1. Xuất xứ quy trình.
Quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm Cua đồng (Somaniathelphusia sinensi) trong ao đất quy mô công nghiệp phù hợp với điều kiện Nghệ An do Trung tâm giống thủy sản Nghệ An chủ trì biên soạn dựa trên kết quả thực hiện chuyên đề: “Ứng dụng tiến bộ KHCN thử nghiệm nuôi thương phẩm Cua đồng (Somaniathelphusia sinensi) trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An”, được Trung tâm giống thủy sản Nghệ An chủ trì thực hiện năm 2020.
2. Đối tượng và phạm vi áp dụng.
2.1. Đối tượng áp dụng: Quy trình này quy định trình tự, nội dung và yêu cầu kỹ thuật nuôi thương phẩm Cua đồng
(Somaniathelphusia sinensi) trong ao đất quy mô công nghiệp.
Hình 1: Cua đồng (Somaniathelphusia sinensi)
2.2. Phạm vi áp dụng: Áp dụng cho các cơ sở, hộ dân nuôi thương phẩm Cua đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
3. Các yêu cầu kỹ thuật phải đạt được.
- Thời gian nuôi: 4 - 5 tháng
- Tỷ lệ sống: 70 - 80%
- Kích cỡ Cua thu hoạch: 16 - 22 g/con, tương đương 45 - 60 con/kg.
- Năng suất đạt: 4 - 4,5 tấn/ha/vụ
4. Nội dung quy trình kỹ thuật.
4.1. Lựa chọn, thiết kế, cải tạo ao nuôi Cua đồng thương phẩm.
a) Lựa chọn, thiết kế ao nuôi Cua đồng thương phẩm.
- Ao nuôi thương phẩm Cua đồng nên chọn ở những vùng quang đãng, không cớm rợp. Có thể sử dụng ao nuôi cá có độ sâu vừa phải (0,5 - 1,0 m nước) hoặc ao, ruộng nuôi cá lúa để nuôi Cua thương phẩm.
- Diện tích ao nuôi Cua đồng thương phẩm tùy theo điều kiện thực tế sẵn có để bố trí cho thích hợp, nên sử dụng ao có diện tích lớn từ 3.000 - 5.000 m2/ao để nuôi.
- Ao nuôi chọn vùng có nguồn nước trong sạch, chủ động, không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, công nghiệp, có độ pH từ 6 - 8, nhiệt độ nước 15 - 31 0C, tốt nhất từ 20 - 25 0C.
- Ao nuôi nên có nền đáy là cát hoặc cát pha sét, không nên sử dụng những ao có đáy bùn, đặc biệt là có lớp bùn đáy quá dày. Đáy ao bằng phẳng, xuôi về phía công thoát. Có hệ thống cống cấp cống thoát đầy đủ để thuận tiện cho việc cấp, thay nước trong quá trình nuôi.
- Bờ ao nuôi Cua phải chắc chắn, không rò rỉ nước, không có hang hốc và phải bố trí vật chắn quanh bờ ao đảm bảo trơn nhắn (Bạt, nilon, tôn, tấm procimen…), cao hơn mặt bờ 40 - 50 cm và chôn sâu xuống chân bờ 20 - 30 cm để tránh Cua bò vượt bờ và đào hang qua bờ thoát ra ngoài trong quá trình nuôi.
- Trên mặt ao nuôi bố trí các giá thể để làm nơi trú ẩn cho Cua, diện tích nơi trú ấn chiếm ¼ - 1/3 diện tích ao nuôi, thả thêm bèo tây, bèo ván và bèo tấm để làm thức ăn và nơi trú ẩn cho Cua.
b) Cải tạo ao nuôi Cua thương phẩm.
Ao nuôi trước khi thả Cua giống vào nuôi phải được cải tạo đúng quy trình kỹ thuật cụ thể:
- Bơm cạn nước ao, ruộng nuôi bắt hết cá tạp trong ao, vệ sinh ao sạch sẽ. Nếu lớp bùn đáy quá dày thì tiến hành vét bớt chỉ để lại 20 - 25 cm, san phẳng đáy ao nghiêng về phía cống thoát nước.
- Vệ sinh quanh bờ ao, lấp hết hang hốc, những chỗ rò rỉ nước, phát quang bờ không để cây cối, bụi rậm quanh bờ ao tạo nơi trú ẩn cho các địch hại Cua như chuột, rắn…
- Bón vôi diệt tạp 7 - 10 kg/100 m2 ao, bón phân chuồng ủ hoai 30 - 50 kg/100 m2 ao, phơi đáy ao 2 - 3 ngày trước khi cấp nước.
- Nước cấp vào ao được lấy qua lưới lọc nhằm ngăn chặn cá tạp vào ao gây thất thoát thức ăn của Cua và địch hại vào ao gây ảnh hưởng đến Cua giống. Mực nước cấp vào ao ban đầu dao động 40 - 50 cm nước để thuận tiện cho việc gây màu tạo thức ăn tự nhiên ban đầu trong ao cho Cua.
4.2. Tuyển chọn con giống thả nuôi thương phẩm.
- Cua giống nên tuyển chọn Cua được sản xuất nhân tạo, không nên thả Cua giống được thu gom từ tự nhiên, không đồng đều kích cỡ, thu gom lâu ngày sẻ ảnh hưởng đến sức khỏe của Cua giống thả nuôi.
- Mật độ thả giống: 30 - 40 con/m2.
- Kích cỡ Cua giống thả nuôi: 300 - 400 con/kg.
- Chất lượng của giống thả nuôi: Cua giống phải khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, vận động mạnh, đồng đều kích cỡ, đầy đủ phụ bộ, không bị dị hình, dị tật, không có dấu hiệu bệnh.
- Thả giống vào lúc trời mát, không thả trực tiếp xuống ao mà nên thả bên mép bờ để Cua tự bò xuống ao nuôi để kiểm soát những con bị yếu, chết trong quá trình vận chuyển.
- Mùa vụ thả giống: Mùa vụ thả giống nên có sự tính toán phù hợp để khi thu hoạch Cua thương phẩm vào các tháng mùa hè, nắng nóng nhu cầu tiêu thụ Cua lớn để có giá bán cao hơn. Do đó, tại Nghệ An mùa vụ thả giống có thể áp dụng như sau:
- Thả giống vào tháng 2 - 3, thu hoạch vào tháng 6 - 7 háng năm.
- Thả giống tháng 11 - 12 năm trước, thu hoạch vào tháng 4 - 5 năm sau.
4.3. Chăm sóc, quản lý Cua đồng nuôi thương phẩm.
a) Thức ăn cho Cua ăn: Cua là loài ăn tạp nêm có thể sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự chế như cá tạp, cám, ngô…phối trộn để cho Cua ăn.
- Đối với thức ăn công nghiệp:
+ Giai đoạn 1 - 2 tháng nuôi đầu: cho ăn 2 - 3 % khối lượng Cua trong ao.
+ Giai đoạn nuôi về sau: cho ăn 1 - 2 % khối lượng Cua trong ao.
- Đối với thức ăn tự chế:
+ Giai đoạn 1 - 2 tháng nuôi đầu: cho ăn 4 - 6% khối lượng Cua trong ao.
+ Giai đoạn nuôi về sau: cho ăn 6 - 8% khối lượng Cua trong ao.
- Cho Cua ăn1 lần/ngày vào 4 - 5 giờ chiều, thức ăn được rải quanh mép bờ, tại những khu vực nhất định để tập thói quen cho Cua tập trung, thuận tiện cho việc thu hoạch sau này.
- Trong ao nuôi nên bố trí 1 - 2 sàng cho ăn để kiểm tra, kiểm soát mức độ sử dụng thức ăn của Cua để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý.
b) Quản lý ao nuôi Cua thương phẩm.
- Thường xuyên bổ sung Vitamic C, khoáng nhằm tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh cho Cua bằng cách trộn vào thức ăn với lượng 4 - 5g/1kg thức ăn để cho Cua ăn, đặc biệt là vào các tháng mùa hè, nhiệt độ nước cao.
- Định kỳ một tháng/lần sử dụng vôi bột hòa nước tạt trên mặt ao nuôi với lượng 2 kg/100 m2 ao nhằm phòng bệnh cho Cua nuôi và tăng cường thêm hàm lượng canxi trong nước ao giúp Cua nhanh cứng vỏ sau khi lột xác, tăng cường khả năng lột xác cho Cua, kích thích Cua phát triển.
- Định kỳ 15 ngày/lần sử dụng khoáng Stomi đánh vào ao với liều lượng 2 kg/100 m2 ao để tăng cường hàm lượng khoáng nhằm phòng bệnh và kích thích Cua lột xác, kích thích Cua phát triển.
- Định kỳ 15 ngày/lần sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học để xử lý nguồn nước, đáy ao giúp môi trường ao nuôi luôn trong sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho Cua nuôi sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi hoạt động của Cua nuôi nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát ao nuôi, hệ thống bờ, cống cấp thoát nước, bạt vây quanh bờ tránh để xảy ra tình trạng thất thoát Cua nuôi.
- Định kỳ sử dụng thuốc phòng bệnh, vi sinh đường ruột trộn vào thức ăn để cho Cua ăn nhằm phòng bệnh cho Cua.
- Định kỳ 1 tháng/lần bón thêm phân hữu cơ với lượng 20 - 30 kg/100 m2 ao để làm thức ăn cho tảo và động vật phù du phát triển trong ao, làm thức ăn tự nhiên cho Cua.
- Chế độ thay nước: Trong tháng nuôi đầu không tiến hành thay nước để tránh thất thoát nguồn thức ăn tự nhiên trong ao. Từ tháng nuôi thứ 2, định kỳ thay nước 2 lần/tháng với lượng nước thay 30 - 40% lượng nước trong ao, luôn duy trì mực nước trong ao từ 50 - 70 cm. Nếu có điều kiện từ tháng nuôi thứ 3 trở đi cho luân chuyển nước thường xuyên trong ao kết hợp thay nước định kỳ để kích thích Cua lột xác
- Có thể thả ghép một số cá rô phi, cá chép… vào ao nuôi để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa của Cua, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước trong ao nuôi Cua thương phẩm.
- Vào các tháng mùa hè tăng cường thêm vật trú ẩn, tạo bóng mát cho cua giúp Cua sinh trưởng phát triển tốt trong mùa hè.
4.4. Công tác phòng cho Cua:
Để phòng bệnh cho Cua đồng trong quá trình nuôi thương phẩm cần làm tốt công tác phòng bệnh chung nhằm hạn chế Cua bị bệnh cụ thể:
- Cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, nguồn nước cấp cho ao nuôi phải đảm bảo trong sạch, không bị ô nhiễm.
- Chọn Cua giống khỏe mạnh, đồng đều kích cỡ, tốt nhất là sử dụng ngồn giống sinh sản nhân tạo để nuôi.
- Thả giống đúng mùa vụ, đúng mật độ, trước khi thả giống cần sát khuẩn cho Cua bằng cách tắm qua nước muối loãng 2 - 3‰, trong thời gian 10 - 15 phút.
- Cho Cua ăn đầy đủ thức ăn, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, đúng giờ phù hợp với tập tính ăn về đêm của Cua. Thực hiện tốt công tác quản lý thức ăn nhằm tránh thừa, thiếu thức ăn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của Cua nuôi.
- Thực hiện tốt chế độ phòng bệnh cho Cua nuôi, định kỳ sử dụng thuốc phòng bệnh và thường xuyên sử dụng Vitamin C, khoáng trộn vào thức ăn cho Cua ăn hàng ngày để tăng sức đề kháng và giúp Cua tăng trưởng tốt.
- Quản lý ao nuôi chặt chẽ, duy trì nguồn nước trong ao sạch luôn trong sạch, từ tháng nuôi thứ 3 trở đi, duy trì chế độ luân chuyển nước thường xuyên và thay nước định kỳ đảm bảo môi trường nước trong ao luôn trong sạch, kích thích Cua lột xác trong quá trình nuôi.
- Định kỳ 15 ngày/lần bón vôi xử lý môi trường ao nuôi với lượng 2 kg/100 m2 vừa đảm bảo môi trường nước sạch vừa có tác dụng giúp Cua nuôi sau khi lột xác nhanh cứng vỏ, kích thích Cua lột xác.
- Định kỳ sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học, khoáng để xử lý môi trường nước, đáy ao nuôi đảm bảo môi trường nước luôn trong sạch và kích thích Cua lột xác giúp Cua tăng trưởng tốt.
4.5. Thu hoạch Cua thương phẩm.
- Sau thời gian nuôi 4 - 5 tháng, Cua đạt kích cỡ 45 - 60 con/kg có thể tiến hành thu hoạch.
- Phương pháp thu hoạch: Có thể tiến hành thu tỉa bằng cách đặt lưới, đó để bắt cua hoặc thu tổng thể bằng cách tháo cạn nước, bắt toàn bộ Cua.
- Cua sau khi thu hoạch phải được tuyển lựa, vệ sinh sạch sẽ và giữa cho Cua sống để nâng cao giá trị, bán được giá cao hơn./.