QUY TRÌNH KỸ THUẬT Nuôi thương phẩm cá Leo trong lồng bè trên thủy vực lớn phù hợp với điều kiện tỉnh Nghệ An

Thứ ba - 29/12/2020 22:16 1.802 0
QUY TRÌNH KỸ THUẬT Nuôi thương phẩm cá Leo trong lồng bè trên thủy vực lớn  phù hợp với điều kiện tỉnh Nghệ An
I - Địa điểm đặt lồng nuôi.
Địa điểm đặt lồng bè nuôi cá Leo thương phẩm cơ bản phải đáp ứng được các tiêu chí như bảng sau:
TT Nội dung Tiêu chí cần có
1 Điều kiện tự nhiên - Là hồ chứa nước phục vụ thuỷ lợi hoặc thuỷ điện, có tổng diện tích mặt nước khi nước chết chiếm trên 98% diện tích lồng nuôi, độ sâu mực nước chết đạt 5 - 7 m.
- Hồ đã tích nước đưa vào sử dụng và có chất lượng nước tốt, các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong điều kiện nước xuống thấp nhất phải đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của cá như: pH 6,5 - 8,5, ô xy hòa tan > 5mg/lít, NH3 < 0,1 mg/lít....
2 Vị trí đặt lồng - Có dòng chảy nhẹ đảm bảo cho việc đặt lồng an toàn không bị gió bão. Nơi đặt hồ phải thoáng đãng, không cớm rợp.
- Không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp.
- Mật độ các cụm lồng không quá dày: mỗi cụm không quá 10 - 15 lồng, khoảng cách các cum lớn hơn 10 - 15m
3 Hậu cần, phục vụ - Có hệ thống giao thông thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển thức ăn, con giống và sản phẩm thu hoạch.
- Có hệ thống điện lưới, an ninh tốt đảm bảo cho việc triển khai nuôi thương phẩm cá leo.
II - Thiết kế, vận hành lồng bè nuôi cá Leo
1. Thiết kế lồng nuôi cá Leo
1.1.  Hệ thống khung lồng
- Vật liệu : Khung lồng có thể làm bằng ống thép mạ kẽm hày làm bằng tre, gỗ thẳng mỗi cây dài khoảng 4m đến 5m, liên kết nhau bằng dây thép. Phao bằng phuy sắt hoặc nhựa 200 lít. Toàn bộ khung lồng được cố định bằng dây neo 4 góc.
- Thiết kế khung lồng: Khung lồng có kích thước 18 x 7,5m làm thành 2 dãy, mỗi dãy 5 ô nuôi, mỗi ô thước 3 x 3m để mắc lưới lồng. Các cạnh của khung lồng gồm 5 cây tre ghép sát nhau rộng khoảng 0,5m bằng dây thép. Phao được làm bằng thùng phuy sắt hoặc nhựa và liên kết với khung lồng bằng dây thép. Lồng lưới có chiều sâu 2,5m. chiều sâu mức nước thả nuôi là 2 m.
1.2. Lưới lồng
- Lưới lồng nuôi được làm bằng sợi cước, sợi tổng hợp hoặc HPE (Hight polyethylene) với kích cỡ mắt lưới dao động từ 1 - 2 cm tùy theo kích cỡ cá nuôi theo bảng sau:
TT Cỡ cá nuôi (cm) Mắt lưới a (cm)
1 10 - 15 1
2 20 - 25 1.5
3 >30 2
- Miệng lồng được buộc chặt vào khung lồng và được giữ nổi trên mặt nước nhờ hệ thống phao nhựa hoặc phao sắt (thùng phi), các góc đáy lồng được buộc bằng đá hoặc khối xi măng cho lưới được chìm đều.
1.3. Vật liệu che sáng
- Cá Leo có tập tính thích sống ở vùng nước ít ánh sáng và bắt mồi mạnh về ban đêm, do vậy lồng bè nuôi phải có vật liệu che sáng.
- Vật liệu che sáng có thể là lá dừa hoặc lưới che nắng polyme, vật liệu che sáng cần bố trí cách mặt nước 0,5 – 1m. Được thiết kế thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý lồng nuôi.
1.4. Neo cố định lồng nuôi
- Neo cố định bè nuôi: Bao gồm mỏ neo và dây neo. Mỏ neo được làm bằng sắt có trọng lượng 15 - 20kg/neo, làm theo dạng neo thuyền. Dây neo sử dụng dây thừng bằng dù để neo lồng đảm bảo độ chắc chắn để giữ lồng bè nuôi không cho lông bè dịch chuyển khỏi vị trí đã được cố định.
2. Vận hành hệ thống lồng nuôi
2.1. Kiểm tra và bảo dưỡng lồng
- Lồng có thể bị hư hỏng do nhiều nguyên nhân khác nhau do các vật trôi lơ lửng trôi trong dòng nước, do sinh vật (rái cá cắn lưới...) hay do lão hóa cá bộ phận lồng. Vì vậy việc bảo dưỡng lồng lưới phải tiến hành thường xuyên. hằng ngày phải lặn kiểm tra lồng lưới.      
2.2. Vệ sinh lưới lồng
- Sinh vật và rác bám làm lưới lồng nặng và giảm khả năng trao đổi nước của lồn, làm cá xây xát. Vệ sinh lưới lồng bằng nhiều cách có thể bằng thủ công hay bằng máy.
- Thủ công:  Kéo lưới lồng lên từng phần, dùng chổi hoạc bàn chải đánh từng phần, Bằng máy: Dùng máy xịt cao áp xịt sạch sinh vật bám.
- Định kỳ 2-3 tháng thay lưới một lần, tùy theo kích cỡ cá mà lưới thay có kích thước mắt lưới phù hợp.
- Kỹ thuật thay lưới: Quá trình thay lưới phải đảm bảo cá không bị stress, không bị xây xát Khâu ½ miệng lưới mới vào ½ miệng lưới cũ. Dìm phần miệng lưới khâu xuống bằng hòn chì nhỏ trong khi mép của phần này vận nổi trên thành lồng để cá sang túi lưới mới. Sau đó kéo toàn bộ lưới cũ lên.
III - Tuyển chọn. vận chuyển và thả cá Leo giống
1. Tuyển chọn cá Leo giống
- Cá giống cung cấp cho mô hình nuôi thương phẩm trong ao đất, ao lót bạt hay nuôi lồng bè, có thể là cá có nguồn gốc từ khai thác tự nhiên hoặc sinh sản nhân tạo. Tuy nhiên cá có nguồn gốc từ sinh sản nhân tạo là tốt nhất.
- Cá giống thả nuôi phải đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn sau:
+ Kích cỡ cá giống có khối lượng từ 30 - 50g. chiều dài thân từ 14 - 16cm.
+ Cá giống khỏe mạnh, không bị bệnh.
+ Kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, không bị xây xát, dị hình dị tật.
+ Đã được tập cho ăn bằng thức ăn tự chế thuần thục.

Hình 1: Cá Leo Wallago attu (Bloch and Schneider, 1801)
2. Vận chuyển
- Cá giống trước khi vận chuyển được ép luyện, cho cá nhịn ăn 1 - 2 ngày.
- Có 2 hình thức vận chuyển cá giống gồm: Vận chuyển bằng túi nilon bơm ôxy (vận chuyển kín) và vận chuyển bằng thùng lót bạt hoặc bể Composite (vận chuyển hở) có bố trí sục khí.
- Vận chuyển cá Leo vào lúc trời mát, nếu nắng nóng nên chọn thời điểm vận chuyển vào ban đêm hoặc có biện pháp giảm nhiệt độ nước xuống 20-25 oC. Nếu vận chuyển thời gian dài, sau 18-20 giờ cần dưỡng cá 6-8 giờ.
- Mật độ vận chuyển:
+ Vận chuyển kín: 3 - 5 con/ lít nước, thể tích ôxy gấp 2 lần thể tích nước.
+ Vận chuyển hở: 15 - 20 kg/ 1m3 nước, đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan 5 - 7 mg/lít.
- Trong quá trình vận chuyển thường xuyên kiểm tra cá để có biện pháp xử lý kịp thời nếu có sự cố xảy ra.
- Thời gian vận chuyển sau 6 giờ tiến hành thay nước, bổ sung Ôxy.
3. Thả cá giống                 
- Mùa vụ thả: Tốt nhất thả cá vào tháng 3 - 4 hàng năm, khi nhiệt độ nước trên 200C.
- Cá trước khi thả được tắm qua dung dịch nước muối (NaCl) 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút nhằm sát khuẩn, trị vết thương cho cá do quá trình vận chuyển.
- Tính toán thời gian vận chuyển thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
- Mật độ thả: 25 - 30 con/m3 lồng.   
IV - Chăm sóc và quản lý
1. Thức ăn và cho cá ăn
- Thức ăn:
+ Cá leo là loài cá giữ trong tự nhiên, nên trong nuôi thương phẩm cá có thể sử dụng thức ăn là cá tạp các loại như cá biển, cá nước ngọt …
+ Trong nuôi thương có thể sử dụng thức ăn là cá tạp tươi hoặc thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm tiêu hoá từ 25 - 35% cho cá ăn.
- Khẩu phần ăn tùy theo giai đoạn phát triển của cá
+ Giai đoạn 2 tháng đầu: Thức ăn là thịt cá băm nhỏ, khẩu phần ăn khoảng 6-7% khối lượng cá nuôi.
+ Giai đoạn 4 - 6 tháng nuôi: Thức ăn chủ yếu là cá tạp tươi cắt nhỏ thành miếng vừa miệng cá. Tỷ lệ cho ăn hàng ngày 3 - 5% khối lượng đàn cá nuôi.
+ Giai đoạn từ sau 6 tháng nuôi đến lúc thu hoạch: Cho cá ăn với khẩu phần  1 - 3% khối lượng đàn.
- Ngày cho cá ăn 2 lần (7 - 8h sáng và 16 - 17h chiều). Tập trung cho cá ăn nhiều vào buổi chiều.
- Thức ăn được cho vào sàng ăn để kiểm tra mức độ ăn của cá để điều chỉnh cho phù hợp.
- Thức ăn cho cá phải đảm bảo còn tươi, không ươn thối, ô nhiễm… Thức ăn nên bổ sung thêm thuốc bổ và vitamin C nhằm kích thích cá tăng trưởng và tăng cường sức đề kháng cho cá.
2. Quản lý lồng nuôi
- Hàng ngày quan sát các hoạt động của cá, lồng nuôi, tình hình sử dụng thức ăn của cá và các hiện tượng khác bất thường  để xử lý. Nếu thấy lồng có sự cố rách thì phải sửa chữa ngay
- Mỗi tuần vệ sinh lồng 1 lần. Dùng bàn chải cọ sạch các mặt bên của lồng, vệ sinh rác, phù sa và sinh vật bám vào làm lưới lồng nặng và giảm khả năng trao đổi nước của lồng, làm cá xây xát. Vệ sinh lưới lồng bằng nhiều cách có thể bằng thủ công hay bằng máy.
- Thủ công:  Kéo lưới lồng lên từng phần, dùng chổi hoạc bàn chải đánh từng phần.  
- Bằng máy: Dùng máy xịt cao áp xịt sạch sinh vật bám.
- Định kỳ 2-3 tháng thay lưới một lần, tùy theo kích cỡ cá mà lưới thay có kích thước mắt lưới phù hợp.
- Kỹ thuật thay lưới: Quá trình thay lưới phải đảm bảo cá không bị stress, không bị xây xát Khâu ½ miệng lưới mới vào ½ miệng lưới cũ. Dìm phần miệng lưới khâu xuống bằng hòn chì nhỏ trong khi mép của phần này vận nổi trên thành lồng để cá sang túi lưới mới. Sau đó kéo toàn bộ lưới cũ lên.
- Hàng tháng tiến hành kiểm tra cá, phân lọc nếu có hiện tượng phân đàn lớn, tránh trường hợp cá lớn tranh mồi và ăn cá bé.
- Định kỳ 15 - 20 ngày dùng vôi khử trùng lồng nuôi và khu vực quanh lồng.
- Vào mùa mưa lũ phải kiểm tra dây neo, di chuyển bè tới vị trí an toàn.
3. Thu hoạch
- Sau 8 - 10 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thương phẩm 1,2 - 1,5 kg/con tiến hành thu hoạch. Có thể thu toàn bộ nếu thị trường tiêu thụ tốt. Hoặc thu tỉa những con lớn trước, những con nhỏ để nuôi tiếp.
- Cá thương phẩm đảm bảo phải còn tươi sống.
V - Phòng và trị một số bệnh thường gặp
1. Phòng bệnh
Cá Leo nuôi lồng nói riêng và các loài thủy sản nói chung khi xảy ra bệnh rất khó chữa nếu chữa khỏi cũng sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá do đó phòng không để xảy ra bệnh là rất quan trọng:
- Vệ sinh, khử trùng lồng sau mỗi vụ nuôi nếu là lồng nuôi lại.
- Thả cá với mật độ phù hợp, không nên nuôi với mật độ quá dày dễ làm ô nhiễm nước và ảnh hưởng đến tăng trưởng của cá.
- Chọn cá giống khỏe mạnh, trước khi thả được tắm qua dung dịch nước muối (NaCl) 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút.
- Thức ăn đảm bảo chất lượng, số lượng. Đảm bảo không dư, thiếu thức ăn. Định kỳ bổ sung thuốc bổ, Vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá.
- Đảm bảo môi trường sống tốt cho cá: Chọn vị trí nuôi, đặt lồng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Nguồn nước không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất. Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi hoặc sử dụng các hóa chất, dung dịch khử trùng, sát khuẩn như: treo túi thuốc tím, túi vôi…quanh lồng theo định kỳ 10 - 15 ngày/lần và đặc biệt cần tăng cường thêm vào mùa mưa lũ…
2. Trị một số bệnh thường gặp
2.1. Bệnh xuất huyết do vi khuẩn
- Tác nhân gây bệnh:  Do tác nhân Aeromonas hydrophila; Pseudomonas fluorescens; Streptococcus sp.
- Dấu hiệu bệnh lý: Cá kém ăn hoặc bỏ ăn; Có các đốm đỏ trên thân; Vây xuất huyết, rách nát; Cơ quan nội tạng có thể xuất huyết có các đốm trắng, ruột xuất huyết, nhiều chỗ hoại tử thối nát.
- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh:  Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè và mùa thu.
- Trị bệnh:
+ Vệ sinh môi trường nuôi bằng vôi.
+ Cung cấp thêm lượng vitamin C nhằm tăng sức đề kháng
+ Dùng thuốc Tiên đắc 1 với liều lượng 50g/50kg cá. Trộn vào thức ăn cho ăn liên tục 3 ngày.
+ Hoặc dùng thuốc kháng sinh Erythromycine với liều lượng 25 - 35 mg/1kg cá trộn vào thức ăn cho cá ăn.
2.2. Bệnh đốm trắng do vi khuẩn
- Tác nhân gây bệnh: Edwardsiella tarda; E. ictaluri.
-  Dấu hiệu bệnh lý: Cá bị bệnh kém ăn hoặc bỏ ăn, gầy yếu, bụng chướng to, xung quanh miệng có các đám xuất huyết, gốc vây xuất huyết. mắt lồi. Giải phẫu cơ quan nội tạng gan, lá lạch, thận bị hoại tử thành những đốm màu trắng đục đ­ường kính 0,5 - 2,5mm, còn gọi là “bệnh đốm trắng”.
- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh
+ Gây bệnh ở cá da trơn: Cá chiên, cá trê, cá tra, cá ba sa, cá lăng, cá nheo…
+ Bệnh xuất hiện nhiều nhất vào mùa xuân, mùa thu và trong ao nuôi mật độ cao, nuôi cá lồng bè.
- Phòng trị bệnh
+ Vệ sinh môi trường nuôi bằng vôi.
+ Cung cấp thêm lượng vitamin C.
+ Dùng thuốc Tiên Đắc 1 và một số cây thuốc nam.
+ Dùng thuốc kháng sinh: Erythromycin (20-30mg/kg cá) trộn vào thức ăn, phút bổ sung VitaminC 10mg/1kg thức ăn, cho cá ăn liên tục trong 7 ngày; tắm cho cá bằng Rifamycin (30-50ppm) trong 10-15.
2.3. Bệnh đốm đỏ do vi khuẩn
-Tác nhân gây bệnh: Do nhóm vi khuẩn Aeromonas nhưng thường gặp nhất là vi khuẩn Aeromonas hydrophyla.
- Dấu hiệu cá mắc bệnh:
+ Bên ngoài: Cá bỏ ăn, bơi lờ đờ tằng mặt, da chuyển màu tối, mất nhớt, hậu môn viêm đỏ lồi ra. Trên thân, gốc vây, quanh miệng có nhiều đốm đỏ, mắt lồi đục, bụng chướng to, vây xơ rách, tia vây cụt, không thấy xuất huyết dưới da.
+ Bên trong: Xoang bụng, tuyến sinh dục, bóng hơi xuất huyết, gan tái nhợt, mật đen sẫm, ruột không có thức ăn, chứa đầy hơi hoặc xuất huyết rữa nát, chứa đầy mủ. xoang bụng chứa nhiều dịch nhờn, mùi hôi thối.
- Phân bố và lan truyền bệnh: Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng tập trung vào mùa xuân, mùa hè và đầu mùa thu
-  Phòng và trị bệnh
+ Tắm cá trước khi thả bằng dung dịch nước muối (NaCl) 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút.
- Dùng thuốc Tiên Đắc 1 cho cá ăn vào mùa thường xuất hiện bệnh: Ngày cho cá 1 lần với lượng 10g/100kg cá, cho ăn liên tục 3 ngày.
- Chữa bệnh: Dùng Tiên Đắc 1 cho ăn với lượng 50g thuốc/50kg cá, cho ăn liên tục 3 - 5 ngày.
2.4. Bệnh nấm thuỷ mi
- Tác nhân gây bệnh:  Saprolegnia sp; Achlya sp.
- Dấu hiệu bệnh lý: Trên da xuất hiện các vùng trắng xám;Nấm phát triển như đám bông.
- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, mùa thu và mùa đông.
-  Phòng trị bệnh:
+ Làm sạch môi trường nuôi.
+ Tắm cho toàn bộ cá bị bệnh bằng thuốc tím 3ppm trong 15 phút, tắm nhắc lại 2 ngày tiếp theo; tiến hành treo túi vôi cho toàn bộ hệ thống lồng; bổ sung VitaminC 10mg/1kg thức ăn, cho cá ăn liên tục trong 7 ngày.
+ Dùng thuốc tím (KmnO4) tạt vào nước với nồng độ 2 - 5ppm
VI - Thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch
1. Thu hoạch sản phẩm và vận chuyển
- Sau khi nuôi 8 - 10 tháng, cỡ cá thu hoạch từ 0,8 - 1 kg/con. Cá được thu tỉa hoặc đại trà, sau khi thu hoạch chúng được vận chuyển sống bằng xe chuyên dụng hoặc được xử lý đông lạnh sau đó vận chuyển đi tiêu thụ. Thịt cá Leo hiện đang tiêu thụ dưới dạng sản phẩm là: tươi sống, đông lạnh nguyên con.
- Đối với thu hoạch cá Leo, trước khi thu hoạch 2 - 3 ngày cho cá giảm ăn rồi dừng ăn để tránh gây shock cho cá trong khi thu hoạch, vận chuyển và lưu giữ cá. Cá thu hoạch cần đánh bắt nhẹ nhàng, nhanh nhẹn tránh gây xây sát sẽ giảm giá trị thương phẩm và đặc biệt lưu ý số cá chưa đạt kích cỡ còn lại trong ao nuôi tiếp. Cá thương phẩm cần được vận chuyển bằng nước sạch, mát và cung cấp đủ lượng ô xy hòa tan.
- Không cho cá ăn 1 - 2 ngày trước khi thu hoạch. Kiểm tra lưới lồng. Nâng lưới chầm chậm để dồn cá về một góc. Dùng vợt có lưới mềm để bắt cá. Tránh làm tổn thương cá khi thu hoạch, vì cá bị thương sẽ không bán được. Cá bắt lên cần tiến hành cân khối lượng, nhốt trong bể có chứa nước sạch để cá nhả bớt chất bẩn, thức ăn chưa tiêu hết trong dạ dày. Sau đó cho cá vào bể sục khí. dùng túi nước đá hạ nhiệt độ xuống còn 20 0C, sau đó đóng cá vào túi có chứa nước đã bơm ôxy. Buộc miệng túi và để túi vào thùng xốp, xung quanh bỏ các túi nước đá. Dán kín thùng vận chuyển bằng ô tô hoặc máy bay. Thời gian vận chuyển không quá 8 giờ. Có thể dùng thùng nhựa có sục khí để vận chuyển cá hoặc dùng thuyền thông thủy có hệ thống nước tuần hoàn để vận chuyển cá sống đi nước ngoài.
2. Bảo quản sản phẩm
- Một trong những nguyên nhân giảm lợi nhuận của quá trình sản xuất thủy sản, chủ yếu là chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Theo đánh giá của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, tỉ lệ thất thoát sau khi thu hoạch luôn ở mức trên 20%, tập trung ở các khâu: xử lý, bảo quản, vận chuyển, bốc dỡ. sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để giảm đến mức thấp nhất tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch.
- Sản phẩm thủy sản sau khi thu hoạch khỏi mặt nước rất nhanh bị ươn thối nếu không có phương pháp bảo quản thích hợp.
- Có nhiều nguyên nhân làm giảm chất lượng sản phẩm, chủ yếu là: Tác động của các men, tác động của quá trình ôxy hóa xảy ra trong cơ thể, tác động của vi sinh vật…
- Để hạn chế quá trình xảy ra như trên, người ta thường sử dụng các phương pháp sau:
+  Phơi sấy, phơi nắng hoặc dùng nhiệt làm bốc hơi nước trong sản phẩm. 
+ Dùng các tia cực tím, tia X chiếu vào sản phẩm trong thời gian ngắn để hạn chế hoạt động của các vi sinh vật. Phương pháp này ít được sử dụng trong bảo quản thủy sản.
+ Sử dụng các phương pháp bảo quản ở nhiệt độ 0 - 2 0C. Đây là phương pháp tốt nhất để bảo quản sản phẩm thủy sản, giữ cho thịt cá, tôm không bị biến đổi về giá trị dinh dưỡng và giữ được mùi vị, ở mỗi nhiệt độ khác nhau có thể bảo quản được sản phẩm trong khoảng thời gian khác nhau, ví dụ ở 0 0C có thể bảo quản thủy sản 11 - 12 ngày, ở 0,5 0C là 6 - 8 ngày, ở 3 0C là 5 - 6 ngày, ở 5 0C là 3,5 ngày, ở 10 0C chỉ có thể bảo quản 20 - 30 giờ.
- Trong quá trình bảo quản, cần quan tâm một số nguyên tắc cơ bản sau: 
Cá ra khỏi mặt nước cần được bảo quản càng nhanh càng tốt (xếp một lượt đá một lượt cá xen kẽ nhau, không nên dày quá 8 cm, nếu cá to phải xử lý phù hợp mới ướp đá, tỉ lệ cá và đá là 1/1, nếu có hầm bảo quản lạnh thì tỉ lệ đó là 1/0,5. Sau khi ướp đá xong nên nhanh chóng đưa về nơi tiêu thụ hoặc chế biến. Thời gian bảo quản như vậy có thể kéo dài 5 ngày. Với điều kiện bảo quản có máy lạnh bổ sung giữ nhiệt độ ở 0 0C sẽ bảo quản được đến 12 ngày).
- Đảm bảo nhiệt độ bảo quản từ 0 - 2 0C, nếu cao hơn phải bổ sung thêm nước đá.
- Để duy trì tốt nhiệt, người ta thường sử dụng nước đá vẩy, mảnh cỡ 2 - 3 cm. Cá phải tiếp xúc với lớp đá dày 2 - 3 cm, không bảo quản nơi nắng nóng. Thường xuyên theo dõi nhiệt độ và trạng thái bảo quản.
- Trước khi bảo quản phải loại bỏ các tạp chất, rửa sạch sản phẩm. Nước đá và dụng cụ ướp phải sạch. Có thể dùng Chlorine nồng độ 200 ppm hoặc Chlorua vôi nồng độ 15% để khử trùng dụng cụ sản xuất. Bảo quản riêng từng loại.
- Phải hạn chế tới mức tối đa việc giập nát của cá. Xếp đều trong khoang bảo quản, trong quá trình bảo quản tránh xóc và lắc mạnh. 
- Trong điều kiện sản xuất cụ thể, có thể áp dụng những phương pháp bảo quản khác nhau. Nếu làm tốt công tác bảo quản sẽ giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất và ngược lại./.

Tác giả bài viết: Thạc sỹ Trương Văn Toản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay5,750
  • Tháng hiện tại99,201
  • Tổng lượt truy cập10,579,159
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây