Quy trình kỹ thuật Sinh sản nhân tạo giống cá Leo (Wallago Attu bloch &Schneider 1801) tại Nghệ An

Chủ nhật - 13/12/2020 23:03 1.576 0
Quy trình kỹ thuật Sinh sản nhân tạo giống cá Leo (Wallago Attu bloch &Schneider 1801)  tại Nghệ An
1. Xuất xứ quy trình
Quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo giống cá Leo (Wallago Attu bloch &Schneider 1801), được hình thành từ kết quả thực hiện dự án KHCN: Hoàn thiện quy trình công nghệ và xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm sinh sản nhân tạo giống cá Leo (Wallago Attu Bloch &Schneider, 1801) tại Nghệ An. Do Trung tâm giống thủy sản Nghệ An chủ trì biên soạn năm 2020.
2. Đối tượng và phạm vi áp dụng
2.1. Đối tượng áp dụng: Quy trình này quy định trình tự, nội dung và yêu cầu kỹ thuật để sản xuất nhân tạo giống cá Leo (Wallago Attu bloch &Schneider, 1801).

Hình 1: Cá Leo Wallago attu (Bloch and Schneider, 1801)

2.2. Phạm vi áp dụng: Áp dụng cho các cơ sở sản xuất giống cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
3. Các yêu cầu kỹ thuật phải đạt được
TT Các chỉ tiêu ĐVT Thông số Ghi chú
1 Tỷ lệ thành thục của cá cái % 80 - 85  
2 Tỷ lệ thành thục của cá đực % 75 - 80  
3 Tỷ lệ đẻ cá cái (so với cá thành thục) % 85 - 10  
4 Tỷ lệ thụ tinh của trứng % 65 - 75  
5 Tỷ lệ nở % 65 - 75  
6 Tỷ lệ sống của cá ương từ cá bột lên cá hương % 55 - 65  
7 Tỷ lệ sống của cá ương từ cá hương lên cá giống % 12 - 18  
8 Kích cỡ cá giống cm 6 - 8  

4. Mùa vụ sản xuất giống:
4.1. Nuôi vỗ cá bố mẹ: Thời gian nuôi vỗ 75 ngày, từ tháng 1 đến tháng 3 và từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm.
4.2. Mùa vụ cho sinh sản: Từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm.
5. Nội dung quy trình kỹ thuật
5.1. Tuyển chọn, nuôi vỗ cá bố mẹ
5.1.1. Điều kiện và chuẩn bị ao nuôi vỗ cá bố mẹ
a) Điều kiện ao nuôi
- Ao nuôi: Ao nuôi vỗ bố mẹ có diện tích: 1.000 - 2.000 m2/ao, độ sâu mực nước trên 1,5 m nước.
- Bờ ao chắc chắn không bị rò rỉ tránh thất thoát cá bố mẹ. Ao có cống cấp và thoát nước thuận tiện. Có nguồn nước cấp chủ động, trong sạch.
- Môi trường nước trong quá trình nuôi vỗ phải đảm bảo các tiêu chí sau:
+ Nhiệt độ nước giao động từ 20 - 320C, tốt nhất 25 - 300C.
+ Ðộ pH trong khoảng từ  7 - 8,5.
+ Hàm lượng oxy hoà tan:  4 mg/l.
- Ao nuôi cần bố trí hệ thống cấp nước kích thích để tăng cương khả năng phát dục, thành thục sinh dục cho cá bố mẹ trong quá trình nuôi vỗ.
b) Chuẩn bị ao nuôi vỗ
- Bơm cạn ao, tạt vôi xử lý với lượng: 7 - 10 kg/100m2 .
- Phơi ao 2 - 3 ngày nhằm khử trùng và thoát khí độc trong ao. Sau đó lấy nước vào ao nuôi.
- Ao nuôi sau khi chuẩn bị đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, tiến hành cấp nước vào ao nuôi đảm bảo độ sâu, nước cấp vào ao nuôi phải trong sạch, được lọc qua lưới lọc.
5.1.2. Tuyển chọn cá bố mẹ nuôi vỗ
- Cá bố mẹ được tuyển chọn đưa vào nuôi vỗ phải khỏe mạnh, không bị xây xát, không dị hình. Cá có trọng lượng từ 1,5  - 2 kg, tuổi cá trên 2 năm tuổi.
- Mật độ nuôi vỗ: 20 - 25 kg cá bố mẹ/100 m2 ao; tỷ lệ  đực/cái là 1/1.
- Ao nuôi vỗ cá bố mẹ nên thả ghép thêm cá Mè trắng hoặc mè hoa số lượng ghép từ: 1 - 2 con/100m2.
5.1.3. Chăm sóc và quản lý cá bố mẹ nuôi vỗ
a) Chăm sóc cá bố mẹ nuôi vỗ
- Thức ăn nuôi vỗ cá bố mẹ: Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi để cho cá ăn. Sử dụng thức ăn có hàm lượng Protein 32 - 35%, kích cỡ viên phù hợp với miệng cá. Khẩu phần cho ăn 3 - 4% khối lượng cá nuôi trong ao.  
- Hàng ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều: Buổi sáng cho cá ăn vào lúc 8 giờ; buổi chiều cho cá ăn vào lúc 16 - 17 giờ.
- Bổ sung thường xuyên Vitamin C, khoáng (5 gam/1 kg thức ăn) vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày và định kỳ bổ sung thêm thuốc phòng bệnh cho cá để phòng bệnh, hạn chế cá mắc bệnh trong quá trình nuôi vỗ. Định kỳ hàng tháng bổ sung dầu gan cá Omega - 3 để cho cá ăn nhằm kích thích cá phát dục nhanh, đồng đều với liều lượng 0,5g/1kg thức ăn, cho ăn 15 ngày/tháng.
- Định kỳ sử dụng vi sinh xử lý đáy ao, nước ao giúp nguồn nước ao nuôi luôn trong sạch, hạn chế cá bị bệnh và tạo điều kiện để cá phát dục, thành thục tốt nhất trong quá trình nuôi vỗ.
- Ao nuôi cần bố trí hệ thống kích thích nước trong quá trình nuôi vỗ giúp cá thành thục sớm, đồng đều, đạt hiệu quả nuôi vỗ tốt nhất.
- Đối với thức ăn là cá tạp thì sử dụng sàng cho ăn để kiểm tra điều chỉnh cho phù hợp. Trong thời gian nuôi vỗ cá bố mẹ thức ăn được sử dụng tối đa theo nhu cầu ăn của cá. Định kỳ hàng tháng kiểm tra độ béo, mức độ thành thục của cá bố mẹ để điều chỉnh chế độ chăm sóc để cá thành thục tốt nhất.
b) Quản lý ao nuôi
- Hàng ngày, tiến hành kiểm tra ao vào buổi sáng, quan sát hoạt động của cá và màu nước ao nuôi, phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường của cá và môi trường để có biện pháp xử lý thích hợp.
- Ðịnh kỳ hàng tháng kiểm tra một lần để xác định độ béo, tình hình bệnh tật và sự phát dục của cá bố mẹ để điều chỉnh chế độ nuôi vỗ cho phù hợp.
- Định kỳ thay nước giữ cho môi trường ao nuôi trong sạch và duy trì chế độ dòng chảy trong quá trình nuôi vỗ cá bố mẹ để cá phát dục, thành thục tốt nhất.
Chế độ Tháng nuôi thứ nhất Tháng nuôi thứ hai Tháng nuôi thứ ba
Dòng chảy 6h/ngày (sáng 3 tiếng, chiều 3 tiếng) 8h/ngày (sáng 4 tiếng, chiều 4 tiếng) 8h/ngày (sáng 4 tiếng, chiều 4 tiếng)
Thay nước 15 ngày/lần,
thay 30 - 40%
lượng nước trong ao
15 ngày/lần,
thay 40 - 50%
lượng nước trong ao
15 ngày/lần,
thay 40 - 50%
lượng nước trong ao

- Định kỳ xử lý nước ao, đáy ao bằng vôi bột với lượng 2,5 - 3 kg/100 m2 ao.
- Thường xuyên vệ sinh ao nuôi: Vớt cỏ rác, thức ăn thừa, đảm bảo ao nuôi vỗ cá không bị nhiễm bẩn.
5.2. Cho sinh sản nhân tạo
5.2.1. Yêu cầu chung
- Nhiệt độ nước thích hợp cho cá sinh sản nhân tạo Leo trong khoảng 26 - 32 0C, tốt nhất là từ 27 - 30 0C.
- Có bể nhốt cá bố mẹ cho sinh sản là bể xi măng, bể composite diện tích từ 1 - 2 m3/bể, mặt trong bể trớn bóng để nhốt cá bố mẹ, số lượng 10 - 15 bể.
- Cá đực và cá cái được nhốt riêng mỗi con một bể, không nhốt chung với nhau để tránh cá cắn nhau gây xây xát, ảnh hưởng đến sức khỏe cá ảnh hưởng đến quá trình cho sinh sản.
- Hệ thống ấp trứng cá: Sử dụng bình vây có dung tích 200 – 300 lít/bình để ấp trứng sau khi đã khử dính.
- Có hệ thống cấp nước sạch, đẩy đủ và có hệ thống sục khí đảm bảo cho quá trình cho sinh sản cá.
- Có các dụng cụ phục vụ vuốt trứng cá, thụ tinh cho trứng, khử dính cho trứng cá.
- Trước khi cho sinh sản phải khử trùng hệ thống bể đẻ, bể ấp và dụng cụ cho sinh sản đảm bảo kỹ thuật.
5.2.2. Chọn cá bố mẹ cho sinh sản
- Tuyển chọn cá cái: Chọn những cá thể có bụng to, mềm, lỗ sinh dục có màu phớt hồng, lấy trứng kiểm tra có trứng to, tròn, căng, trứng ở giai đoạn IV có màu vàng mơ là đạt.
- Tuyển cá chọn đực: Chọn những con có cơ thể cân đối, khỏe mạnh, lỗ sinh dục lồi, có màu phớt hồng, vuốt dọc theo lườn bụng có tinh dịch màu trắng đục chảy ra, sánh đặc là đạt tiêu chuẩn cho tham gia sinh sản.
- Tỷ lệ cá đực/cá cái cho đẻ là: 1/1, trường hợp cá được tinh ít, loãng có thể bổ sung thêm cá đực để đảm bảo cho việc thu tinh trong quá trình sinh sản.
5.2.3. Kích thích sinh sản nhân tạo
Kích dục tố sử dụng trong sinh sản cá Leo sử dụng kết hợp giữa LH-RHa (Luteneising Hormone–Releasing Hormone Analogue) kết hợp DOM (Domperidone) và não thùy cá chép.
Liều lượng sử dụng:
 - Đối với cá cái: Liều lượng sử dụng 100 µg LRHA3 + 10mg DOM + 1 não/ 1kg cá cái, tiêm cá 02 lần.
+ Tiêm lần 1: 30 µg LRHA3 + 3mg DOM/kg cá cái
+ Tiêm  lần 2: 70 µg LRHA3 + 7mg DOM + 1 não/kg cá cái. Tiêm lần 2 cách lần 1à 4 tiếng.
- Đối với cá đực: Không tiêm hoặc có tiêm sử dụng LRHA3  kết hợp với DOM
+ Liều lượng: 15 - 20 µg LRHA3 + 2mg DOM/kg
+ Tiêm 1 lần cùng với tiêm lần 2 của cá cái
- Vị trí tiêm: Tiêm dưới gốc vây ngực.
- Thời gian hiệu ứng: Sau khi tiêm liều quyết định (lần 2) từ 5 - 7 tiếng tiến hành kiểm tra cá tránh để cá tự chảy trứng trong bể, thông thường sau 8 - 12 h cá rụng trứng (chảy trứng), tiến hành vuốt lấy trứng, tinh cá cho thu tinh.
5.3. Kỹ thuật thu trứng, sẹ, thụ  tinh nhân tạo và ấp trứng
5.3.1.  Kỹ thuật thu trứng, thu sẹ
Sau thời gian tiêm lần 2 từ 6 tiếng bắt đầu tiến hành kiểm tra cá cái để kịp thời nắm được thời gian, mức độ chảy trứng ở cá cái, tránh hiện tượng để cá tự đẻ, chảy trứng trong bể, khi cá cái đã rụng trứng (chảy trứng) tiến hành vuốt cá cái lấy trứng, vuốt cá đực lấy sẹ cho thụ tinh nhân tạo
- Cá cái: Sau khi kiểm tra cá đã chảy trứng tiến hành bắt cá vuốt trứng cụ thể:
+  Bắt cá cái đặt nhẹ nhàng trong vải mềm, dùng ngón tay cái bịt lỗ sinh dục cá.
+ Lấy vải mềm quấn thân cá chỉ để hở lỗ sinh dục, thấm hết nước ở bụng và đuôi cá. Sau đó, giữ đầu cá hướng lên phía trên, mở ngón tay bịt lỗ sinh dục cá rồi vuốt nhẹ vào thành bụng để trứng chảy từ từ vào bát khô sạch đã chuẩn bị sẵn.
- Cá đực: Sau khi vuốt xong trứng cá cái tiến hành bắt cá đực để thu sẹ thụ tinh cho trứng cụ thể:
+ Thao tác giữ cá đực để vuốt sẹ tương tự như đối với vuốt trứng của cá cái. Sẹ của cá đực được vuốt trực tiếp vào bắt trứng đã thu hoặc vuốt riêng ra bát sau đó tiến hành thụ tinh nhân tạo cho trứng cá.
Có thể sử dụng sẹ của 2 con đực để thụ tinh cho trứng một cá cái để nâng cao tỷ lệ thụ tinh, tùy thuộc vào chất lượng, số lượng tinh dịch của cá đực.
5.3.2. Thụ tinh nhân tạo.
Sau khi thu được trứng và sẹ, tiến hành trộn lẫn với nhau, dùng lông cánh gia cầm khuấy đều trứng và sẹ trong thời gian 5 - 10 giây, sau khi trộn đều trứng và tinh dịch cho nước sạch bằng 1/4 lượng trứng vào khuấy để kích hoạt thụ tinh cho trứng trong khoảng thời gian 2 - 3 phút.
Trứng sau khi thụ tinh được khử dính bằng dd Tanin 10%, sau đó được rửa sạch bằng nước cho hết tanin, dịch trứng mới đưa vào ấp trong bình vây.
5.3.3. Ấp trứng
- Dụng cụ ấp trứng: Sử dụng bình vây loại 200 lít để ấp trứng cá
- Trứng cá sau khi đã khử dính, tiến hành rửa sạch chuyển vào bình vây để ấp với mật độ 1.500 - 1.800 trứng/lít nước, điều chỉnh lưu tốc nước vừa phải không để quá nhanh làm xây xát trứng cá cũng như quá chậm làm trứng lắng đáy, bám vào thành gây khê trứng.
- Trong quá trình ấp trứng thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, kiểm tra lưu tốc nước để điều chỉnh lưu tốc nước phù hợp với quá trình phát triển phôi.
- Thường xuyên kiểm tra bể ấp, sự phát triển phôi, vệ sinh mạng tràn đặc biệt là giai đoạn cá nở.
- Cá bột sau khi nở, tiêu hết noãn hoàng tiến hành thu, chuyển ra ao ương lên cá giống, không để cá bột quá già, mật độ cao trong bể ấp dẫn đến cắn nhau gây hao hụt lớn ngay từ cá bột.
5.4. Ương cá bột lên cá hương, cá giống.
5.4.1. Chuẩn bị ao, bể ương.
Trước khi đưa cá bột ra ương, ao hoặc bể ương đã được chuẩn bị trước đảm bảo qui trình kỹ thuật cụ thể:
- Đối với ao ương cá bột lên cá hương:
+ Ao ương nên có diện tích từ 500 - 1.500 m2/ao và được cải tạo, xử lý đúng qui trình kỹ thuật, cấp nước, gây màu nước trước 03 ngày để đảm bảo nguồn thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá khi đưa vào ương.
+ Đáy ao được bố trí các búi nilon, ông nước phi 34 - 48, cắt khúc dài 40 - 50 cm làm nơi trú ẩn cho cá trong quá trình ương.
+ Gây màu nước cho ao: Do đặc tính bắt mồi và nhu cầu dinh dưỡng của cá rất lớn ngay từ ban đầu. Do đó, đối với ao ương cá Leo từ cá bột lên cá hương, công tác gây màu nước, tạo thức ăn ban đầu trong ao rất quan trọng, ảnh hưởng lớn để kết quả ương. Để gây màu nước tốt, tạo nguồn thức ăn tự nhiên phong phú đơn vị đã sử dụng phân chuồng, phân xanh và chế phẩm sinh học (EM) để tiến hành gây màu nước cho ao ương.
- Đối với bể ương cá bột lên cá hương: Bể ương được sử dụng là bể Composite, dung tích 5  - 10 m3/bể để ương cá bột lên cá hương.
+ Bể ương được vệ sinh, xử lý sạch sẽ theo đúng qui trình kỹ thuật.
+ Mỗi bể được bố trí 04 sục khí đáy để đảm bảo nhu cầu oxy cho cá.
+ Trong bể bố trí các búi dây nilon, các vật bám ở đáy để làm nơi trú ẩn cho cá trong quá trình ương. Bể được bố trí che bạt kín trong quá trình ương.
+ Sau khi hoàn thiện công tác vệ sinh, chuẩn bị, tiến hành cấp nước vào bể ương với mức nước 0,8 - 1 m nước.
- Đối với ao ương cá giống: các bước chuẩn bị tương tự như đối với ao ương cá hương.
- Trong ương cá leo leo phải bố trí 2 - 3 ao ương cùng lúc để san lọc kích cỡ cá trong quá trình ương san.
5.4.2. Thả giống
- Tốt nhất nên tiến hành thu và thả cá bột vào buổi sáng, trước khi thả cá bột ra ao ương ngâm bọc cá trong ao 10 - 15 phút và thả cá từ từ cho cá thích nghi với môi trường nước ao nuôi.
- Mật độ thả ương:
+ Ương từ cá bột lên cá hương: 80 - 100 con/m2, tùy theo điều kiện ương.
+ Ương từ cá hương lên cá giống: 20 - 40 con/m2, tùy theo điều kiện ương.
- Cá bột đưa ra ao ương phải khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, phân tán nhanh trong ao, sau khi thả cá 30 phút kiểm tra ngẫu nhiên tại các vị trí bất kỳ của ao bằng cách dùng vợt vớt thấy có cá bột trong vợt.
5.4.3. Chăm sóc và quản lý
- Thức ăn cho cá:
+ Ngoài thức ăn từ nhiên trong ao, bể đã được gây màu, bố trí trước, ngay tại thời điểm thả bột cá leo vào ương tiến hành thả kèm cá bột truyền thống cùng để làm thức ăn tươi sống cho cá Leo nhằm hạn chế cá cắn nhau, ăn lẫn nhau.
+ Đối với ương trong bể hàng ngày tiến hành vớt phù du bổ sung vào bể ương để đảm bảo nguồn thức ăn tươi sống cho cá ương. Cho cá ăn đến dư trong bể để tăng cường tần suất bắt mồi cho cá.
+ Giai đoạn 1 - 10 ngày đầu, gồm phiêu sinh động - thực vật phát triển trong ao do dinh dưỡng của phân bón. Phiêu sinh vật phù du là nguồn thức ăn tươi sống rất tốt cho sự phát triển của cá do đó trong ao ương luôn duy trì màu nước xanh. Sử dụng cá tạp, bột đậu tương nấu chín hoặc thức công nghiệp dạng bột có hàm lượng Protein 40 - 44%, hòa nước tạt khắp mặt ao cho cá ăn. Khẩu phần: 200 g thức ăn cho 10.000 con cá bột/ ngày, sau đó tăng dần lượng thức ăn theo nhu cầu ăn của cá để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho cá.
+ Giai đoạn ương 11 - 25 ngày, sử dụng thức ăn công nghiệp dạng mảnh, dạng hạt có kích cỡ phù hợp, có hàm lượng đạm 40% cho cá ăn. Lượng cho cá ăn từ 6 - 8% khối lượng cá, tùy theo mức độ cá trong ao và thức ăn tự nhiên, nhu cầu sử dụng thức ăn của cá. Cho ăn đến dư nhằm luôn có nguồn thức ăn trong ao, không để cá thiếu thức ăn dẫn đến ăn nhau.
+ Giai đoạn ương cá giống: Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng hạt có kích cỡ phù hợp, hàm lượng đạm 40% cho cá ăn. Lượng cho cá ăn từ 4 - 6% khối lượng cá tùy theo mức độ cá trong ao và thức ăn tự nhiên, nhu cầu sử dụng thức ăn của cá để điều chỉnh cho hợp lý.
+ Thường xuyên sử dụng Vitamin C, khoáng và thuốc phòng trị bệnh trộn vào thức ăn để cho cá ăn nhằm phòng bệnh cho cá. Cho cá ăn đến dư thức ăn, không để cá bị đói, thiếu thức ăn dẫn đến cá cắn nhau, ăn lần nhau gây hao hụt cá trong quá trình ương.
- Quản lý ao ương:
+ Đối với ao ương hàng ngày quan sát mực nước, màu nước để điều chỉnh hợp lý. Định kỳ tạt vi sinh xử lý đáy nước ao cũng như tạt thêm chế phẩm sinh học EM để tăng cường gây màu nước, bổ sung lượng thức ăn tươi sống trong ao cho cá, luôn duy trì nước ao có màu xanh nhạt, không để nước ao trong.
+ Đối với ương trong bể hàng ngày tiến hành xiphong, vệ sinh bể và thay nước 40 - 50%, duy trì sục khí thường xuyên.
+ Với cá ương trong bể sau 5 - 7 ngày tiến hành chuyển ra ao ương hoặc san thưa mật độ để hạn chế cá cắn nhau, ăn nhau gây ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá trong quá trình ương.
+ Đối với ương cá bột lên cá hương, sau 10 - 12 ngày ương tiến hành kéo lưới luyện, ép cá, tiến hành lọc, phân cỡ cá chuyển sang ao ương lên cá giống. Định kỳ 3 - 5 ngày tiến hành lọc phân đàn cá một lần để phân cỡ cá và san thưa mật độ ương nhằm hạn chế cá cắn nhau, ăn lẫn nhau dẫn đến hao hụt trong quá trình ương.
+ Từ sau khi lọc phân đàn, chuyển sang ao ương cá giống sử dụng thức ăn dạng công nghiệp dạng mảnh, từ ngày thức 20 sử dụng thức ăn công nghiệp có cỡ hạt 1mm, hàm lượng protein 40% để cho cá ăn.
+ Quá trình lọc phân cỡ cá, chuyển một phần cá hương truyền thống trong ao ương sang ao ương cá giống để làm thức ăn, vật thí mạng cho cá Leo nhằm nâng cao tỷ lệ sống của cá leo trong quá trình ương.
+ Thường xuyên theo dõi màu nước, mức độ bắt mồi của cá và tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
+ Định kỳ sử dụng men vi sinh để xử lý mùn bã hữa cơ ở đáy ao, trong nước ao nhằm tạo môi trường ao ương luôn trong sạch giúp cá phát triển tốt nhất, hạn chế cá bị bệnh gây hao hụt trong quá trình ương.
- Các giải pháp tác động nhằm hạn chế hao hụt cá trong quá trình ương:
+ Sau thời gian ương lên cá hương từ 10 - 15 ngày ương tiến hành lọc cá phân đàn những cá thể lớn ương nuôi riêng hoặc chuyển nuôi thương phẩm. Định kỳ 3 - 5 ngày tiến hành lọc cá 1 lần để hạn chế con lớn ăn cón bé.
+ Sử dụng cá bột truyền thống ương cùng để làm thức ăn cho cá leo giống nhằm hạn chế việc cá leo ăn nhau trong quá trình ương.
+ Tăng cường sử dụng vật trú ẩn bỏ ở đáy ao để cá trú ẩn, hạn chế cắn và ăn lẫn nhau.
5.5. Phòng và trị bệnh cho cá
5.5.1. Công tác phòng bệnh chung
Cá Leo nói chung và trong sản xuất giống cá Leo nói riêng, khi xảy ra bệnh rất khó chữa trị nếu chữa khỏi cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá. Do đó công tác phòng bệnh chung rất quan trọng trong một chu kỳ sản xuất. Để công tác phòng bệnh chung được đảm bảo, cần thực hiện tốt các nội dung sau:
- Vệ sinh, khử trùng ao nuôi, cơ sở vật chất, dụng cụ phục vụ sản xuất giống trước và sau mỗi vụ sản xuất.
- Thả cá với mật độ phù hợp, không nên ương, nuôi với mật độ quá dày dễ làm ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến tăng trưởng, tỷ lệ sống của cá.
- Chọn cá bố mẹ, cá giống khỏe mạnh, trước khi thả ương, nuôi được tắm qua dung dịch nước muối (NaCl) 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút.
- Cung cấp thức ăn đảm bảo chất lượng, đủ số lượng số lượng, đúng chủng loại phù hợp với từng loại cá. Đảm bảo không dư, thiếu thức ăn. Định kỳ bổ sung thuốc bổ, Vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá.
- Đảm bảo môi trường sống tốt cho cá: Chọn nguồn nước không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất.  Thường xuyên vệ sinh ao ương, nuôi, cơ sở vật chất, dụng cụ phục vụ sản xuất bằng các hóa chất, dung dịch khử trùng, sát khuẩn như: BKC, Formol, thuốc tím…
- Trong quá trình ương, cá thường hay bị bệnh ngoài da do đó cần làm tốt công tác quản lý môi trường. Định kỳ 10 - 15 ngày/lần tiến hành tạt vôi để khử trùng ao ương với lượng 2 - 2,5 kg vôi/100 m2 ao.
- Bổ sung thường xuyên Vitamin C, khoáng vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày và định kỳ bổ sung thêm thuốc phòng bệnh cho cá để phòng bệnh, hạn chế cá mắc bệnh trong quá trình ương nuôi.
- Định kỳ sử dụng men vi sinh để xử lý mùn bã hữa cơ ở đáy ao, trong nước ao nhằm tạo môi trường ao ương luôn trong sạch giúp cá phát triển tốt nhất, hạn chế cá bị bệnh gây hao hụt trong quá trình ương.
- Quá trình ương từ cá bột lên cá hương, cá giống nguyên nhân dẫn đến hao hụt lớn là cá cắn nhau, ăn lẫn nhau. Do đó, cần làm tốt công tác lọc, phân đàn cá và sử dụng các giải pháp kỹ thuật để hạn chế cá cắn nhau, ăn lẫn nhau dẫn đến cá bị bệnh, gây hao hụt trong quá trình ương nuôi.
5.5.2. Trị một số bệnh thường gặp trên cá Leo
a) Bệnh xuất huyết do vi khuẩn
- Tác nhân gây bệnh: Tác nhân gay bệnh là do vi khuẩn Aeromonas hydrophila; Pseudomonas fluorescens; Streptococcus sp.
- Dấu hiệu bệnh lý: Khi cá bị bệnh thường có các dấu hiệu sau: Cá kém ăn hoặc bỏ ăn, có các đốm đỏ trên thân. Vây xuất huyết, rách nát. Cơ quan nội tạng có thể xuất huyết có các đốm trắng, ruột xuất huyết, nhiều chỗ hoại tử thối nát.
- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè và mùa thu.
- Phòng trị bệnh:
+ Vệ sinh môi trường nuôi bằng vôi với lượng 2,5 - 3 kg/100 m2 ao hoặc sử dụng thuốc tím với liều lượng 5 ppm để đánh vào ao, bể nuôi.
+ Cung cấp thêm lượng vitamin C với hàm lượng 5g/1 kg thức ăn, cho ăn liên tục trong thời gian trị bệnh.
+ Dùng thuốc Tiên đắc 1 trộn vào thức ăn cho cá ăn với liều lượng 50 g thuốc/25 - 30 kg cá, cho ăn ngay 1 lần và cho ăn liên tục từ 5 - 7 ngày.
+ Có thể dùng một số thuốc kháng sinh đặc trị về vi khuẩn để trị bệnh cho cá theo hướng dẫn sử dụng.
b) Bệnh đốm trắng do vi khuẩn
- Tác nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Edwardsiella tarda, E. ictaluri.
- Dấu hiệu bệnh lý:
+ Cá bị bệnh kém ăn hoặc bỏ ăn, gầy yếu, bụng chướng to, xung quanh miệng có các đám xuất huyết, gốc vây xuất huyết, mắt lồi
+ Giải phẫu cơ quan nội tạng gan, lá lạch, thận bị hoại tử thành những đốm màu trắng đục đ­ường kính 0,5 - 2,5mm, còn gọi là “bệnh đốm trắng”.
- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh:
+ Gây bệnh ở cá da trơn: Cá chiên, cá trê, cá tra, cá ba sa, cá lăng, cá nheo…
+ Bệnh xuất hiện nhiều nhất vào mùa xuân, mùa thu và trong ao nuôi mật độ cao, nuôi cá lồng bè.
- Phòng trị bệnh:
+ Vệ sinh môi trường nuôi bằng vôi với lượng 2,5 - 3 kg/100 m2 ao hoặc sử dụng thuốc tím với liều lượng 5 ppm để đánh vào ao, bể nuôi.
+ Cung cấp thêm lượng vitamin C với hàm lượng 5g/1 kg thức ăn, cho ăn liên tục trong thời gian trị bệnh.
+ Dùng thuốc Tiên đắc 1 trộn vào thức ăn cho cá ăn với liều lượng 50 g thuốc/25 - 30 kg cá, cho ăn ngay 1 lần và cho ăn liên tục từ 5 - 7 ngày.
+ Có thể dùng một số thuốc kháng sinh đặc trị về vi khuẩn để trị bệnh cho cá theo hướng dẫn sử dụng.
c) Bệnh đốm đỏ do vi khuẩn
- Tác nhân gây bệnh: Do nhóm vi khuẩn Aeromonas nhưng thường gặp nhất là vi khuẩn Aeromonas hydrophyla.
- Dấu hiệu cá mắc bệnh:
Bên ngoài: Cá bỏ ăn, bơi lờ đờ tằng mặt, da chuyển màu tối, mất nhớt, hạu môn viêm đỏ lồi ra. Trên thân, gốc vây, quanh miệng có nhiều đốm đỏ, mắt lồi đục, bụng chướng to, vây xơ rách, tia vây cụt, không thấy xuất huyết dưới da.
Bên trong: Xoang bụng, tuyến sinh dục, bóng hơi xuất huyết, gan tái nhợt, mật đen sẫm, ruột không có thức ăn, chứa đầy hơi hoặc xuất huyết rữa nát, chứa đầy mủ. xoang bụng chứa nhiều dịch nhờn, mùi hôi thối.
- Phân bố và lan truyền bệnh: Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng tập trung vào mùa xuân, mùa hè và đầu mùa thu
- Phòng và trị bệnh
+ Tắm cá trước khi thả bằng dung dịch nước muối NaCl) 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút.
+ Dùng thuốc Tiên Đắc 1 cho cá ăn vào mùa thường xuất hiện bệnh: Ngày cho cá 1 lần với lượng 10g/100kg cá, cho ăn liên tục 3 ngày.
+ Chữa bệnh: Dùng Tiên Đắc 1 cho ăn với lượng 50g thuốc/100kg cá , cho ăn liên tục 3 - 5 ngày.
d) Bệnh nấm thuỷ mi
- Tác nhân gây bệnh: Do Saprolegnia, Achlya gây nên.
- Dấu hiệu bệnh lý:
+ Trên da xuất hiện các vùng trắng xám.
+ Nấm phát triển như đám bông.
- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông.
- Phòng trị bệnh:
+ Làm sạch môi trường nuôi.
+ Tắm cá trước khi thả bằng dung dịch nước muối NaCl) 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút.
+ Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt vào nước với nồng độ 2 - 5ppm
5.6. Thu hoạch cá giống
- Sau thời gian ương từ cá bột lên cá giống từ 50 - 60 ngày, cá đạt kích cỡ 8 - 10 cm/con tiến hành lọc, phân loại thu những cá thể đạt kích cỡ xuất bán, chuyển thả nuôi thương phẩm.
- Tiến hành kéo lưới thu dần, khi gần hết cá tiến hành hút ao để tận thu.
- Cá sau khi lọc được chuyển vào nhốt ở bể trước khi xuất 1 ngày để luyện ép cá nhằm đảm bảo cho quá trình vận chuyển, không nên nhốt cá trong bể nhiều ngày, mật độ dày để tránh cá cắn nhau dẫn đến hao hụt.
- Trong quá trình thu cá, thao tác phải nhẹ nhàng, nhanh gọn nhằm hạn chế cá bị xây xát, khi trống cá trong giai để xuất nên trống thưa để hạn chế cá cắn nhau gây xây xát cá làm hao hụt trong quá trình thả nuôi thương phẩm./.

Tác giả bài viết: Thạc sỹ Trương Văn Toản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay9,625
  • Tháng hiện tại332,413
  • Tổng lượt truy cập7,698,728
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây