QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG HAI GIAI ĐOẠN BẰNG LỒNG LÓT BẠT CHO VÙNG NUÔI NƯỚC LỢ VEN BIỂN

Thứ ba - 29/12/2020 22:52 2.096 0
QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI TÔM THẺ CHÂN TRẮNG HAI GIAI ĐOẠN BẰNG LỒNG LÓT BẠT CHO VÙNG NUÔI NƯỚC LỢ VEN BIỂN
A. THÔNG TIN CHUNG.
1. Đối tượng áp dụng: Tổ chức, cá nhân nuôi nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng (Penaewus vannamei) hai giai đoạn bằng lồng lót bạt.
2. Phạm vi áp dụng: Các vùng nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng
3. Quy mô áp dụng:
3.1. Giai đoạn 1.
- Mật độ ương: 1.000 - 3.000 con/m3;
- Cỡ tôm thả: P10 - 12
         - Thời gian ương: 20 - 25 ngày
- Cỡ tôm đạt: 1.000 - 1.200 con/kg
3.2. Giai đoạn 2.
- Mật độ ương: 120 - 125 con/m2;
- Cỡ tôm thả: 1.000 - 1.200 con/kg
         - Thời gian ương: 65 - 80 ngày
- Cỡ tôm thu hoạch: 40 - 60 con/kg
         - Năng suất nuôi: >18 tấn/ha;
         - Hệ sô thức ăn: 1.1;
B. NỘI DUNG QUY TRÌNH
1. Thiết kế hệ thống khu nuôi
1.1. Yêu cầu lựa chọn khu nuôi
- Vị trí đặt lồng nuôi cần đảm bảo được nguồn nước tốt và đầy đủ. Nơi có thể dễ dàng thay nước. Nước có độ mặn 10 - 35 ‰. Ngoài ra, nên có nguồn nước ngọt để sử dụng nhằm ổn định độ mặn ao nuôi. Vị trí đặt lồng nuôi nơi thoáng, thuận lợi giao thông, nguồn điện và an ninh tốt. Cần tránh nơi gió mạnh, nơi ô nhiễm nước thải nông nghiệp hay công nghiệp.
- Đảm bảo các yếu tố môi trường nước:
+ Độ mặn: 10 - 25‰
+ Nhiệt độ nước: 20 - 350C
+ Hàm lượng oxy: >2 mg/l
+ pH: 7,5 - 8,5
- Có vị trí gần đường giao thông và nguồn điện ổn định
- Không bị ảnh hưởng bởi chất thải sinh hoạt và chất thải từ hoạt động của các ngành kinh tế khác.
1.2. Thiết kế khu nuôi:
Khu nuôi đảm bảo có hệ thống ao chứa/lắng, bể ương, bể nuôi,  ao xử lý, chứa chất thải, công trình phụ trợ, trong đó:
- Ao chứa/ao lắng: bao gồm ao chứa, ao lắng: chiếm tối thiểu 25% tổng diện tích công trình nuôi.
- Ao xử lý nước thải, chất thải rắn chiếm tối thiểu 10% tổng diện tích công trình. Vị trí đặt cách ao nuôi, ao chứa, ao lắng và ao nuôi của cơ sở nuôi liền kề tối thiểu 10m.
- Khu chứa nguyên vật liệu (có mái che, thông thoáng, có các kệ riêng biệt để các loại thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc, hóa chất khử trùng...ngăn chặn động vật gây hại); khu chứa xăng dầu riêng biệt, khu sinh hoạt và vệ sinh cho người lao động.
- Diện tích lồng nuôi: 300 - 500 m2
- Chiều cao mực nước: 1,0 - 1,3 m
- Lồng được thiết kế bằng khung thép, bên trong được phủ bạt HDPE có độ dày 0,7 mm.
- Hệ thống lồng có ống thoát nước và mái che bằng lưới.
- Hệ thống cung cấp oxy được thiết kế bằng 1- 2  giàn quạt và hệ thống sục khí đáy. (được bố trí như hình 1)
2. Vận hành hệ thống ao nuôi
2.1. Sơ đồ vận hành hệ thống ao nuôi

Chú thích:
- Ao chứa: lấy nước từ mương cấp qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp, dùng để trữ nước và tự làm sạch tự nhiên,... bảo đảm hạn chế tối đa các mầm bệnh từ nguồn nước cấp. Ao lắng thô được bố trí cạnh mương cấp nước; có độ sâu từ 2-3m (tùy điều kiện thổ nhưỡng) và diện tích chiếm khoảng 20% tổng diện tích khu nuôi.
- Ao lắng: lấy nước từ ao chữa qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp, dùng để trữ nước và tự làm sạch tự nhiên,... bảo đảm hạn chế tối đa các mầm bệnh từ nguồn nước cấp. Ao lắng được bố trí cạnh ao chứa, được lót bạt (nếu có điều kiện), có diện tích và độ sâu như ao chứa.
- Bể ương: lấy nước từ ao lắng tinh qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp, dùng để ương tôm từ giai đoạn post 10 - 12 đến khi tôm đạt kích cỡ 1.000 - 2.000 con/kg. Bể ương được bố trí cạnh ao lắng; có độ sâu mực nước từ 1 - 1,3m; có diện tích 200 - 500 m2 (tùy vào quy mô đầu tư) có hệ thống ống sang tôm, hệ thống oxy đáy, hệ thống quạt nước, hệ thống lưới che;
- Bể nuôi: lấy nước từ ao lắng qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp, dùng để nuôi tôm thương phẩm. Vị trí bể nuôi được bố trí cạnh bể ương và không quá xa ao lắng tinh. Bể nuôi có độ sâu mực nước từ 1-1,3m; có diện tích 200 – 500 m2 (tùy vào quy mô đầu tư) có hệ thống oxy đáy, hệ thống quạt nước, máy cho ăn tự động (nếu có); hệ thống siphon; có hệ thống lưới che và được nối thông với hệ thống ống sang tôm của bể ương.
2.2. Lấy nước và xử lý nước.   
- Đối với ao chứa: nước được bơm từ mương cấp vào ao chứa qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp (gas thái hoặc vải kate) đến khi đạt mức tối đa sức chứa của ao thì dừng. Sau khi cấp đủ nước ao chứa thì tiến hành xử lý nước:
+ Diệt tạp: Sau khi chạy quạt liên tục 2 - 3 ngày tiến hành diệt tạp bằng Saponin 10 - 20g/m3 (nếu độ mặn nước ao thấp <  20‰ nên ngâm trước 1 đêm để tăng hiệu quả diệt tạp).
+ Diệp khuẩn: Sử dung Iodine bột, 400g/1.000 m3 (sử dụng cồn 900 hòa tan Iodin, cứ 5 lít cồn hòa tan 1kg Iodine, sau khi hòa tan hết pha loãng với nước và tạt khắp ao, xử lý lúc 5 - 6 giờ sáng tăng hiệu quả của Iodin do thời điểm đó oxy và pH thấp nhất) hoặc có thể dùng các loại Iodine thành phẩm như: Lasan dine với lượng 0,3 lít/1.000 m3 nước... Ngày hôm sau kiểm tra độ kiềm đạt trên 120mg/l, nếu thấp bón Dolomite, Biocarbonat ...
- Đối với ao lắng: nước được bơm từ ao chứa sau 15 ngày xử lý vào ao lắng qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp (gas thái hoặc vải kate) đến khi đạt mức tối đa sức chứa của ao lắng thì dừng. Sau khi cấp đủ nước ao lắng tinh thì tiến hành xử lý nước: Thả cá rô phi và cấy vi sinh
- Đối với Bể ương: nước được bơm từ ao lắng sau 15 ngày xử lý vào bể ương qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp (gas thái hoặc vải kate) đến khi đạt mức từ 1,0-1,3 m thì dừng. Sau khi cấp đủ nước bể ương thì tiến hành cấy vi sinh cho bể nuôi.
- Tiến hành kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước: chỉ tiêu đạt yêu cầu theo Bảng 2
Bảng 1: Chỉ tiêu môi trường nước thích hợp khi thả giống ương
Chỉ tiêu Ngưỡng thích hợp
pH 7,5-8,5
Oxy hòa tan (DO, mg/l) ≥ 5
Độ mặn (%­­0) 7 ÷ 25
Độ kiềm (mg/l) 100 ÷ 160
Độ trong (cm) 25 ÷ 30
Màu nước Màu vàng rơm hoặc xanh vỏ đậu hoặc nâu nhạt là đạt yêu cầu

- Đối với Bể nuôi: nước được bơm từ ao lắng sau 15 ngày xử lý vào bể ương qua ống lọc có gắn túi lọc 02 lớp (gas thái hoặc vải kate) đến khi đạt mức từ 1,0 - 1,3 m thì dừng. Sau khi cấp đủ nước bể nuôi thì tiến hành cấy vi sinh như bể ương
Định kỳ kiểm tra xử lý nước bể nuôi để đảm bảo các yếu tố môi trường đạt yêu cầu theo bảng 2.
3. Chọn giống, chăm sóc và quản lý bể ương
3.1 Chọn giống và tiến hành ương:
a) Chọn giống:
- Chọn mua tôm giống kích cỡ PL10-12 ở những cơ sở sản xuất có uy tín, tôm bố mẹ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tôm giống đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của ngành và được kiểm soát tốt về an toàn sinh học trại giống;
- Trước khi bắt giống 03 ngày, thông báo với cơ sở sản xuất giống các chỉ số môi trường nước ao ương (pH, độ mặn) để cơ sở sản xuất giống thuần hóa giống phù hợp với các điều kiện ao ương; 
- Kiểm tra chất lượng tôm giống trước khi mua theo yêu cầu, đảm bảo tôm giống phải đạt các tiêu chuẩn sau (Bảng 3):
Bảng 2: Tiêu chuẩn chất lượng tôm giống
Chỉ tiêu Yêu cầu
Kích cỡ Từ PL10 - PL12 . Tỷ lệ đồng đều trên 95%
Màu sắc Màu đặc trưng của loài (sáng bóng)
Đường tiêu hóa (Đường chỉ lưng) Rõ ràng, liền mạch, không đứt đoạn, đầy thức ăn
Hình dạng Đầy đủ phụ bộ, không dị tật, không dị hình
Phản xạ Bơi tán đều, không vón cục, không chìm xuống đáy dụng cụ kiểm tra, có xu thế bơi ngược dòng nước, phản xạ nhanh nhạy khi có tiếng động hoặc ánh sáng chiếu đột ngột.
Soi bệnh phát sáng Lấy mẫu ngẫu nhiên khoảng 100 tôm giống, đưa tôm giống  vào phòng tối, nếu tôm không phát sáng là đạt yêu cầu
Sốc tôm Cách 1. Lấy ngẫu nhiên khoảng 100 tôm giống cùng 2 lít nước trong bể ương, cho thêm 2 lít nước ngọt, để trong 1 giờ, nếu lượng tôm chết dưới 10% là đạt yêu cầu
Cách 2. Lấy khoảng 100 tôm giống cùng 10 lít nước từ bể ương, cho 2 ml formol (nồng độ 200 ppm) và sục khí sau 1 giờ, lượng  tôm chết dưới 10% là đạt yêu cầu.
Kiểm tra bệnh Đưa mẫu tôm tới phòng chuyên môn kiểm tra, đảm bảo 100% tôm không nhiễm các loại bệnh.

- Kiểm tra chất lượng tôm giống khi về vận chuyển về cơ sở nuôi:
+ Các bao tôm giống về ao ương còn nguyên vẹn, đủ lượng oxy; tôm khỏe mạnh; bơi phân tán đều trong bao.
+ Kiểm tra lại pH và độ mặn của 03 túi tôm giống bất kỳ so với pH và độ mặn của ao ương để có biện pháp xử lý (thuần) trước khi thả tôm giống.
- Cỡ giống ương: post 10 - 12.
- Mật độ ương: 1.000 - 3.000 con/m2.
b) Thả giống:
- Mật độ thả 1.000 - 3.000 con/m2;
- Vị trí và thời điểm thả giống: thả giống ở những vị trí đầu gió vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát;
- Cách thả giống: trước tiên ngâm các bao tôm giống xuống bể ương trong thời gian từ 15-20 phút cho cân bằng nhiệt độ; sau đó mở bao cho tôm giống bơi từ từ ra ngoài.
Lưu ý: Trước khi thả tôm giống vào bể ương cần tiến hành sục khí, chạy quạt bể ương trong thời gian ít nhất 30 phút và kiểm tra các chỉ tiêu môi trường bể ương (đạt chỉ tiêu môi trường tại Bảng 1).
3.2. Chăm sóc và quản lý bể ương (giai đoạn 1)
- Thời gian ương: Trung bình từ 20 - 25 ngày (tùy theo sự phát triển của tôm để bố trí thời gian ương hợp lý)
- Kích cỡ tôm ương đạt yêu cầu nuôi thương phẩm: từ 1.000 - 2.000 con/kg.
3.2.1. Thức ăn và cách cho ăn:
- Đưa vi khuẩn dị dưỡng đã được tăng sinh trong thùng nhựa vào lồng và bổ sung mật rỉ đường vào khoảng 8 – 9h sáng. Lượng sử dụng mỗi ngày là 15 lít dịch vi khuẩn tăng sinh và 1 lít mật rỉ. Làm liên tục trong 5 ngày thì có thể thả tôm giống. Ngày đầu tiên khi đưa hỗn hợp xuống ao sử dụng thêm 10 kg bột zeolite loại tốt.
- Duy trì mật độ biofloc từ 1,5 - 2,5 ml/l nước ao.
- Sử dụng thức ăn công nghiệp loại chuyên dùng cho tôm thẻ, có hàm lượng đạm từ 38 - 42%. Khi tôm nhỏ cho ăn với khẩu phần 10 - 15% trọng lượng thân, giảm dần trong quá trình nuôi, tới khi tôm lớn (cỡ 50 - 60 con/kg) cho ăn với khẩu phần 2 - 2,5%. Cho tôm ăn ngày 4 cữ: 7h, 11h, 15h, 19h.
- Sử dụng sàng để kiểm tra sức ăn của tôm. Tỷ lệ bỏ nhá khi tôm còn nhỏ là 1%, tăng dần trong quá trình nuôi, tới khi tôm lớn tỷ lệ bỏ nhá là 3%. Thời gian kiểm tra nhá từ 2 giờ giảm dần trong quá trình nuôi, tới khi tôm lớn thời gian là 45 phút.
- Định kỳ bổ sung Vitamin C, Vitamin tổng hợp, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi, đặc biệt vào những thời điểm thay đổi thời tiết, nắng nóng...
3.2.2. Quản lý ao nuôi:
- Quản lý môi trường: Theo dõi các yếu tố môi trường như: pH, độ kiềm, oxy... hàng ngày để có biện pháp ổn định kịp thời. Định kỳ kiểm tra hàm lượng khoáng trong nước để bổ sung thêm.
- Quản lý mật độ floc trong lồng: Khi biofloc có xu hướng giảm mật độ, cần kiểm tra lại oxy hòa tan, hoạt động khuấy đảo của hệ thống sục khí quạt nước và tăng cường bổ sung thêm dịch tăng sinh vi khuẩn tạo biofloc, mật rỉ đường, kết hợp với thay hoặc châm thêm 10% nước.
- Quản lý dịch bệnh: Thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm, chú trọng các bệnh về đường ruột và gan.
3.3. Chăm sóc và quản lý ao nuôi (giai đoạn 2)
3.3.1. Sang tôm:
Tôm giống sau khi ương 20 - 25 ngày đạt kích cỡ từ 1.000 - 2.000 con/kg thì tiến hành đưa sang bể nuôi (sang tôm), chăm sóc đến khi thu hoạch.
- Trước khi sang tôm cần tiến hành các công việc sau:
+ Lấy nước từ bể nuôi sang bể ương để thuần tôm để tránh hiện tượng tôm bị sốc khi sang qua bể nuôi (chú ý: nước bể nuôi đã được xử lý và kiểm tra quản lý định kỳ);
+ Đo và điều chỉnh các chỉ tiêu môi trường nước giữa bể ương và nước bể nuôi: giá trị pH không chênh nhau quá 0,2, độ mặn không quá 2‰.
- Sang tôm: thực hiện theo các bước sau:
+ Tháo ống sang tôm để tôm di chuyển từ bể ương sang bể nuôi;
+ Mật độ nuôi: từ 100 - 300 con/m2;
+ Sau khi sang tôm tiếp tục cấp nước từ ao lắng vào bể nuôi đạt mực nước 60 - 70 cm để chạy quạt, các ngày tiếp theo, mỗi ngày cấp bù 10 cm cho đến khi bể nuôi đạt mực nước 1,0 - 1,3 m.
Lưu ý: sang tôm vào ngày thời tiết ổn định, thời gian từ 9 - 10h sáng (sau khi cho tôm ăn khoảng 3 giờ); không sang tôm vào thời kỳ lột xác.
3.3.2 Chăm sóc và quản lý tôm trong bể nuôi thương phẩm
Tương tự giai đoạn 1 (giai đoạn ương)
4. Cách phòng và trị bệnh
4.1.  Phòng bệnh tổng hợp
+ Làm sạch môi trường nước và hệ thống ao chưa, ao lắng, bể nuôi:
- Nguồn nước lấy vào ao chứa phải sạch, không bị nhiễm độc
- Nước lấy vào bể ương, bể nuôi là nguồn nước đã được xử lý tại hệ thống ao chứa và ao lắng/
- Thường xuyên sử dụng một số chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi.
+ Tăng sức đề kháng cho tôm:
- Chọn giống phải khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều, không dị hình.
- Thường xuyên bổ sung Vitamin và khoáng vào thức ăn.
- Tránh không làm tôm bị sốc.
+ Ngăn ngừa bệnh:
- Chọn con giống đã qua kiểm dịch.
- Tuân thủ lịch mùa vụ.
- Không thả cỡ tôm quá nhỏ, không nên nuôi với mật độ quá dày.
4.2.  Một số bệnh thường gặp
* Bệnh gan tụy ( Hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính EMS ) 
- Giai đoạn nhiễm bệnh:
 Trong suốt quá trình nuôi, tập trung nhiều ở giai đoạn 10 - 45 ngày sau khi thả nuôi.
- Triệu chứng lâm sàng:
+ Giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh chưa rõ ràng.
+ Tôm chậm lớn, lờ đờ, bỏ ăn, tấp mé bờ và chết ở đáy bể nuôi.
+ Giai đoạn tiếp theo, tôm bệnh có hiện tượng vỏ mềm, màu sắc cơ thể biến đổi, gan tụy mềm nhũn, sưng to hoặc bị teo lại.
- Dấu hiệu bệnh:
+ Tổ chức gan tụy thoái hóa tiến triển cấp tính.
+ Các tế bào của tổ chức gan tụy có nhân lớn bất thường và có hiện tượng bong tróc tế bào biểu mô ống lượn và bị viêm nhẹ.
+ Giai đoạn cuối của hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính có sự tập hợp của tế bào máu ở giữa ống gan tụy và nhiễm khuẩn thứ cấp.
- Biện pháp phòng bệnh:
+ Tuân thủ lịch mùa vụ thả nuôi và chọn con giống thả nuôi đảm bảo chất lượng.
+ Thực hiện qui trình nuôi (chỉ sử dụng chế phẩm sinh học và thức ăn thích hợp, đảm bảo chất lượng, không để dư thừa thức ăn) theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản.
+ Loại bỏ mầm bệnh EMS và các tác nhân gây bệnh khác trong bể nuôi.
+  Sản xuất con giống có khả năng kháng bệnh EMS. Chỉ thả giống khỏe mạnh và không nhiễm bệnh.
+ Khử trùng bằng các phương pháp như dùng iodine hay ozon…
+ Quản lý chặt chẽ chất lượng nước, các yếu tố môi trường, duy trì màu nước ổn định không để tảo chết là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.
- Khi tôm nuôi được 20 ngày tuổi, cho ăn thức ăn phòng bệnh: Sử dụng thuốc bổ gan Boganic với lượng 2 viên/kg, 1 lần/ngày cho ăn liên tục từ 10 - 15 ngày.
- Cần thường xuyên theo dõi sức khoẻ tôm để phát hiện tôm bị bệnh sớm nhằm đưa ra giải pháp điều trị thích hợp.
* Bệnh Phân trắng
- Tác nhân gây bệnh:
+ Bệnh này do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do  virus vi khuẩn, ký sinh trùng, yếu tố môi trường, trong đó tác nhân chủ yếu là vi bào tử thuộc giống Plexstophora và vi khuẩn thuộc giống Vibrio.
+ Bệnh thường xuất hiện trong mùa nắng nóng, nhiệt độ nước cao, mật độ nuôi cao; tôm dễ bị bệnh khi nuôi được từ 40 đến 80 ngày. Đặc biệt, bệnh thường xuất hiện khi thời tiết bất thường (nắng nóng, mưa kéo dài hoặc khi thời tiết thay đổi).
- Dấu hiệu bệnh:     
Khi tôm bị bệnh, kiểm tra sàn/nhá/vó sẽ thấy phân dài > 1cm là có dấu hiệu bệnh, phân tôm màu trắng trên sàn ăn hoặc nổi trên mặt nước. Tôm bị phân trắng sẽ giảm ăn hoặc ăn không tăng theo tuổi. Kiểm tra tôm sẽ thấy ruột tôm không đầy thức ăn, có những đốm màu vàng cát ở phần cuối ruột. Tôm bị óp, vỏ mỏng, teo nhỏ dần và chậm lớn.
- Cách phòng ngừa:
 + Để phòng ngừa bệnh này, cần phải chuẩn bị bể nuôi sạch sẽ ngay từ đầu. Không sử dụng thức ăn bị nấm, mốc.
+ Trong quá trình nuôi quản lý chặt chẽ các yếu tố môi trường; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường. Thay nước định kỳ và sử dụng hóa chất diệt khuẩn sẽ giúp hạn chế bệnh phân trắng, đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng, mưa kéo dài.
+ Tăng cường men vi sinh tiêu hóa, giúp tôm hấp thụ thức ăn tốt hơn. Bổ sung vitamin và khoáng chất giúp tôm tăng cường sức khỏe và giảm căng thẳng (stress). Đối với những con tôm bị chết phải vớt ra khỏi ao để tránh tình trạng bệnh lây lan do tôm khỏe ăn tôm bệnh.
 - Cách trị bệnh:
+ Áp dụng triệt để biện pháp phòng bệnh tổng hợp
+ Sử dụng vi sinh và một số men tiêu hóa trộn cho ăn để tăng cường hệ vi sinh đường ruột và giúp tôm tiêu hóa tốt, kết hợp làm sạch môi trường bể nuôi bằng một số loại diệt khuẩn nhẹ như: Iodine, Nano bạc ...
*  Bệnh đốm trắng
- Tác nhân gây bệnh:
Bệnh do White spot syndrome virus (WSSV) gây ra. Bệnh có khả năng gây chết cao, tỷ lệ gây chết lên đến 100% sau 3 đến 10 ngày phát bệnh.
- Dấu hiệu bệnh:
+ Tôm có thể bị chuyển sang màu hồng đỏ, bơi lờ đờ trên mặt nước, khả năng tiêu thụ thức ăn giảm rõ ràng.
+ Cơ thể tôm xuất hiện các đốm trắng tròn dưới vỏ, tập trung chủ yếu ở giáp đầu ngực và đốt bụng cuối cùng.
- Cách phòng ngừa:
Để phòng bệnh cần thực hiện tốt các nguyên tắc sau:
+ Xét nghiệm, chọn tôm bố mẹ, tôm giống không nhiễm WSSV, có chất lượng tốt;
+ Chọn mùa vụ nuôi thích hợp;
+ Ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh thông qua vật chủ trung gian như: Các loài giáp xác hoang dã ...
+ Quản lí và theo dõi chặt chẽ môi trường nước bể nuôi.
5. Thu hoạch và bảo quản:
- Chuẩn bị thu hoạch
Trước khi quyết định thu hoạch cần thống nhất giá cả và thời gian giao nhận sản phẩm với cơ sở thu mua. Các dụng cụ phục vụ  thu hoạch (lưới, vợt, rổ đựng, đòn khênh...) phải đầy đủ và đang trong tình trạng hoạt động tốt.
Chọn thời điểm tôm có giá tốt khi tôm đạt kích cỡ để thu hoạch. Trước khi thu hoạch theo dõi chu kỳ lột xác của tôm, tránh thu tôm khi đang trong chu kỳ lột xác.
- Thu hoạch và bảo quản
Thu hoạch và vận chuyển tôm vào thời điểm trời mát (sáng sớm hoặc chiều mát); tránh làm tôm bị dập nát; bảo quản lạnh và thời gian vận chuyển đến nơi sơ chế, chế biến đảm bảo yêu cầu.
Người thu hoạch phải thực hiện vệ sinh cá nhân đúng quy định trước khi tham gia vào hoạt động thu hoạch, vận chuyển tôm thương phẩm.
Các dụng cụ thu hoạch, phương tiện vận chuyển chuyên dùng phải được vệ sinh khử trùng trước và sau khi sử dụng./.

Tác giả bài viết: Thạc sỹ Trương Văn Toản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay3,579
  • Tháng hiện tại133,757
  • Tổng lượt truy cập10,411,149
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây