Thời điểm thực hiện xi phông phụ thuộc vào giai đoạn nuôi. Giai đoạn từ 1 – 20 ngày tuổi, khi lượng chất thải chưa nhiều, có thể xi phông 2 – 3 ngày/lần để giữ đáy sạch và tránh khuấy động đáy quá mạnh. Từ 20 – 45 ngày tuổi, lượng phân và thức ăn dư thừa bắt đầu tăng, nên thực hiện xi phông hàng ngày hoặc cách nhật, nhất là sau mỗi cữ cho ăn 2 – 3 giờ. Từ ngày 45 trở đi đến khi thu hoạch, cần tăng cường xi phông mỗi ngày, đặc biệt vào sáng sớm, để loại bỏ phân, xác tảo và chất lắng tụ trước khi nắng gắt làm gia tăng hoạt động phân hủy yếm khí.
Xử lý nước sau xi phông là bước cần thiết để ổn định môi trường ao nuôi. Ảnh: VM
Thiết bị xi phông nên được thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả. Loại phổ biến nhất là ống nhựa mềm có đường kính từ 34 – 42 mm, đủ lớn để hút cả phần cặn thô mà không làm nghẽn dòng chảy. Một đầu ống được đặt sát đáy, đầu còn lại dẫn ra ngoài hoặc vào hố lắng. Nên lắp thêm lưới chắn đầu ống để tránh hút phải tôm, đặc biệt là khi xi phông gần sàng ăn. Một số trại lớn có thể đầu tư hệ thống xi phông cố định bằng ống PVC âm đáy, kết hợp van bi điều khiển xả đáy định kỳ vào bể xử lý, giúp tiết kiệm nhân công và tăng tính tự động.
Trước hết, cần quan sát đáy ao để xác định khu vực cần hút – thường là vùng quanh sàng ăn, giữa ao hoặc nơi dòng chảy yếu. Hạ đầu hút từ từ xuống sát đáy ao, tránh làm khuấy động lớp bùn. Mở van từ từ để tạo dòng chảy đều, quan sát nước ra có mang theo phân, xác tảo hay không. Khi nước ra trong dần, chuyển sang khu vực tiếp theo. Quá trình xi phông không nên kéo dài quá lâu mỗi lần, tránh thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường. Tốt nhất nên xi phông vào sáng sớm khi ôxy hòa tan cao, không nên thực hiện sau 8 giờ tối do nguy cơ thiếu ôxy tầng đáy.
Bước 1: Xác định khu vực cần xi phông – thường là nơi tôm tập trung ăn, đáy tụ phân như khu vực quanh sàng ăn, giữa ao hoặc cuối dòng chảy.
Bước 2: Đặt đầu hút xi phông nhẹ nhàng xuống sát đáy (tránh tạo luồng xoáy mạnh).
Bước 3: Mở van hoặc dùng lực hút tạo dòng chảy (có thể hút bằng miệng hoặc bơm hỗ trợ), để nước đáy cuốn theo phân tôm, xác tảo ra ngoài.
Bước 4: Quan sát dòng hút – khi nước trong dần, tạm ngưng và chuyển vị trí khác.
Bước 5: Dừng xi phông sau khi xử lý toàn bộ các khu vực cần thiết, không xi phông quá nhiều gây sốc môi trường.
Sau khi xi phông, môi trường nước có thể thay đổi nhẹ. Do đó, cần tiến hành các bước xử lý phù hợp để tái tạo vi sinh và ổn định chất lượng nước. Nếu nước sau xi phông trong và không có mùi hôi, có thể bổ sung men vi sinh như Bacillus subtilis liều 500 g/1.000 m³ nước kết hợp với Zeolite 7 – 10 kg/1.000 m³. Nếu đáy có mùi hôi nhẹ, có thể tạt EM gốc pha loãng liều 1 lít/1.000 m³, hoặc dùng chế phẩm sinh học có chứa nhóm phân hủy protein. Trong trường hợp đáy bị phân hủy mạnh, có thể cần bổ sung CaCl2 liều 15 kg/1.000 m³ để tăng độ kiềm và giảm độc tố. Ngoài ra, bổ sung khoáng tổng hợp và Vitamin C trộn vào thức ăn (liều 2 – 3 g/kg thức ăn) trong 2 – 3 ngày sau xi phông giúp tôm nhanh hồi phục.
Nước xi phông xả ra ao ngoài không nên thải trực tiếp ra môi trường. Nên xây hố lắng chứa nước xi phông, có xử lý bằng vôi nông nghiệp hoặc Dolomite (liều 5 – 7 kg/m³ nước xi phông), giữ lại ít nhất 24 giờ rồi mới xả. Biện pháp này giúp giảm ô nhiễm nguồn nước xung quanh và tránh lây lan mầm bệnh.
Hoàng Ngân
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc