Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng nhiễm phèn trong ao nuôi tôm là do vùng đất xây ao chứa nhiều lưu huỳnh (Sulfur). Chất này phối hợp với sắt có trong phù sa và lớp trầm tích dưới đáy ao để tạo thành FeS2, còn được biết đến với tên gọi pyrite sắt hoặc phèn. Khi pyrite tiếp xúc với không khí trong đất ẩm, nó sẽ bị ôxy hóa tạo thành axit Sulfuric và ôxit sắt. Axit sulfuric này sẽ làm tan sắt và các kim loại nặng khác như nhôm, kẽm, đồng có trong đất, từ đó tạo thành các chất tạp gây ra hiện tượng phèn cho ao.
Thường xuyên kiểm tra và đo độ Ph trong ao nuôi
Ngoài ra, hiện tượng mưa lớn, lũ lụt cũng có thể góp phần làm cho đất bị xói mòn và rửa trôi phèn xuống ao, tăng thêm nguy cơ phát sinh hiện tượng nhiễm phèn trong ao nuôi.
Phèn ảnh hưởng đến quá trình hoạt hóa của enzyme trong cơ thể tôm và các cơ quan khác của chúng.
Phèn cũng bám vào mang tôm cản trở hô hấp làm cho tôm mất nhiều năng lượng, giảm tốc độ sinh trưởng, tôm chậm lớn.
Tôm bị vàng chân, vỏ tôm cứng hơn bình thường, mang tôm sẽ chuyển sang màu vàng và chai cứng lại.
Tôm giảm tỷ lệ sống, nếu ao bị phèn nặng tôm sẽ dạt bờ tấp mé và chết rải rác.
Phèn gây khó khăn trong việc tạo màu nước cho ao, điều này làm cho việc phát triển của các loại tảo có lợi bị chậm lại. Ao nuôi tôm nhiễm phèn thường có pH thấp, ngăn chặn sự khuếch tán ion Na+ và K+ từ môi trường ngoài vào, gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành vỏ tôm.
Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết đó là nước ao có màu trà nhạt, trong suốt hơn và có lớp váng vàng xuất hiện trên mặt nước. Người nuôi có thể kiểm tra thấy pH trong ao giảm, tôm thường bỏ ăn sau khi trời mưa. Vùng đất chứa nhiều phèn sẽ có màu xám đen.
Hạ phèn bằng vôi: Có thể dùng vôi (liều lượng vừa phải) để khử phèn ao tôm và nâng pH, tạo hệ đệm cho ao nuôi. Rải vôi vào lúc chiều mát và cấp nước vào ngày hôm sau. Theo cách này, người nuôi không nên rải vôi và phơi ao quá lâu. Lưu ý, không nên bổ sung quá nhiều vôi sẽ tạo ra thạch cao không tốt cho ao nuôi.
Hạ phèn bằng vi sinh: Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay bởi vi sinh có khả năng tồn tại trong môi trường nước phèn và giúp ôxy hóa cả phèn sắt và nhôm. Bằng cách sử dụng các loại vi khuẩn có khả năng phân hủy phèn rải đều vào ao nuôi, sau 3 – 5 ngày vi khuẩn sẽ phân hủy các chất gây phèn làm cho ao nuôi hết phèn. Ngoài ra, vi sinh cũng có tác dụng phân hủy các chất hữu cơ dư thừa như thức ăn, xác tảo, phân,… giúp giảm khí độc và mùi hôi trong ao nuôi. Ưu điểm của phương pháp này là tiết kiệm, thân thiện với môi trường và mang lại hiệu quả cao, đồng thời kéo dài được thời gian sử dụng.
Lựa chọn địa điểm nuôi tôm ở vùng đất ít bị nhiễm phèn, kiểm tra phèn thật kỹ ở vùng đất chuẩn bị thả nuôi.
Thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh pH của nước trong ao. Độ pH lý tưởng cho ao nuôi tôm thường nằm trong khoảng từ 7,5 đến 8,5. Sử dụng vôi hoặc các chất điều chỉnh pH khi cần thiết để duy trì độ pH ổn định.
Sử dụng nguồn nước sạch và đã qua xử lý để nuôi tôm. Tránh sử dụng nước từ các nguồn ô nhiễm hoặc không rõ nguồn gốc.
Cập nhật thông tin về thời tiết để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học có lợi để cải thiện môi trường nước và ngăn ngừa nhiễm phèn. Các chế phẩm này có thể giúp phân hủy chất hữu cơ, cải thiện chất lượng nước và tăng cường sức đề kháng cho tôm.
Nguyễn Hằng
Nguồn tin: thuysanvietnam.com.vn
Ý kiến bạn đọc