I - MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỀ NUÔI TÔM THEO QUY TRÌNH BIOFLOC.
1. Biofloc là gì?
Biofloc là dạng phức hợp của vi khuẩn, tảo, mùn xác hữu cơ, nguyên sinh động vật, động vật phù du, giun nhỏ...
Quan sát nước của ao nuôi theo công nghệ biofloc, chúng ta dễ dàng nhận ra các cấu trúc dạng lưới cuộn, lơ lửng trong nước, đó chính là các hạt biofloc.
Màu sắc của biofloc phụ thuộc vào màu sắc của các thành phần cấu thành nên nó và cơ chất carbon dùng để tạo floc. Trong thực tế, màu nâu của mật rỉ đường kết hợp với tảo khuê hoặc tảo lục sẽ khiến cho biofloc có màu nâu, vàng hoặc xanh. Màu thường gặp nhất của biofloc là màu nâu vàng. Màu tối sậm ít gặp trong ao nuôi. Màu trắng đục có thể xuất hiện khi dùng cơ chất carbon là tinh bột và tạo biofloc trong điều kiện thiếu ánh sáng.
Biofloc có giá trị dinh dưỡng tốt cho cả tôm con lẫn tôm trưởng thành trong giai đoạn thành thục sinh dục nhờ các chất có khả năng kích thích tăng trưởng của tôm nuôi và có thành phần acid béo rất khác biệt.
Về mặt cấu trúc, biofloc có dạng lưới cuộn gấp lại nhìn giống như hạt. Kích thước của hạt biofloc có thể đạt 1 - 2 mm. Tuy nhiên hạt floc lớn thường không tồn tại được lâu. Chúng bị vỡ ra dưới tác động của hệ thống sục khí hoặc khuấy đảo nước. Hạt floc càng nhỏ, khả năng lơ lửng càng cao. Cớ hạt floc rất quan trọng vì có thể liên quan đến giá trị dinh dưỡng và khả năng sử dụng của tôm .
2. Nuôi tôm theo công nghệ Floc.
Công nghệ floc đã có từ thập niên 40, đầu tiên công nghệ này được sử dụng để xử lý nước thải dân dụng. Tại Việt Nam, công nghệ floc được dự án CARD VIE062/04 đưa vào ứng dụng trong hệ thống ương nuôi cá biển từ năm 2006.
Năm 2012, cuốn sách “thực hành công nghệ biofloc” của giáo sư Yoram Avnimelech đã được trường Đại học quốc tế tổ chức biên dịch và giới thiệu đến người nuôi trồng thủy sản.
Thời gian sau đó công nghệ floc đã bắt đầu được du nhập vào Việt Nam thông qua hướng dẫn của các chuyên gia nước ngoài, chủ yếu từ Indonesia hoặc do các cơ sở nuôi chủ động tìm hiểu và thử nghiệm. Trong số này có Công ty Hải Dương ở Ninh Thuận, công ty Trường Sơn ở Huế, công ty Thông Thuận, BIM tại Kiên giang, hiệp hội người nuôi tôm Mỹ Thanh và một số cơ sở khác. Từ đó đến nay công nghệ biofloc tiếp tục được một số doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam tiếp tục theo đuổi và phát triển dưới nhiều hình thức, quy mô khác nhau tại các tỉnh như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Mặc dù phạm vi ứng dụng còn chưa nhiều nhưng những thành công của công nghệ biofloc đã góp phần tạo thêm sự lựa chọn mới về công nghệ cho người nuôi tôm.
3. Những lợi ích của công nghệ Biofloc.
Công nghệ biofloc có rất nhiều đặc điểm ưu việt, bao gồm:
3.1. Độ an toàn sinh học cao hơn
Trước hết, khi nuôi tôm theo công nghệ biofloc, tôm sẽ ít bị bệnh hơn. Biofloc là công nghệ nuôi không thay nước nhờ vào khả năng xử lý chất thải hay làm sạch nước của vi khuẩn dị dưỡng và yêu cầu không thay nước để duy trì mật độ cao của vi khuẩn dị dưỡng. Nước đã qua xử lý chỉ được cấp vào ao để bù cho lượng nước thất thoát do bay hơi hoặc siphon chất thải
Để giữ nước, hệ thông nuôi theo công nghệ biofloc phải được lót bạt HDPE hoặc bê tông toàn bộ nền đáy và bờ. Nhờ vậy mà độ an toàn sinh học được cải thiện đáng kể.
3.2. Khả năng tự làm sạch giúp nuôi tôm không cần thay nước.
Vi khuẩn dị dưỡng có khả năng chuyển hóa nhanh các chất thải hữu cơ bao gồm cả NH3 hay NH4|+ thành sinh khối của vi khuẩn khi được cung cấp đầy đủ cơ chất carbon hữu cơ. Đây được coi là mấu chốt quan trọng của công nghệ biofloc: chuyển chất thải thành sinh khối sống của vi khuẩn, vừa làm sạch nước vừa cung cấp thức ăn bổ sung có giá trị dinh dưỡng.
3.3. Biến chất thải thành nguồn dinh dưỡng bổ sung cho tôm nuôi, giảm một phần chi phí thức ăn.
Về mặt dinh dưỡng, hạt floc có giá trị dinh dưỡng rất tốt. Chúng là thức ăn mà tôm nhỏ ưa thích. Tôm Post ương trong bể hoặc ao có biofloc ăn hạt floc hơn là ăn thức ăn côn nghiệp được người nuôi cung cấp. Hệ số chuyển đổi thức ăn (PCR) của các ao nuôi theo công nghệ biofloc thường thấp hơn một phần là nhờ nguồn dinh dưỡng bổ sung này. Quan trọng hơn, biofloc được cho là có tác dụng kích thích tăng trưởng của tôm nuôi. Tôm nuôi trong hệ thống biofloc thường lớn nhanh hơn so với bình thường khoảng 20 - 25%, rút ngắn vụ nuôi.
3.4. Giảm giá thành sản phẩm nhờ giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là về thuốc và hóa chất.
Sự hấp dẫn nhất cảu công nghệ biofloc là cơ hội giảm chi phí sản xuất nhờ hạn chế sử dụng hóa chất, không sử dụng kháng sinh và tiết kiệm chi phí thức ăn, thay nước, xử lý nước. Số liệu thống kê trong 2 năm 2016 và 2017 cho thấy giá thành sản phẩm tôm thu hoạch cỡ 100, 60, 40 và 30 con/kg khi nuôi theo công nghệ biofloc lần lượt là 45.000, 56.000, 62.000 và 70.000 đồng/kg với biên độ dao động khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg.
3.5. Tạo sản phẩm nuôi có chất lượng cao.
Nuôi tôm theo công nghệ biofloc không cho phép sử dụng kháng sinh hay chất diệt khuẩn trong quá trình nuôi. Vì thế sản phẩm tôm thu hoạch từ các ao nuôi theo công nghệ biofloc thường có giá trị cao hơn trên thị trường và được người sử dụng tin tưởng, yên tâm về chất lượng.
4. Những hạn chế của công nghệ Biofloc.
Nuôi tôm bằng công nghệ biofloc không chỉ có những lợi ích như đã kể trên, mà còn một số hạn chế cần hiểu rõ:
- Chi phí đầu tư ban đầu khá lớn
- Rủi ro lớn khi hệ thông quạt nước, sục khí bị trục trặc hoặc mất nguồn điện;
- Khả năng tiếp cận công nghệ của cán bộ kỹ thuật;
- Sự khác biệt của quần xã sinh vật tự nhiên giữa các vùng nuôi;
III - QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI TÔM THEO CÔNG NGHỆ BIOFLOC TRONG LỒNG NỔI.
1. Lựa chọn địa điểm.
- Địa điểm nuôi phải đảm bảo diện tích để đặt lồng nuôi, ao, bể xử lý nước cấp, xử lý nước, chất thải trong quá trình nuôi và sau thu hoạch.
- Có nguồn nước mặn và nước ngọt đầy đủ, chủ động, thuận tiện cho việc nước cho hệ thống bể nuôi.
2. Chuẩn bị lồng nuôi.
- Lồng nuôi có dạng hình tròn hoặc elip có độ dốc về giữa i=3% để thuận tiện cho việc gom chất thải trong lồng nuôi dễ dàng, có hố siphon, van xả đáy để xả đáy trong quá trình nuôi, phải làm mái che mưa nắng có thể thu gọn khi cần.
- Nền đất đặt lồng phải chắc chắn, có cao trình và tạo độ dốc để tránh hiện tượng lún lệch trong quá trình sử dụng. Diện tích lồng nuôi: từ 100 - 1.000 m3 tùy thuộc vào vị trí mặt bằng và khả năng tài chính đầu tư nuôi.
- Lắp đặt hệ thống sục khí với 30 đầu khí tùy diện tích lồng, cần có mũi thuyền hay airlift để hướng dòng. Tốt nhất là có hệ thống 2 máy nối với nhau để khi hỏng hóc có để thay thế ngay. Máy con sò áp lực yếu hơn nhưng hơi ấm hơn máy suplang. Đối với nuôi thương phẩm phải có hệ thống quạt nước (nên lắp 1 - 2 gian quạt loại 3 phao, 4 cánh tùy thuộc vào diện tích lồng nuôi), không nên dùng quạt nước ở bể ương gièo nổi vì vận tốc dòng chảy lớn quá sẽ ảnh hưởng đến khả năng bắt mồi của tôm giống.
- Nên đặt 1 vòng ống aerotube đường kính khoảng 1m ở giữa hố xiphong mục đích là để thức ăn khỏi thất thoát xuống hố. Trước khi xiphong 20 phút khóa hơi ở vòng aerotube đó lại, chất thải sẽ được gom sạch vào rốn.
- Có hệ thống điện và máy phát điện dự phòng, có hệ thống báo khi mất điện.
- Các thiết bị đo, testkit: Oxy, khoáng, pH, Kiềm, NH3, N02, nhiệt độ, độ mặn, phễu lắng…
- Một bể chứa nước để xử lý cấp bù với thể tích bằng bể nuôi để có thể thay 100% nước khi cần.
Hình 1: Hệ thống lồng nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng
3. Vệ sinh hệ thống lồng nuôi.
Trước mỗi vụ nuôi toàn bộ hệ thống cần được vệ sinh sạch sẽ, loại trừ mầm bệnh. Cụ thể như sau:
+ Tháo cạn nước, dùng máy bơm cao áp loại rửa xe máy xịt rửa bạt cho thật sạch. Lưu ý nên rửa ngay khi bạt còn ướt. Phơi nắng từ 3 - 7 ngày.
+ Phun chlorine 50ppm các trang thiết bị trong ao, khu vực lân cận. Rửa sạch và ngâm dụng cụ trong dung dịch chlorine 50ppm tối thiểu 30 phút rồi đem phơi nắng.
+ Khi kết thúc vụ nuôi cần rửa hệ thống ống siphon, đảm bảo các chất thải hữu cơ hoặc nước dơ không nằm trong đường ống. Các chất này sẽ phân hủy, gây mùi hôi thối và có thể tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
4. Yêu cầu nguồn nước và xử lý nước.
+ Nguồn nước phục vụ nuôi tôm nên có trữ lượng đủ lớn, đảm bảo cho toàn bộ vụ nuôi, xa nguồn ô nhiễm và tương đối trong sạch. Hàm lượng chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng thấp, hàm lượng NH3-/NH4+ hoặc H2S không đáng kể. Độ mặn tốt nhất để áp dụng Biofloc là 18 - 35 ppt, lý tưởng nhất là ở mức 20 - 25 ppt. Ở độ mặn 5 - 10 ppt biofloc khó phát triển hơn và dễ bị chìm do tỷ trọng của nước lợ nhạt không cao. Nước bề mặt tốt hơn là nước ngầm.
+ Bơm nước từ nguồn hoặc ao lắng qua túi vải lọc 300 µm vào bể lọc cát để cấp cho ao xử lý cấp bù hoặc ao ương, ao nuôi. Lưu lượng bơm cần tương thích với công suất của hệ thống lọc. Về nguyên tắc, tốc độ lọc càng chậm thì hiệu suất lọc càng cao. Lưu ý, nước dùng cho ao nào thì xử lý ngay tại ao đó để tăng hiệu quả xử lý và giảm chi phí bơm qua lại. Chỉ có nước cấp bù hoặc dùng để thay mới được xử lý tại ao xử lý cấp bù. Nếu có pha nước mặn với nước ngọt để tạo nước ngọt cần thiết thì cần làm trong giai đoạn này.
+ Để nước trong ao 2 - 3 ngày mới tiến hành diệt tạp bằng saponin, liều lượng tối thiểu 50 kg/1000 m3. Tiếp theo xử lý bằng Chlorine của Ấn độ hoặc Nhật với liều lượng 25 - 30 kg Ca(ClO)2 70% cho mỗi 100 m3 nước cần xử lý tùy theo độ dơ của nước. Thời điểm diệt khuẩn là vào buổi chiều (15 - 16h) khi nhiệt độ nước thường đạt mức cao nhất. Độ pH của nước càng thấp hiệu quả diệt khuẩn của chlorine càng cao; cao nhất ở pH , 7,5. Vì thế không nên nâng pH của nước ao trước khi xử lý. Hòa Chlorine trong nước ngọt, khuấy đều cho tan hết, tạt đều khắp ao, chạy quạt khí để đảm bảo chlorine phát tán tốt.
+ Chạy quạt mạnh liên tục trong 3 ngày (72 giờ) để loại bỏ hết dư lượng chlorine trong nước. Nếu trời âm u, có thể kéo dài thêm giai đoạn này khoảng 1 - 2 ngày cho đến khi hết hẳn chlor. Để biết chắc chăn hết chlor cần sử dụng giấy thử hoặc test. Về cảm quan, nước xử lý tốt có độ trong rất cao. Nếu thay đổi chất diệt khuẩn hoặc nhà cung cấp chlorine, cần phải lấy mẫu nước trước và sau khi xử lý để gửi xét nghiệm mật độ khuẩn Vbrio tổng số, đánh giá hiệu quả diệt khuẩn một cách chính xác.
+ Tiếp theo dùng dolomite CaMg(CO3) để tọa độ kiềm tối thiểu là 100 mg CaCO3/L hoặc lý tưởng là 120 CaCO3/L cho nước trong ao xử lý cấp bù. Liều lượng tùy thuộc vào nguồn nước.
+ Tiến hành chà bạt toàn bộ bờ ao và đáy ao sau khi đã xử lý bằng dolomite để loại bỏ các chất lắng cặn không tan. Chạy quạt để gom chúng lại khu vực giữa ao rồi sipon ra để loại bỏ. Kiểm tra lại các thông số môi trường quan trọng như độ kiềm, độ mặn, pH và nhiệt độ. Nếu tất cả đều nằm trong khoảng phù hợp thì có thể sử dụng để cấp bù, thay hoặc bắt đầu tạo biofloc, thả tôm.
5. Nuôi tăng sinh vi khuẩn tạo biofloc.
+ Việc nuôi tăng sinh vi khuẩn tạo biofloc nhằm tạo một lượng lớn vi khuẩn dị dưỡng (đã được chọn lọc) để đưa xuống ao ngay sau khi kết thúc khâu xử lý nước và hiệu chỉnh pH, độ kiềm hoặc bổ sung liên tục trong quá trình nuôi. Mật độ cao của vi khuẩn dị dưỡng trong môi trường nuôi sẽ giúp chúng chiếm ưu thế, thúc đẩy nhanh hơn quá trình hình thành biofloc.
+ Cách thức thực hiện như sau: bơm 120 lít nước đã xử lý, có cùng độ mặn hoặc nước ao đang nuôi vào thùng nhựa 200 lít. Cho thêm 10 lít mật rỉ đường và một gói vi sinh tạo biofloc chức năng (250 g nếu sử dụng Chính Floc, 500 g nếu sử dụng BKT – FLOC), khuấy đảo thật đều rồi sục khí liên tục 24 giờ. Bọt khí cần phải mịn, đều và đủ mạnh để vật chất không bị lắng trong thùng. Trong quá trình tạo biofloc trước khi thả tôm và 15 ngày đầu của vụ nuôi, cần ngân 200 gram thức ăn tôm, bóp thật nhuyễn cho vào thùng nuôi tăng sinh từ đầu để cung cấp nguồn Nito cho vi khuẩn. Từ ngày nuôi thứ 15 trở đi không cần thức ăn vào nữa nếu dùng nước ao đang nuôi. Người nuôi đã có kinh nghiệm có thể ủ một phần thức ăn số 0 trong thùng nuôi tăng sinh vi khuẩn dị dưỡng để làm thức ăn cho tôm con thay vì rải vào ao ương. Trong giai đoạn ương, giá trị dinh dưỡng của biofloc cũng sẽ được cải thiện đáng kể nếu bổ sung thêm 100 g men bánh mì tươi và ¼ trái thơm chín băm nhuyễn.
+ Sau 24 giờ sục khí mạnh, khi thấy bọt trắng nổi tràn mặt thùng, mùi mật rỉ không còn nhiều như trước, pH cỡ 4,5 - 5,0 thì có thể bơm dịch tăng sinh xuống ao. Liều lượng áp dụng dao động từ 30 - 50 lít/100 m3 tùy thuộc vào thời điểm (trước khi thả tôm hay sau khi thả, lúc muốn tăng hay giảm mật độ biofloc trong nước ao), yêu cầu xử lý chất thải và diễn biến chất lượng nước.
6. Tạo biofloc trong ao ương hoặc ao nuôi.
+ Để tạo biofloc trong lồng ương hoặc lồng nuôi trước hết cần vận hành hệ thống sục khí đáy và quạt nước để làm giàu oxy hòa tan, đồng thời tạo độ khuấy đảo cần thiết. Ở đầu vụ, khi sinh khối của tôm còn thấp, mật độ biofloc chưa cao, kích thước hạt biofloc còn nhỏ chúng ta chỉ cần vận hành khoảng 50% công suất của hệ thống quạt nước là đủ. Chi phí điện năng sẽ giảm đáng kể nếu sử dụng một con rùa đảo nước, đặt gần trung tâm của lồng.
+ Tiếp theo, đưa vi khuẩn dị dưỡng đã được tăng sinh trong thùng nhựa xuống ao và bổ sung mật rỉ đường vào khoảng 8 - 9h sáng. Lượng sử dụng mỗi ngày là 120 lít dịch vi khuẩn tăng sinh và 15 lít mật rỉ cho một ao ương diện tích 500 - 800 m2. Làm liên tục trong 5 ngày thì có thể thả tôm giống. Ngày đầu tiên khi đưa hỗn hợp xuống ao cần sử dụng thêm 25 - 30 kg bột zeolite loại tốt.
+ Khi mật độ biofloc đã đạt cỡ 0,5 mg/l trở trên giảm chỉ còn 25% mỗi ngày. Tương tự, khi mật độ biofloc đã đạt mức 0,5 ml/l thì lượng mật rỉ cần bổ sung vào ao hàng ngày tương đương 30% tổng lượng thức ăn đã sử dụng ngày hôm trước. Ví dụ: ao nuôi sử dụng 40 kg thức ăn/ngày sẽ cần bổ sung 40 – 30% = 12,0 lít mật rỉ. Có thể tăng hoặc giảm lượng mật rỉ khi cần thúc hoặc giảm sự phát triển của vi khuẩn dị dưỡng (được phán đoán thông qua mật độ biofloc, diễn biến pH, độ kiềm, oxy hòa tan, hàm lượng NH3/NH4+ và NO2- của nước ao nuôi) hay kiểm soát sự phát triển của tảo. Về cơ bản, cần hạn chế tối đa các thay đổi mang tính đột biến, kể cả việc bổ sung vi khuẩn dị dưỡng hay mật rỉ vào ao nuôi.
+ Theo công nghệ Floc, mật độ biofloc cần duy trì là từ 1,5 - 2,5 ml/l nước ao. Khi mật độ có dấu hiệu giảm, cần tăng thêm lượng mật rỉ đường, dịch tăng sinh vi khuẩn tạo biofloc và bổ sung zeolite bột. Khi thời tiết thay đổi bất lợi hoặc mắc lỗi về kỹ thuật (tắt quạt, thiếu oxy hòa tan, quên không bổ sung mật rỉ,…) biofloc có thể chết và lắng khiến cho chất lượng nước xấu đi. Lúc này cần phải nhanh chóng siphon chúng ra ngoài, thay một phần nước ao và tạo lại biofloc.
7. Phương pháp ủ EM.
+ Trộn 2 lít EM với 4 lít mật rỉ đường và 18 lít nước ao đang nuôi hoặc nước sạch. Khuấy thật đều rồi cho vào thùng nhựa, đậy kín nắp hoặc dùng tấm nilon bịt chặt lại. Sau 48 giờ, khi thấy bọt khí nổi nhiều, ngửi có mùi thơm nhẹ, pH giảm về 4,5 - 5,0 thì bổ sung thêm 5 lít mật rỉ đường rồi thêm nước ao cho đạt mức 50 lít. Khuấy thật đều rồi bịt kín nắp. Ủ thêm 3 ngày nữa là có thể sử dụng.
+ Dùng 5 ngày/lần từ ngày thứ 30 của vụ nuôi để khử khí độc và bọt. Liều dùng là 10 - 15 lít/lần cho 500 m2 diện tích bể nuôi vào khoảng 9h sáng. Chạy quạt để khuấy đảo và phát tán lợi khuẩn. Nếu nước bẩn, đáy nhiều chất thải thì có thể tăng liều dùng lên gấp 2 - 3 lần.
+ EM sau khi ủ có thể trộn với thức ăn (20 ml cho mỗi kg) để giúp tôm tiêu hóa tốt, có đường ruột lớn, hoặc ủ với tỏi để cho ăn hỗ trợ phòng bệnh đốm trắng.
8. Thả giống.
Bể sau khi đã lắp đặt hoàn thiện, tiến hành cấp vào bể, xử lý bằng Chlorin, saponin, edta.. sục khí trước 3 - 5 ngày.
Tôm giống đã được thuần độ mặn, đưa về thả bọc tôm trên mặt nước 30 phút cho quen với nhiệt độ nước, rạch bọc tôm để thả vào bể ương nuôi.
Có thể tiến hành ương tôm giống trong bể lên kích cỡ lớn sau đó san thưa ra các bể muôi khác hoặc ao nuôi cũng có thể nuôi thương phẩm trực tiếp trong bể.
a) Giai đoạn 1: Ương tôm giống
+ Khi nước trong ao ương đã có màu nâu kaki sáng, quan sát được hạt biofloc kích thước li ti lơ lửng đều và độ pH khoảng 7,9 - 8,2 thì tiến hành thả tôm. Thời điểm thả là vào buổi sáng sớm. Mật độ ương tùy thuộc vào tổng diện tích ao sẽ tiến hành nuôi pha 2, có thể dao động từ 500 - 2.000 PL/m2, tốt nhất là 1.000 - 1.200 con/m2. Mức nước trong ao nuôi khoảng 1,0 - 1,1 m.
+ Cho tôm ăn bằng tay mỗi ngày 4 -5 cữ theo hướng dẫn của công ty cung cấp thức ăn. Nếu kết hợp ủ thức ăn số 0 trong thùng tăng sinh, thì cần trừ đi lượng này khi cho tôm ăn. Lượng thức ăn tối đa có thể ủ là 3 kg/thùng. Tôm con rất ưa thích biofloc. Khi biofloc đã phát triển trong ao ương tôm sẽ sử dụng biofloc là chính.
+ Vận hành hệ thống sục khí đáy và chạy 1 giàn quạt nước 24/24. Nếu sử dụng ao nuôi có diện tích 1.200 - 1.500 m2 để ương thì có thể thay giàn quạt nước bằng con rùa đảo nước để tiết kiệm chi phí điện. Hàng ngày bổ sung dịch tăng sinh vi khuẩn tạo biofloc và mật rỉ lúc 8 - 9h sáng, 5 - 7 kg khoáng tạt lúc 4 - 5 h chiều. Bịt lưới ruồi vào đầu ống siphon để siphon bằng tay 2 - 3 ngày một lần trong tuần đầu tiên. Từ tuần thứ 2 trở đi, siphon hàng ngày. Thời điểm siphon là 4h chiều. Hàng ngày kiểm tra sức khỏe tôm, đo đạc các thông số môi trường để theo dõi diễn biến phát triển của biofloc và chất lượng môi trường nước.
+ Tốc độ tăng trưởng của tôm giai đoạn ương phụ thuộc vào khả năng kiểm soát môi trường của người nuôi, mật độ ương, chất lượng và nguồn gốc của tôm giống. Thông thường sau 30 ngày tôm đạt cỡ 600 – 800 con/kg. Mật độ càng cao, tốc độ tăng trưởng càng chậm. Lúc này có thể tiến hành thu để chuyển qua các ao nuôi. Nếu kỹ thuật thu hoặc chuyển tôm không tốt, tôm sẽ bị tổn thương, hao hụt nhiều. Vì thế cần hết sức thận trọng.
b) Nuôi thương phẩm.
+ Thả nuôi với mật độ 200 con/m2. Đây là mật độ tối ưu về lợi nhuận và mức độ đơn giản trong quản lý cho một vụ nuôi chuẩn 75 - 90 ngày nuôi. Người nuôi đã có kinh nghiệm, có khả năng quản lý chất lượng nước tốt và định hướng thu tỉa để đạt năng suất cao hơn có thể nâng mật độ lên 300 - 400 con/m2. Cần lưu ý là mật độ nuôi càng cao, lượng thức ăn đưa vào hệ thống và chất thải hàng ngày đều tăng. Nhu cầu oxy hòa tan, khoáng chất cũng tăng theo tỉ lệ với sinh khối của tôm nuôi. Chất lượng nước vì thế có thể thay đổi rất nhanh, kéo theo nhiều rủi ro.
9. Chăm sóc, quản lý.
9.1. Thức ăn.
Sử dụng thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho tôm thẻ có hàm lượng đạm và kích cỡ thức ăn phù hợp với giai đoạn phát triển của tôm. Nên sử dụng thức ăn có chất lượng tốt, giàu đạm để hạn chế tối đa thức ăn trong quá trình nuôi, tôm ăn ít nhưng vẫn đủ chất và hấp thu được tối đa dinh dưỡng đảm bảo cho sự phát triển từ đó giảm được lượng chất thải ra ao nuôi, giảm chi phí xử lý, tăng hiệu quả vụ nuôi.
- Cho tôm ăn nếu nuôi bằng quy trình biofloc hoặc semi-biofloc thì thức ăn rất ít, trong ngày đầu tiên chỉ cần 1kg/1tr PL. mỗi ngày tăng lên 100 - 200gram.
- Giai đoạn 5 - 20 ngày tuổi cho ăn 4 - 5 lần/ngày, lượng thức ăn bằng 80 - 90% lượng thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Giai đoạn trên 20 ngày tuổi cho tôm ăn 4 lần/ngày vào 6, 11, 15 và 18 giờ trong ngày, lượng thức ăn được điều chỉnh theo thực tế tiêu thụ thức ăn thông qua sàng ăn (vó kiểm tra thức ăn), điều kiện môi trường, thời tiết và duy trì chế độ cho ăn cho đến khi thu hoạch tôm.
- Đối với nuôi tôm thẻ thương phẩm trong bể nổi theo công nghệ Biofloc việc áp dụng chặt chẽ quy trình quản lý thức ăn thì hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) dao động từ 1.1 - 1.3 kg thức ăn/kg tôm thương phẩm.
- Nhu cầu khoáng cũng rất lớn, tuy nhiên cần chia nhỏ để tạt và trộn cho ăn nhiều lần làm sao tỷ lệ Ca2+:Mg2+:K+ phải luôn đảm bảo ở khoảng (1:3:1)theo từng độ mặn thì tôm mới có thể hấp thu được. Các loại khoáng bổ sung trong quá trình nuôi như: Bio vitamic, khoáng, Azomite là loại khoáng vi lượng trộn vào thức ăn và tạt vào nước hàng ngày cũng không thể thiếu.
+ Liệu lượng Bio vitamic, khoáng trộn vào thức ăn cho ăn hàng ngày: 5g/kg thức ăn.
+ Liều lượng và thời gian khoáng tạt vào bể nuôi: theo hướng dẫn từng loại của nhà sản xuất.
- Cho tôm ăn phòng ngừa các bệnh về gan và đường ruột trong suốt trình nuôi bằng thuốc bổ gan, hỗ trợ đường ruột với hàm lượng 2 - 3g/kg thức ăn hoặc bổ sung thêm vitamin tổng hợp, EM chuối và EM tỏi nhằm tăng cuonwgf khả năng kháng bệnh cho tôm nhất là vào mùa lạnh.
- Hàng ngày quan sát hoạt động bắt mồi và sức khỏe của tôm trong ao, xem biểu hiện bên ngoài của tôm thông qua màu sắc, phụ bộ, thức ăn trong ruột,…để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường kịp thời xử lý.
9.2. Quản lý bể nuôi.
- Mật độ biofloc cần duy trì trong giai đoạn này là từ 1,5 - 2,5 ml/l. Hàng ngày phải bổ sung dịch tăng sinh vi khuẩn tạo biofloc, mật rỉ đường 25 – 30 % lượng thức ăn và khoáng tạt. Định kỳ 5 ngày một lần sử dụng EMG đã ủ với liều lượng 10 – 15 lít/1.000 m2 để kiểm soát khí độc. Thời điểm sinh vi khuẩn tạo biofloc và mật rỉ đường xuống ao. Siphon chất thải 1 – 2 lần/ ngày, buổi sáng vào lúc 7h, buổi chiều lúc 16h. Nếu chỉ siphon chất thải 1 – 2 lần/ ngày nên siphon bằng tay để có thể kiểm tra sự tích lũy chất thải trên nền đáy ở khu vực giữa ao và nhanh chóng có điều chỉnh nếu cần thiết. Tăng số lần siphon trong ngày nếu thức ăn thừa hoặc lượng chất thải tăng đột biến. Thực hiện tốt tất cả các biện pháp kỹ thuật này, hàm lượng NH3, NO2- và H2S sẽ được kiểm soát, luôn nằm ở mức an toàn.
- Việc quản lý chất lượng nước, duy trì các thông số môi trường trong khoảng tối ưu được ưu tiên hàng đầu. Nước tốt, tôm mới khỏe, mau lớn, không bị stress, bị bệnh. Hàm lượng oxy hòa tan phải được duy trì ở mức tối thiểu là 5 mg/l trong suốt thời gian nuôi. Càng về cuối vụ khi sinh khối của tôm, lượng thức ăn và chất thải tăng dâng, khả năng thiếu hụt oxy càng lớn. Ngoài hệ thống sục khí đáy hoạt động 24/24, về đêm từ 22h đến 3h sáng cần chạy tất cả các giàn quạt của ao.
- Đảm bảo khả năng thu gom chất thải về hố siphon. Nhanh chóng loại bỏ chất thải ra khỏi ao bằng cách siphon. Kiểm tra lượng và thành phần chất thải được siphon ra. Nếu thấy thức ăn thừa, ngay lập tức giảm khẩu phần ăn. Nếu thấy xác tôm chết còn tươi với số lượng đáng kể (50 -100 con hoặc hơn), cần kiểm tra các thông số môi trường như oxy hòa tan, độ kiềm, khí độc H2S hay NH3, hàm lượng NO2- và quan sát tình trạng sức khỏe của tôm trong nhá, trong ao để kịp thời khắc phục. Khi kiềm thấp hơn 100mg CaCO3/l thì dung trong ao để kịp thời khắc phục. Khi kiềm thấp hơn 100 mg CaCO3/l thì dung NaHCO3 để nâng nhanh, sau đó bổ sung dolomite liên tục một vài ngày cho đến khi ổn định. Từ ngày nuôi thứ 45 trở đi, cần giám sát chặt chẽ sự hình thành của khí độc trong ao nuôi, tăng cường siphon và bổ sung EMG đã ủ để xử lý H2S khi cần thiết. Tạt khoáng xuống ao mỗi ngày vào lúc 16: 00. Liều lượng là 5 kg/1.500 m2, có thể tăng lên 10 - 20 kg/ngày vào thời điểm tôm sắp hoặc đang lột xác.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe của tôm nuôi: gan tụy, đường ruột, các phụ bộ, màu sắc than tôm, độ trong và mỏng của vỏ, hoạt động bơi lội. Tỉ lệ sống có thể ước tính qua lượng thức ăn mà tôm tiêu thụ hàng ngày, kết hợp với ước lượng về kích thước của tôm bằng cahcs dung thước đo quy đổi. Theo kinh nghiệm, để ước đoán chính xác số lượng tôm còn trong ao nên soi đèn kiểm tra vào buổi tối. Tỉ lệ sống thông thường ở mức 90 % hoặc hơn. Phần hao hụt chủ yếu là ở tháng nuôi thứ 3, khi môi trường nuôi có chiều hướng xấu đi do lượng chất thải quá lớn. Theo quy trình Biofloc, tôm sẽ đạt cỡ 600 - 800 con/kg khi kết thúc giai đoạn ương (30 ngày đầu), 110 – 130 con/kg ở ngày nuôi 45, 70 - 80 con/kg ở ngày nuôi 60, 40 -50 con/kg ở ngày nuôi 75 với mật độ nuôi chuẩn là 200 con/m2. Nuôi đến ngày thứ 90, tôm đạt cỡ 33 - 35 con/kg. Tốc độ tăng trưởng nhanh hay chậm phụ thuộc vào chất lượng tôm giống và khả năng kiểm soát môi trường của người nuôi. Tốc độ tăng trưởng tốt nhất đã từng đạt được là 100 con/kg sau 45 ngày nuôi và 37 con/kg sau 70 ngày nuôi.
10. Thu hoạch
Thời gian nuôi thường khoảng 90 - 120 ngày tuổi, tùy vào thời điểm giá cả thị trường, sức khỏe tôm trong ao nuôi, nhu cầu của người nuôi và chất lượng ao nuôi. Khi tôm nuôi đạt trọng lượng từ 15 - 25 g/con thì có thể tiến hành thu hoạch./.