: Cho cua vào xô nước biển có pha formaline 20 ppm trong thời gian 20 - 30 phút. Xem màu sắc của trứng và lấy một ít trứng quan sát dưới kính hiển vi để xác định giai đoạn phát triển và chất lượng của trứng phôi, dự kiến ngày nở của ấu trùng để chuẩn bị các điều kiện ương nuôi tiếp theo một cách chủ động.
3.2. Chăm sóc quản lý:
- Thức ăn nuôi Cua mẹ ôm trứng là: Tôm, mực tươi, cho ăn theo nhu cầu.
- Ngày cho cua ăn 1 lần vào buổi chiều tối, loại bỏ thức ăn thừa, vệ sinh bể nôi vào buổi sáng và thay nước 100% nước mới mỗi ngày.
- Quản lý môi trường nước chặt chẽ: độ mặn 30‰ ± 2‰, oxy hòa tan trên 5mg/lít (sục khí nhẹ thường xuyên), pH = 7,5 - 8,5, nhiệt độ 29 ± 1 0C, giữ yên lặng nơi ấp cua.
- Theo dõi quá trình phát triển của phôi. Để xác định chất lượng của trứng phôi phải quan sát dưới kinh hiển vi: 2 - 3 ngày/lần, xác định tốc độ phát triển của phôi, tỉ lệ trứng bị hỏng, nhiễm bệnh: nấm, vật ký sinh và có biện pháp xử lý. Cũng có thể đánh giá tốc độ phát triển của phôi qua sự biến đổi màu sắc của buồng trứng vàng sáng, vàng sẫm, xám tro và cuối cùng là xám đen. Buồng trứng chuyển đều sang màu xám đen tức là phôi đã phát triển đến giai đoạn "mọc mắt" và trong một hai ngày sau là nở ra ấu trùng.
- Trong điều kiện nhiệt độ nước từ 28 - 30 0C, sau khi đẻ trứng từ 10 - 12 ngày nở ra ấu trùng Zoea 1.
4. Thu ấu trùng Zoea mới nở.
- Bể thu ấu trùng zoea: Thể tích 100 500 lít, được vệ sinh sạch sẽ đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, cấp nước chiếm gần hết thể tích bể nhằm đảm bảo cho không gian hoạt động khi cua mẹ bơi, giải phóng ấu trùng từ khoang yếm và dễ thu lượng ấu khỏe hơn. Bể được đặt ở vị trí tối nhất.
- Khi theo dõi thấy cua mẹ ôm trứng có buồng trứng chuyển sang màu đen xám (phôi được 10 - 11 ngày) có thể dự đoán 1 - 2 ngày sau ấu trùng zoea 1 sẽ nở. Do đó, cần chuyển cua mẹ vào bể thu ấu trùng zoea mới nở. Cua ôm trứng ở trong bể cần được yên tĩnh, không cho ăn.
- Xử lý cua ôm trứng bằng dung dịch formaline 20 ppm trong 15 đến 20 phút trước khi cho sang bể thu ấu trùng.
- Trứng cua nở thành ấu trùng zoea xảy ra vào lúc 6 - 9 giờ sáng. Quá trình này thường kéo dài từ 2 - 4 giờ, cũng có trường hợp kéo dài từ 8 - 10 giờ. Quan sát thấy mật độ ấu trùng đã "dày", bắt cua mẹ lên kiểm tra, nếu cua đã thải hết ấu trùng, yếm đã đóng lại thì đưa cua vào bể nuôi cua bố mẹ để nuôi vỗ tiếp.
Ấu trùng có đặc tính hướng quang mạnh, bơi lội trong tầng nước giữa và trên mặt. Sau khi trứng nở thành ấu trùng khoảng 20 - 30 phút thì tiến hành thu ấu trùng zoea.
- Phương pháp thu zoea: Tắt toàn bộ sục khí, che một phần lớn miệng bể, sau 1 - 2 phút dùng đèn pin chiếu sáng vào một vị trí bể để ấu trùng tụ lại, dùng ống nhựa mềm hút toàn bộ ấu trùng nổi trên mặt qua vợt thu ấu trùng và được cho vào bể hay xô nhựa để tắm với nước đã được chuẩn bị, tắm trong thời gian khoảng 3 - 5 phút. Trong thời gian này tiến hành thu mẫu định lượng ấu trùng thu được.
5. Ương nuôi ấu trùng Zoea: từ Zoea 1 đến Zoea 5.
5.1. Chuẩn bị bể, nguồn nước, thức ăn cho ấu trùng:
- Thể tích bể ương: 2 - 16 m3, được làm vệ sinh sạch sẽ đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, mực nước cấp 0,6 - 0,8 m, đặt sục khí đều 1 cái/1 m2 bể.
- Nước biển có độ mặn 30‰ ±1‰  được xử lý kỹ qua hệ thống lọc trước khi cấp vào. Dùng vi sinh để xử lí nước 2 - 5g/m3.
5.2. Ương nuôi ấu trùng Zoea: từ Zoea 1 đến Zoea 5:
- Mật độ ương: 80 - 120 con/ lít.
- Cho ăn tảo khuê Chatoceros, sau 6 - 8 giờ cho luân trùng vào, mật độ luân trùng: 15 con/ ml. Mỗi ngày cho ăn 2 lần: sáng 8 giờ, chiều 14 giờ.
+ Cho ấu trùng ăn tảo khuê trong thời gian 6 ngày đầu.
+ Cho ấu trùng ăn luân trùng trong thời gian 12 ngày đầu.
+ Artemia bung dù bắt đầu từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 8 có thể cho Naupli của Artemia
+ Từ ngày 12 trở đi giảm lượng luân trùng xuống 1/2 và cho Naupli của Artemia và bể ương, mật độ 10 - 15 con/ml. Đến ngày 14 ngừng cho thức ăn luân trùng, tăng mật độ Naupli của Artemia lên 20-30 con/ml.
- Vệ sinh bể thay nước hằng ngày. Hai ngày đầu không thay nước, ngày thứ 3 thay 30% lượng nước, ngày thứ 5 thay 30%, ngày thứ 7 thay 30% . Và tiếp tục thay cách ngày như vậy cho đến ngày thứ 17. Sử dụng vi sinh xử lý nước bể ương, liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất để hạn chế thay nước, ổn định môi trường và tránh sốc cho ấu trùng cua.
- Theo dõi các yếu tố của môi trường nước, bảo đảm độ mặn 30‰ ±1‰ nhiệt độ nước 29 0C ± 10C, pH = 7,5 - 8,5, oxy hòa tan trên 5 mg/lít trong suốt quá trình ương nuôi.
Bảng 1: Sử dụng thức ăn, vi sinh,thuốc bổ giai đoạn Zoea1 đến Zoea5
TT Giai đoạn Luân trùng Thức ăn Tổng hợp Artemia Vi sinh Thuốc &CPSH Thay nước Ghi chú
1 Zoea1 15con/ml Frippark2   Az002 Etile800    
2 Zoea2 15con/ml Frippark2 Bung dù 30% Az002,
EM
Etile800
 
   
3 Zoea3   Lansy post, Play Bung dù 100% Az002,
EM
Etile800 20% Nước 200/00
4 Zoea4   Lansy post, Play Nở100% Az002,
EM
Etile800 20% Nước ngọt
5 Zoea5   Lansy post, Play Nở100% Az002,
EM
Etile800 100% Nước 280/00

- Trong điều kiện nhiệt độ nước 29 - 30 0C từ lúc nở đến lúc xuất hiện ấu trùng Megalops đầu tiên từ 16 - 18 ngày.
6. Ương nuôi Zoea 5 lên cua bột 1.
- Thể tích bể: 4 - 8 m3, được vệ sinh sạch sẽ, rải 1 lớp mỏng cát sạch phần sát đáy bể, thả nhiều tấm lưới phong lan có phao chia cắt bể ra thành nhiều phần, thả một số chùm sợi nylon nhỏ làm giá thể, tạo nơi bám cho ấu trùng Megalops.
- Mật độ ương: 15.000 - 20.000 ấu trùng/ m3.
- Nước được xử lý như giai đoạn đầu, độ mặn ban đầu  28‰ sau đó giảm dần xuống 20‰ theo thời gian ương nuôi.
- Thức ăn: Sử dụng ấu trùng Artemia mới nở hoặc làm giàu Artemia bằng CelcoProtein trước khi cho vào bể ương, bổ sung thêm thức ăn tự chế (thịt nghêu, tôm xay nhuyễn trộn với lòng đỏ trứng gà, Vitamin, hấp chín, rây nhỏ cho ăn).
- Lượng cho ăn: Artemia: 50 con/ml/ngày và thức ăn tự chế: 5 g/m3/ngày
- Mỗi ngày cho ăn 2 lần: vào buổi sáng và buổi chiều. Tăng dần lượng thức ăn chế biến, giảm dần ấu trùng Artemia.
- Sục khí, làm vệ sinh bể hàng ngày, rửa bể, xiphông thức ăn thừa, thay 30% nước hàng ngày.
- Bổ sung vi sinh xử lý nước theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Bảng 2: Sử dụng thức ăn, vi sinh, thuốc bổ giai đoạn Zoea5 đến Cua1
TT Các giai đoạn Artemia Tổng hợp Chế biến Vi sinh Thuốc& hóa chất Thay nước Ghi chú
1 Zoea5 30 con/ml Lansy post, Play   Az002,
EM
Etile 800 50% Thay nước có độ mặn 280/00, khi Z5 chuyển Megalop
2 Megalop 30 con/ml Play Chế biến EM Etile 800
 
30% Nước ngọt khi bói cua
3 Cua1     Chế biến        

- Sau 8 - 12 ngày phần lớn megalops lột xác biến thành cua bột 1.
- Khi lượng cua trong bể đạt 80 - 90% tiến hành thu hoạch xuất bán hoặc đưa ra bể ương lên thành cua giống.
7.  Ương cua bột thành cua giống.
7.1. Chuẩn bị bể ương:
- Thể tích bể: 20 - 70 m3, vệ sinh bể sạch sẽ đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Đáy bể rải 1 lớp cát mịn, sạch dày từ 3 - 5 cm
- Cấp nước biển vào bể, nước đã để lắng hoặc qua lọc thô có độ mặn từ 20 - 23‰. Chiều cao mực nước từ 40 - 60 cm. Sử dụng vi sinh xử lý nước, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Bắt sục khí đều khắp hồ, cứ 2 m2 thì một viên đá bọt.
- Treo hoặc thả đều vật bám bằng lưới phong lan trong hồ.
7.2. Ương cua bột thành cua giống:
- Mật độ thả ương từ 200 - 300 con/m3.
- Thức ăn cho cua ăn trong 3 - 5 ngày đầu là thức ăn tự chế: Xay nhỏ tôm, cá tươi, hến hoặc hầu (50%), nội tạng mực (5%), lòng đỏ trứng gà (30%), bột mỳ (15%), Vitamin (0,01%) trộn đều, hấp chín, để nguội rây nhỏ cho ăn.
- Cho ăn: 3 lần/ ngày vào lúc 6 giờ, 15 giờ và 23 giờ.
- Kiểm tra lượng thức ăn cho cua ăn để điều chỉnh tăng giảm, tránh dư thừa làm ô nhiễm môi trường nước. Đặc biệt là không để thiếu thức ăn sẽ tăng nguy cơ ăn thịt lẫn nhau, tỷ lệ sống rất thấp, khả năng phân đàn cao.
- Sau ngày thứ 5, sử dụng cá tươi, cá tạp, cua ghẹ, giáp xác nhỏ… hấp cách thủy, loại bỏ xương, lọc qua rổ nhựa có mắt lưới phù hợp, khi cho ăn dùng ca tạt đều khắp bể. Lượng cho ăn 10 - 15% trọng lượng cua thả. Cho cua ăn 2 lần/ ngày vào lúc 8 giờ và 17 giờ.
- Sau 3 ngày từ lúc thả ương, cấp thêm 1/3 nước mới và giảm độ mặn từ 2 - 3 ‰ giúp chúng lột xác và chuyển đồng loạt hơn. Sau 7 - 8 ngày thay 1/3 lượng nước, kích thích cua lột xác phát triển, sau 11 - 12 ngày thay 1/2 - 2/3 lượng nước trong bể ương, tiếp tục giảm độ mặn 1 - 2‰.
- Thời gian ương từ 10 - 20 ngày thì kích cỡ giống có thể đạt từ 1 - 2 cm.
8. Thu hoạch và vận chuyển.
Hình 2: Cua giống
8.1: Đối với cua bột 1 - 2 ngày tuổi:
Chuyển các giá thể có Cua bám ra bể dự trữ cua bột, Tháo cạn nước trong bể và dùng vợt mềm vớt cua, tháo cạn nước bắt toàn bộ cua trong bể. Đếm cua vào khay nhựa có chứa cát mịn. mỗi khay chứa 700 - 1000 con cua bột. Không để Cua bị lật ngửa trong thời gian vận chuyển.
8.2: Đối với cua giống:
Tháo cạn nước bắt toàn bộ Cua giống vào xô, chậu, đếm cua và cho vào thùng xốp, bao lưới có cỏ, rơm ẩm ướt để vận chuyển./.

Tác giả bài viết: Thạc sỹ Trương Văn Toản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay5,750
  • Tháng hiện tại99,269
  • Tổng lượt truy cập10,579,227
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây