QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ RÔ PHI LAI XA DÒNG ISRAEL TẠI NGHỆ AN

Thứ tư - 24/03/2021 02:56 368 0
I. Một số đặc điểm sinh học cá rô phi lai xa dòng Israel
1. Hệ thống phân loại:
Ngành: Chordata (Động vật có dây sống)
Lớp: Actinopterygii (Cá vây tia)     
    Bộ: Perciformes  (Cá vược)
                   Họ: Cichlidae (Cá hoàng đế)
   Giống: Oreochromis (Cá mẹ ấp trứng trong miệng)
      Loài cá rô phi lai xa dòng Israel
2. Đặc điểm hình thái:
Cá rô phi lai dòng Israel toàn thân phủ vảy, ở phần lưng có màu xanh nhạt, phần bụng có màu trắng ngà hoặc xanh nhạt. Trên thân có từ 7 - 9 vạch chạy từ phía lưng xuống bụng. Các vạch đậm dọc theo vây đuôi ở từ phía lưng xuống bụng rất rõ. Cá Rô phi lai xa dòng Israel là loài có kích cỡ thương phẩm lớn, có tốc độ tăng trưởng nhanh.
3. Môi trường sống:
Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển của cá Rô phi từ 20 - 320C. Cá Rô phi dòng Israel chịu lạnh tốt, cá vẫn tăng trưởng khi nhiệt độ nước 100C tuy nhiên tốc độ tăng trưởng chậm vì ở nhiệt độ thấp cá giảm ăn.
Độ mặn: Cá Rô phi là loài rộng muối, có khả năng sống được trong môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Tuy nhiên độ mặn càng cao thì  tốc độ tăng trưởng càng chậm.
pH: Môi trường có độ pH từ 6,5 - 8,5 thích hợp cho cá Rô phi, nhưng cá có thể chịu đựng trong môi trường nước có độ pH thấp bằng 4, cao đến 12.
Oxy hoà tan: Cá Rô phi có thể sống được trong  ao, đìa có màu nước đậm, mật độ tảo dày, có hàm lượng chất hữu cơ cao, có khả năng chịu đựng được độ hoà tan ôxy trong thuỷ vực thấp tới 0,3mg/ lít.
4. Đặc điểm dinh dưỡng:
Cá Rô phi là loài cá ăn tạp có phổ thức ăn rộng. Thức ăn của chúng gồm: Động thực vật phù du, thực vật thủy sinh, động vật đáy, mùn bã hữu cơ, các loại thức ăn tự chế biến từ ngũ cốc, phế phẩm thủy hải sản và thức ăn công nghiệp. Thức ăn của cá Rô phi thay đổi theo giai đoạn phát triển của cá thể. Khi còn nhỏ, cá Rô phi ăn sinh vật phù du (tảo và động vật nhỏ) là chủ yếu (cá 20 ngày tuổi, kích thước khoảng 18mm).
5. Đặc điểm sinh trưởng:
Cá rô phi lai dòng Israel có tốc độ tăng trưởng nhanh. Tốc độ sinh trưởng của cá Rô phi lai xa phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Trong điều kiện nuôi phù hợp, cho ăn thức ăn công nghiệp đủ hàm lượng đạm (tối thiều 28%Protein), tùy từng giai đoạn, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 130 - 180 g/cá thể/tháng.
II. Phạm vi, đối tượng áp dụng:
1. Phạm vi áp dụng:
Quy trình này được áp dụng cho mô hình nuôi thương phẩm cá rô phi lai xa dòng Israel trong điều kiện Nghệ An.
2. Đối tượng áp dụng:
Quy trình được áp dụng cho đối tượng là cá rô phi lai xa dòng Israel giai đoạn nuôi thương phẩm.
III. Căn cứ của quy trình:
- Kết quả nghiên cứu của dự án chuyển giao: Sản xuất giống cá rô phi đơn tính đực bằng công nghệ lai khác loài phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu (2006 - 2007).
- Kết quả của dự án: Sản xuất cá rô phi giống đơn tính đực bằng phương pháp lai xa khác loài (2010 - 2012).
- Kết quả của dự án: Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi cá rô phi giống lai xa dòng Israel thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp tại Quỳnh Lưu, Nghệ An (2013-2015).
IV. Nội dung thực hiện:
1. Lựa chọn ao nuôi:
Một số tiêu chí để lựa chọn các mô hình nuôi cá Rô phi năng suất 13-15 tấn/ha phù hợp với điều kiện Nghệ An:
- Áp dụng cho các hộ có điều kiện nuôi tốt, có khả năng đầu tư thức ăn  công nghiệp, có kinh nghiệm và có điều kiện đầu tư các thiết bị phụ trợ như quạt nước, máy sục khí…
- Thuộc vùng có tiềm năng và có định hướng quy hoạch phát triển vùng nuôi cá Rô phi tập trung .
- Nguồn nước cấp đảm bảo trong lành và có hệ thống cấp và thoát nước chủ động, không bị ngập úng, pH đất 6,5 - 8,5
- Giao thông thuận lợi, an ninh tốt.
- Có hệ thống điện dân dụng đến tại ao nuôi.
- Ao phải quang đãng không cớm rợp và không gần khu dân cư, khu công nghiệp...
- Ao nuôi có hình chữ nhật hoặc hình vuông
- Ao có diện tích ao 2.000 - 10.000m2, phù hợp 5.000 – 8.000 m2
- Độ sâu mực nước 1,8 - 2,5 đáy ao dốc về cống thoát 1%
- Bờ có hệ số mái 1 - 1,5 vững chắc không rò rỉ (nếu kè bờ ao bằng các vật liệu chống sạt lở như bê tông, kè đá… càng tốt)
- Mặt bờ rộng 1,5 - 3m và cao hơn mực nước cao nhất trong ao khoảng 0,5 - 0,6m.
- Ao nuôi có cống cấp và cống thoát riêng biệt khẩu độ miệng cống 20 - 30cm.
2. Chuẩn bị và cải tạo ao nuôi:
Đây là khâu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất sản lượng và hiệu quả của ao nuôi, do vậy trong quá trình chuẩn bị ao nuôi cần phải:
- Tháo cạn nước trong ao nuôi, vét bùn, tạo đáy bằng phẳng và bón vôi bột với liều lượng 7 - 10kg/100m2 (nếu ao bị nhiễm phèn thì tăng lượng vôi 12 - 15 kg/100m2)
-  Phơi đáy ao 3 - 5 ngày ngày để tạo độ xốp và cho bay hơi, loại bỏ các chất độc tích tụ, lắng đọng của các vụ nuôi trước để lại.
- Lấy nước vào qua túi lọc tạp đến đạt mức tối đa.
3. Thả giống:
Với điều kiện ao hồ tại các vùng nuôi tai Nghệ An đa số là đáy bùn, việc cải tạo vét bùn hàng năm gặp nhiều khó khăn; trong quá trình nuôi sinh vật phù du phát triển mạnh nên cần ghép một số loài cá truyền thống trong ao nuôi cá rô phi để cải thiện môi trường nuôi; đối tượng ghép chủ yếu là: cá chép, cá mè trắng, cá mè hoa.
a) Cỡ giống, mật độ nuôi:
Cá giống Rô phi lai xa dòng Israel: cá đồng đều, khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh lý, không bị dị hình, phản xạ tốt, cá có màu sáng.
- Cỡ cá giống: 3 - 5 cm
- Mật độ thả nuôi: 2 - 2,5 con/m2.
- Ghép cá truyền thống: 3 - 5 % (Cá Chép, cá Mè trắng, cá Mè Hoa)
b) Cách thả giống:
- Kiểm tra môi trường nước trước khi thả giống qua các chỉ tiêu: Ô xy, H2S, pH..
- Kiểm tra chất lượng nước bằng cảm quan: Lấy 5 - 10 lít nước ao cho vào chậu rồi thả 20 - 30 con cá  sau 30 - 60 phút cá  hoạt động bình thường điều đó chứng tỏ chất lượng nước đảm bảo. Nếu thấy cá trong chậu có những dấu hiệu khác thường như vừa thả xong cá quẫy mạnh, nhảy lung tung hoặc bơi lờ đờ không định hướng điều đó chứng tỏ nước bị trúng độc cần phải súc rửa và cải tạo lại ao từ đầu.
- Cá thả vào thời điểm  mát trời; không thả vào sáng sớm, trời mưa rào.
- Cần thả cá đầu hướng gió.
- Tránh hiện tượng cá bị sốc môi trường giữa môi trường nước trong dụng cụ vận chuyển cá với môi trường ao nuôi bằng cách trước khi thả cần phải ngâm bì ( nếu lấy giống xa) khi thả cho nước ngoài ao từ từ vào dụng cụ vận chuyển cá.
- Trước khi thả giống cần phải tắm cá bằng dung dịch nước muối 2 - 3% trong thời gian 5 – 10 phút.  
c) Mùa vụ:
Do đặc tính của cá Rô phi chịu lạnh kém, bệnh xuất huyết thường xảy ra khi thời tiết nắng nóng; thời gian nuôi 5 - 6 tháng là đạt kích cỡ thu hoạch; Với điều kiện khí hậu Nghệ An mùa đông lạnh giá (tháng 12 – tháng 1), mùa hè thì nóng oi do ảnh hướng của gió Lào (tháng 6 – tháng 7). Việc chọn thời điểm thả giống thích hợp để hạn chế ảnh hưởng của khí hậu:
- Vụ Chính: Thả giống tháng 1 - 2, thu hoạch tháng 5 - 6;
- Vụ Đông: Thả giống tháng 8 – 9, thu hoạch tháng 1 - 2 năm sau;
4. Chăm sóc và quản lý:
a) Chế độ chăm sóc:
- Thức ăn: sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi dùng cho cá rô phi độ đạm từ 28 – 35 % Protein. Thức ăn không quá hạn sử dụng, không nhiễm nấm mốc, độc tố ,có mùi vị lạ và không đem các loại kháng sinh hoá chất đã bị cấm vào thức ăn.
- Phương pháp cho ăn: Trong quá trình nuôi cá thương phẩm nói chung, cá  Rôphi nói riêng thì phương pháp cho cá ăn và quản lý thức ăn có ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cá, mức độ ô nhiễm môi trường nước, mức độ cảm nhiễm của cá với mầm bệnh, mức độ đầu tư và hiệu quả kinh tế.
Tùy theo từng giai đoạn phát triển của cá, kích cỡ hạt thức ăn thay đổi theo kích cỡ miệng cá, tương ứng độ đạm sẽ giảm dần từ cao xuống thấp. Giai đoạn cá dưới 100g/con, cho cá ăn 3- 4 lần/ngày, giai đoạn cá trên 100g/con cho cá ăn là 2- 3 lần/ngày; cho cá ăn vào thời gian cố định trong ngày, cho ăn theo nhu cầu của cá.
Định kỳ 15 ngày/1 lần tiến hành xác định tốc độ tăng trưởng của cá bằng cách kéo lưới rồi lấy 30 - 50 con cân tính trọng lượng trung bình .
Công thức tính trọng lượng trung bình của cá qua 1 lần kiểm tra: PT.B=∑150/50
Trong đó:         + PTB là trong lượng trung bình của cá
                           + ∑150 là tổng khối lượng của 50 cá thể cân mẫu
                           + 50 là số lượng con cá cân mẫu mỗi lần.
 Căn cứ vào kết quả của các lần xác định mẫu, dựa vào công thức sau để tính lượng thức ăn cần cho giai đoạn ngày tiếp của cá:
Khẩu phần ăn/ngày = PTB x A x S x 95% x %P
Trong đó:    + 95% là tỷ lệ sống của cá.
                      + A là mật độ thả (con/m2)
                      + S là diện tích ao nuôi (m2 )
                      + % P là tỷ lệ thức ăn được tính theo % trọng lượng thân.
Chế độ chăm sóc cá từng giai đoạn áp dụng theo công thức tại bảng sau:
Kích cỡ cá (g/con) Độ đạm
(%Prtein)
Tỷ lệ cho ăn (% P cá/ngày) Số lần ăn (lần/ngày) Cỡ viên thức ăn
5 - 10 35 - 40 10 - 8 3 - 4 F1-1.5
10 - 20 35 - 40 8 - 6 3 - 4 F1.5 - 2
20 - 100 32 - 35 6 - 4 3 - 4 F2 - 3
100 - 200 32 - 35 4 - 3 3 F3 - 4
200 - 500 30 - 32 3 - 2 2-3 F 3 - 4
> 500 28 - 30 2 – 1,5 2 F 4 - 6
            Tuỳ vào khả năng bắt mồi, sức khoẻ của cá, môi trường nước trong ao nuôi và thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày thật chính xác tránh hiện tượng cho ăn thừa gây ô nhiễm môi trường nước ao và lãng phí thức ăn.
            Trong quá trình nuôi cứ 15 ngày 1 lần cần cho cá nghỉ ăn thức ăn 1 ngày (trước ngày kiểm tra định kỳ); trong ngày nghỉ cho cá ăn, cá vẫn tăng trưởng bình thường do cá tăng cường ăn thức ăn tự nhiên sẵn có trong ao.
b) Quản lý ao hồ:
Việc quản lý môi trường nước trong ao nuôi là việc làm hết sức cần thiết, nếu môi trường nuớc tốt thì cá phát triển nhanh ít bị dịch bệnh tăng hiệu quả. Do vậy để quản lý tốt môi trường nước cần phải:
- Thường xuyên kiểm tra ao nuôi, nhất là những ngày thời tiết chuyển mùa, khi thấy hiện tượng cá bỏ ăn hoặc kém ăn thì giảm lượng thức ăn để tránh dư thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.
- Chạy máy quạt nước từ tháng nuôi thứ 3 đến ngày xuất, máy quạt nước bật từ 19 giờ tối đến 7 giờ sáng ngày hôm sau đảm bảo cung cấp đủ oxy cho cá sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt là giai đoạn cá lớn. Những ngày thời tiết âm u, oi bức cần tăng thời gian chạy máy quạt nước; ngừng quạt nước trong khoảng thời gian 30 phút - 1giờ trước và sau khi cho ăn. Khi lắp dàn quạt nước cần lưu ý phải tạo được dòng  chảy tròn quanh ao, cánh quạt lắp cách bờ khoảng 3-5m; cứ 3.000 – 5.000 m2  thì lắp 01 giàn quạt 4 – 6 cánh.
- Luôn duy trì mức nước ổn định. Đặc biệt vào những ngày giá lạnh, hoặc nắng nóng nâng mực nước lên tối đa để giảm ảnh hưởng của nhiệt độ đến sinh trưởng của cá. Định kỳ hàng tháng thay nước 1-2 lần, mỗi lần thay 30-50% lượng nước trong ao; những tháng cuối nếu có điều kiện thì thay nước liên tục.
- Hàng ngày kiểm tra nhiệt độ trong ao nuôi bằng nhiệt kế thủy ngân; định kỳ 5 - 7 ngày kiểm tra các yếu tố môi trường: độ pH, độ trong, Ô xy trong nước ...
5. Phòng trị một số bệnh thường gặp:
a) Biện pháp phòng bệnh chung:
- Cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật.
- Quản lý tốt môi trường ao nuôi; định kỳ xử lý môi trường nước ao bằng vôi bột (2kg/100m2 ao), kết hợp sử dụng chế phaame sinh học.
- Chăm sóc cá đúng quy trình kỹ thuật.
b) Phòng trị một số bệnh thường gặp:
1) Bệnh xuất huyết:
Cá rô phi thương phẩm thường hay mắc phải một loại bệnh nguy hiểm do vi khuẩn Streptococcus gây nên, bệnh có thể gây chết cá với số lượng lớn.
- Các dấu hiệu lâm sàng bên ngoài của cá bị bệnh:
+ Cá bị bệnh sẽ có biểu hiện bị hôn mê và mất phương hướng. Hoặc tổn thương về mắt như viêm mắt, lồi mắt hoặc chảy máu mắt.
+ Các điểm xuất huyết thường được nhìn thấy ở quanh miệng cá hoặc ở các gốc vây, hoặc những vùng da hơi đỏ xung quanh hậu môn hoặc sinh dục của cá.
+ Có dịch chất lỏng chảy ra từ hậu môn của cá.
- Các dấu hiệu bên trong của cá bị bệnh:
+ Nhìn chung không có thức ăn trong dạ dày hoặc ruột của những con cá bị bệnh, túi mật to.
+ Xuất huyết, viêm gan, thận, lá lách, tim, mắt và ống ruột. Lá lách và thận trương và sưng nhẹ.
+ Khi cá bị nhiễm bệnh nặng có sự dính nhau của các cơ quan nội tạng với màng trong khoang bụng của cá. Có thể quan sát thấy các tơ huyết trong màng ở khoang bụng của cá.
- Kiểm soát và xử lý bệnh:
+ Giảm cho ăn: Trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở giai đoạn cấp tính nên giảm một phần thức ăn hoặc giảm hoàn toàn thức ăn, có thể giúp kiểm soát và giảm tỷ lệ tử vong.
+ Giảm mật độ nuôi: Giảm mật độ nuôi sẽ giúp giảm bớt căng thẳng và sự chuyển tải của mầm bệnh trong đàn cá. Luôn giữ mức oxy hoà tan ở mức tối ưu bằng cách sử dụng quạt nước thường xuyên.
+ Giảm nhiệt độ của nước: Nhiệt độ nước cao là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Đối với những ao nuôi có kích thước nhỏ, có thể dùng lưới che nắng. Sử dụng máy quạt nước vào ban đêm cũng là cách làm giảm nhiệt độ nước và tăng lượng oxy.
+ Bón vôi: Tùy theo pH môi trường, 15-20 ngày dùng vôi bột hòa nước té đều khắp ao, liều lượng 1 - 2kg/100m3 nước.
+ Điều trị bằng kháng sinh: Dùng Erythromyxin: trộn vào thức ăn từ 3 - 7 ngày, dùng 2 - 5 g/100kg cá/ngày. Có thể phun xuống ao nồng độ 1 - 2 ppm, sau đó sang ngày thứ 2 trộn vào thức ăn 4 g/100kg cá, từ ngày thứ 3 - 5 giảm còn một nửa. Kháng sinh chỉ có thể điều trị bệnh ở giai đoạn sớm của bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh cần được chú ý vì sử dụng kháng sinh liên tục với liều cao có thể gây ra hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn và dư lượng kháng sinh tồn dư trong thịt cá.
2) Bệnh viêm ruột:
- Tác nhân gây bệnh: Vi khuẩn Aeromonas hydrophila, Gram âm.
- Dấu hiệu bệnh lý: Tương tự bệnh xuất huyết do cầu  khuẩn Streptococcus sp; ruột trương to, chứa đầy hơi.
- Phân bố và lan truyền bệnh: Thường gặp ở cá rô phi nuôi thương phẩm và cá bố mẹ nuôi sinh sản khi môi trường nuôi bị ô nhiễm, đặc biệt là thức ăn không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp.
- Phòng trị bệnh: Dùng một số kháng sinh cho cá ăn như Erythromyxin hoặc Oxytetramyxin, liều dùng 10 - 12 g/ 100 kg cá/ngày đầu, từ ngày thứ 2-7 liều bằng 1/2 ngày đầu.
6. Thu hoạch:
Sau khoảng 5 - 6 tháng nuôi kiểm tra cá đạt trọng lượng  ≥ 700 gam thì tiến hành thu hoạch; nếu thấy cá đồng đều về kích cỡ thì tiến hành thu toàn bộ hoặc thu tỉa cá đạt kích cỡ bán trước, cá nhỏ để lại nuôi thêm một thời gian. Để đảm bảo loại hạn chế tiến tới loại bỏ mùi hôi của cá cần phải tuân thủ các biện pháp sau:
- Quản lý tốt lượng thức ăn đầu tư tránh để dư thừa thức ăn.
- Cải tạo đáy ao trước vụ nuôi mới, nếu có điều kiện phơi đáy ao dưới ánh nắng mặt trời 3 -5 ngày.
- Thay nước thường xuyên đặc biệt là những tháng cuối cần thay liên tục.
- Cá thu hoạch xong cho vào bể nước sạch với lưu tốc 1- 2 m/s trong thời gian 1-3 giờ trước khi vận chuyển đi tiêu thụ .
- Cá được vận chuyển sống đến nơi tiêu thụ, hoặc bảo quản lạnh nếu cung ứng cho nhà máy chế biến./.

Tác giả bài viết: Trần Văn Võ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập109
  • Hôm nay20,442
  • Tháng hiện tại478,671
  • Tổng lượt truy cập7,326,481
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây