QUY TRÌNH KỸ THUẬT Nuôi thương phẩm cá Ngạnh (Cranoglanis henrici Vaillant, 1893) trong ao đất phù hợp với điều kiện tại Nghệ An

Thứ năm - 12/01/2023 22:36 1.239 0
QUY TRÌNH KỸ THUẬT Nuôi thương phẩm cá Ngạnh (Cranoglanis henrici Vaillant, 1893) trong ao đất phù hợp với điều kiện tại Nghệ An
1. Xuất xứ quy trình.
Quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Ngạnh (Cranoglanis henrici Vaillant, 1893) trong ao đất quy mô công nghiệp phù hợp với điều kiện Nghệ An do Trung tâm giống thủy sản Nghệ An chủ trì biên soạn dựa trên kết quả thực hiện chuyên đề: “Ứng dụng công nghệ, xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Ngạnh (Cranoglanis henrici Vaillant, 1893) trong ao đất tại Nghệ An”, được Trung tâm giống thủy sản Nghệ An chủ trì thực hiện.
2. Đối tượng và phạm vi áp dụng.
2.1. Đối tượng áp dụng: Quy trình này quy định trình tự, nội dung và yêu cầu kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Ngạnh (Cranoglanis henrici Vaillant, 1893) trong ao đất quy mô công nghiệp tại Nghệ An.
 
Hình 1: Cá Ngạnh (Cranoglanis henrici Vaillant, 1893)
2.2. Phạm vi áp dụng: Áp dụng cho các cơ sở, hộ dân nuôi thuỷ sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

3. Nội dung quy trình kỹ thuật.
3.1. Điều kiện ao nuôi:
- Gần nguồn nước, ao có thể chủ động cấp, thay nước thuận lợi. Do cá ngạnh, có đặc điểm phân bố ở các con sông lớn, nên giai đoạn đầu thuần hóa, cần tạo dòng chảy trong ao cho cá thích nghi. Hoặc cấp thay nước khi cần thiết.
- Chất đất: đất thịt, đất pha cát để chống sự thẩm lậu mất nước.
- Đáy ao băng phẳng, hơi dốc về cống thoát và có độ bùn dày 20 - 30 cm
- Diện tích từ 1.000 m2 trở lên, tốt nhất chọn ao hình chữ nhật
- Độ sâu mực nước tốt nhất từ : 1,2 - 1,5 m
- Bờ ao chắc chắn, không bị rò rỉ, bờ cao hơn mặt nước 50 - 60 cm.
- Độ pH 6,5 - 8
- Oxy hòa tan: >3 mg/l
- Nguồn nước cấp không bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và nông nghiệp.
3.2.  Chuẩn bị ao nuôi:
- Chặt tỉa các cây cối cớm rợp quanh bờ cho thoáng đãng.
- Bơm cạn ao, tạt vôi xử lý với lượng: 7 - 10 kg/100m2 ao .
- Phơi ao 2 - 3 ngày nhằm khử trùng và thoát khí độc trong ao. Sau đó lấy nước vào ao nuôi từ 45 - 50 cm.
- Gây màu nước: Bón phân hoặc men vi sinh để gây màu nước tạo thức ăn tự nhiên, môi trường thuận lợi trước khi thả cá giống.
+ Phân hữu cơ ủ hoai (Phân gà, phân lợn…) với lượng 20 - 30 kg/100 m2 ao rải đều khắp ao.
+ Phân xanh 40 - 50 kg/100m2  bó thanh từng bó dìm xuống ao, tháo nước vào ao ngâm 5 - 7 ngày rồi rũ cọng lấy lên bờ,  tiếp tục lấy nước vao đủ 1,2 - 1,5 cm. Khi lấy nước phải có lưới lọc ngăn cá tạp vào ao.
3.3. Thả cá giống
3.3.1. Chất lượng cá giống
Nguồn cá giống để thả nuôi thương phẩm được lấy từ nguồn sản xuất nhân tạo hoặc nguồn giống ngoài tự nhiên sau đó được thuần hóa trước khi nuôi thương phẩm. Vì vậy khâu tuyển chọn cá giống rất quan trọng giúp tăng tỷ lệ sống và góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong quá trình nuôi, vì vậy cá Ngạnh giống phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Cá giống phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, đồng đều kích cỡ, bợi hoạt động nhanh nhẹn, không bệnh tật, dị hình dị tật, không bị xây xát mất nhớt. Nếu cá có nguồn gốc ngoài tự nhiên tốt nhất mua từ những hộ đánh bắt bằng chài lưới cá sẽ phát triển tốt hơn, tránh mua cá giống từ kích điện hoặc câu cá sẽ chậm lớn và thường hao hụt lớn sau khi thả.
- Kích cỡ cá thả đồng đều tốt nhất: 8 - 10 cm, tương đương với kích cỡ cá giống 12 - 15g/con.
- Mật độ thả: 1 con/m2
3.3.2 Vận chuyển và thả cá giống
a) Vận chuyển cá giống.
- Hiện nay, có 2 phương pháp để vận chuyển cá Ngạnh giống đó là vận chuyển hở  trong thùng sắt (hoặc Composite) và vận chuyển kín trong túi nilon có bơm oxy.
+ Vận chuyển kín: Chủ yếu áp dụng khi vận chuyển cá giống đường dài, thời gian vận chuyển tương đối lâu. Phương tiện vận chuyển thường được sử dụng là xe máy, ô tô, hoặc máy bay. Dụng cụ vận chuyển cá giống trong phương pháp này có thể sử dụng các túi nilon có bơm oxy.
Túi Nilon (dài 1,0 - 1,2 m,  rộng 0,6m) lồng 2 lớp, được buộc xoắn gập bằng dây cao su. Khi vận chuyển mỗi túi chứa 20 - 25 lít nước, có bơm oxy. Mật độ vận chuyển: 2 - 3 kg/túi. Thời gian vận chuyển trên 10 giờ, tỷ lệ sống trên 95%.
+ Vận chuyển hở: Chủ yếu áp dụng khi vận chuyển cá trong quãng đường ngắn (thời gian vận chuyển dưới 8 tiếng). Có thể dùng bể Composite, sọt, hoặc thùng sắt lót bạt hoặc nilon chở bằng xe máy hoặc ô tô. Mức nước cấp chiếm 2/3 - 3/5 dụng cụ, chú ý nước cấp phải sạch, không có nhiều chất hữu cơ hoặc kim loại nặng, các khí độc… Dụng cụ vận chuyển được bao đậy 1 lớp lưới chắn trên miệng thùng, có bố trí sục khí. Mật độ vận chuyển 3 - 5 con/ lít nước. Vận chuyển sau 2 - 3 giờ phải thay nước mới cho cá. Thời gian vận chuyển 6  - 8 giờ, tỷ lệ sống trên 80%.
Trong đó, vận chuyển bằng phương pháp vận chuyển kín trong bao nilon có bơm oxy thường áp dụng nhiều nhất vì đem lại hiệu quả tốt nhất và cá đạt tỷ lệ sống cao hơn sau khi thả nuôi.
- Cá giống trước khi vận chuyển được ép luyện, bỏ đói 1 ngày
- Vận chuyển cá Ngạnh vào lúc trời mát. Nếu nắng nóng nên chọn thời điểm vận chuyển vào ban đêm và có bỏ thêm đá lạnh vào túi vận chuyển (0,5 - 1 kg đá lạnh/bao).
- Trong quá trình vận chuyển thường xuyên kiểm tra để có biện pháp xử lý kịp thời nếu có sự cố xảy ra.
- Thời gian vận chuyển đến khi thả dưới 12 giờ tốt nhất.
- Kết quả vận chuyển cá Ngạnh giống thường đạt tỷ lệ sống trên 95%.
b) Thả cá giống
- Mùa vụ thả: Có thể thả từ lúc có nguồn góc từ sinh sản nhân tạo hoặ từ ngoài tự nhiên. Tập trung nhiều nhất vào tháng 2 - 3 hoặc tháng 7 - 8 hàng năm.
- Cá sau khi vận chuyển về nên ngâm bao cá trong ao nuôi từ 10 - 15 phút cho cân bằng nhiệt độ ở trong túi và ao nuôi tránh cá bị sốc sau khi thả
- Cá trước khi thả được tắm qua dung dịch nước muối (NaCl) 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút nhằm xát khuẩn, trị vết thương cho cá do quá trình vận chuyển.
- Tính toán thời gian vận chuyển thả cá vào lúc sáng sớm, trời mát.
- Mật độ thả: Tùy vào điều kiện kinh tế và kỹ thuật quản lý tốt có thể thả cá Ngạnh với mật độ 1 - 2 con/m2.
- Trong ao nuôi cá ngạnh có thể thả ghép thêm cá mè với mật độ 10 - 15 con/100 m2 nhằm tận dụng môi trường nước, nguồn thức ăn tảo trong ao.  
3.4. Chăm sóc và quản lý:
3.4.1 Thức ăn:
- Thức ăn sử dụng cho cá Ngạnh là thức ăn công nghiệp viên nổi có kích cỡ viên 1 - 5 mm tùy theo kích cỡ miệng cá, thức ăn có hàm lượng đạm cao 40% protein đối với giai đoạn cá giống; Hàm lượng đạm 35% protein  đối với nuôi thương phẩm.
- Hàng ngày cá được cho ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Với tỷ lệ cho ăn được tính theo % khối lượng cơ thể, có điều chỉnh theo thời tiết, tình trạng môi trường ao nuôi, tình trạng sức khoẻ cá nuôi và nhu cầu sử dụng thức ăn của cá để điều chỉnh cho phù hợp. Tỷ lệ cho cá ăn theo tháng nuôi giảm từ 4 - 3 - 2 % khối lượng cơ thể/ngày (Có bảng chế độ cho ăn chi tiết kèm theo).
- Định kỳ bổ sung Vitamin C với lượng 5g/kg thức ăn, thuốc bổ gan (Boganic) 5 ml/kg thức ăn, bằng cách trộn đều vào thức ăn ủ khoảng 15 - 30 phút trước khi cho ăn nhằm tăng cường sức đề kháng, phòng bệnh cho cá và kích thích cá phát triển.
3.4.2 Quản lý:
- Hàng ngày, vào sáng sớm quan sát ao nuôi, các hoạt động của cá. Tình hình sử dụng thức ăn và các hiện tượng khác bất thường để xử lý. Nếu thấy cá có dấu hiệu bị bệnh phải xử lý ngay không để bệnh lây lan.
- Khi cá có dấu hiệu bị bệnh cần giảm lượng thức ăn. Trộn kháng sinh vào thức ăn nhằm trị bệnh.
- Thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy lý, thủy hóa của ao nuôi, cấp, thay nước mới định kỳ tuần/lần nhằm kích thích cá phát triển.
- Định kỳ 10 - 15 ngày tạt vôi với lượng 2 - 3 kg/100m2 ao nhằm khử trùng ao nuôi phòng bệnh cho cá.
- Định kỳ 15 ngày dùng men vi sinh xử lý môi trường ao nuôi, tạo môi trường trong sạch giảm bệnh và giúp cá phát triển tốt hơn.
- Định kỳ hàng tháng kéo lưới kiểm tra theo dõi sự phát triển của cá
3.5. Phòng và trị một số bệnh thường gặp trên cá Ngạnh
3.5.1 Phòng bệnh
Cá Ngạnh nói riêng và các loài thủy sản nói chung khi xảy ra bệnh rất khó chữa trị nếu chữa khỏi cũng sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá do đó phòng không để xảy ra bệnh là rất quan trọng:
- Vệ sinh, khử trùng ao sau mỗi vụ nuôi. Bơm cạn nước tạt vôi với lượng 7 - 10 kg/100m2 ao, phơi khô từ 3 - 5 ngày.
- Thả cá với mật độ phù hợp, không nên nuôi với mật độ quá dày dễ làm ô nhiễm nước và ảnh hưởng đến tăng trưởng của cá.
- Chọn cá giống khỏe mạnh, không có mầm bệnh trước khi thả được tắm qua dung dịch nước muối (NaCl) 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút nhằm xát khuẩn làm lành vết thương do quá trình vận chuyển.
- Thức ăn đảm bảo chất lượng, số lượng. Đảm bảo không dư, thiếu thức ăn. Định kỳ bổ sung thuốc bổ gan (Boganic) với hàm lượng 5 ml/kg thức ăn, VitaminC, khoáng với hàm lượng C 5 - 7 mg/kg thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng, kích thích cá phát triển.
- Đảm bảo môi trường sống tốt cho cá: Định kỳ 15 ngày dùng vôi bột xử lý nước ao và định kỳ 2 lần/tháng dùng men vi sinh xử lý ao nhằm tạo môi trường trong sạch.
3.5.2 Trị một số bệnh thường gặp
a) Bệnh xuất huyết do vi khuẩn.
- Tác nhân gây bệnh: Aeromonas hydrophila; Pseudomonas fluorescens; Streptococcus sp.
- Dấu hiệu bệnh lý: Cá kém ăn hoặc bỏ ăn. Có các đốm đỏ trên thân. Vây xuất huyết, rách nát. Cơ quan nội tạng có thể xuất huyết có các đốm trắng, ruột xuất huyết, nhiều chỗ hoại tử thối nát.
- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh: Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè và mùa thu.
- Phòng trị bệnh:
+ Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
+ Vệ sinh môi trường nuôi bằng vôi.
+ Cung cấp thêm lượng vitamin C.
+ Dùng thuốc Tiên đắc 1 và thuốc kháng sinh trộn vào thức ăn cho cá ăn
b) Bệnh nấm thuỷ mi.
- Tác nhân gây bệnh:  Saprolegnia, Achlya.
- Dấu hiệu bệnh lý: Trên da xuất hiện các vùng trắng xám. Nấm phát triển như đám bông.
- Phân bố và mùa vụ xuất hiện bệnh:  Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, mùa thu và gặp nhiều nhất vào mùa đông.
- Phòng trị bệnh:
+ Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp
+ Làm sạch môi trường nuôi.
+ Tắm cá trước khi thả bằng dung dịch nước muối NaCl) 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút.
+ Hạn chế dồn, kiểm tra cá trong những tháng mùa đông lạnh nhiệt độ nước thấp gây xây xát cá làm cá dễ bị nhiệm bệnh.
+ Dùng thuốc tím (KmnO4) tạt vào nước với nồng độ 2 - 5ppm
c) Viêm ruột xuất huyết
 Do ăn phải thức ăn kém phẩm chất sau nhiễm khuẩn gây viêm và xuất huyết ruột. Để hạn chế thiệt hại dừng ngay thức ăn nghi, thường xuyên kiểm tra thức ăn, tránh cho ăn thừa thức ăn và tránh thức ăn nhiễm nấm mốc, thức ăn có chất lượng kém. Dùng kháng sinh Enrofloxacine trộn thức ăn cho cá ăn 5 ngày liên tục với liều 30 - 50mg/kg cá/ngày, hoặc dùng thuốc Tiên Đắc trộn thức ăn cho cá ăn 5 ngày liên tục với liều 1g/kg cá/ngày, kết hợp bổ sung vitamin C với liều 5 - 10g/kg thức ăn cho cá ăn 5 - 7 ngày 1 đợt.
3.6. Thu hoạch
- Sau thời gian nuôi khoảng 10 - 12 tháng cá đạt cỡ TB từ 0,8 kg/con trở lên có thể thu hoạch. Dùng lưới kéo thu tỉa những con to bán trước hoặc nếu thị trường tiêu thụ tốt có thể thu toàn bộ.
- Nên thu hoạch, bảo quản để cá còn sống sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng cá tốt nhất, bán được giá cao hơn./.  

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Thủy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay5,645
  • Tháng hiện tại138,055
  • Tổng lượt truy cập10,415,447
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây