KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ “Ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Ngạnh (Cranoglanis henrici Vaillant, 1893) trong ao đất tại Nghệ An”
Thứ năm - 12/01/2023 22:391.1980
I - ĐẶT VẤN ĐỀ Cá ngạnh (Cranoglanis henrici Vaillant, 1893) là một trong những loài cá da trơn, quý hiếm, thịt cá màu vàng, săn chắc và đặc biệt có hàm lượng đạm, vitamin và khoáng chất rất bổ dưỡng nên giá trị kinh tế cao. Cá ngạnh là loài đặc trưng cho khu hệ cá ở Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Ở Việt Nam cá phân bố ở hầu hết ở vùng đồng bằng và trung lưu các sông lớn miền Bắc nước ta như: Nam Định, Thanh Hóa (Sông Mã), sông Chảy và ở hồ Thác Bà, Nghệ An (Sông Lam vùng Con Cuông). Cá sống ở tầng đáy và kề đáy, thích sống ở những nơi nước chảy vừa hoặc chảy chậm, đáy nhiều bùn cát. Chúng thường sống từng đàn và thường thấy ở hạ lưu nhiều hơn ở trung lưu và thượng lưu các con sông. Là loài các ăn tạp, rất phàm ăn và phổ thức ăn rất rộng. Thành phần thức ăn đa dạng, gồm thực vật, mảnh vụn hữu cơ và động vật. Trước đây, loại cá này chủ yếu được người dân đánh bắt tự nhiên trên hệ thống sông Hồng, sông Chảy và hồ Thác Bà bằng các cách như: kích điện, khai thác bằng mắt lưới mau, lưới câu nhỏ, đắp đập... Hiện nay, cá ngạnh được coi là cá đặc sản trong các nhà hàng tại miền Bắc. Giá cá ngạnh do ngư dân khai thác được bán với giá từ 150.000 - 200.000đ/kg. Những năm 80 trở về trước sản lượng cá ngạnh chiếm tỷ trọng tương đối lớn, chủ yếu do ngư dân khai thác tại hồ Thác Bà và hồ Hòa Bình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do ảnh hưởng của điều kiện môi trường bị suy thoái, ngư dân dùng thuốc nổ, xung điện, quá trình đắp đập và ngăn sông làm thủy điện dẫn đến sản lượng cá ngạnh giảm sút nghiêm trọng. Hiện tại, cá ngạnh được xếp vào mức nguy cấp bậc V, cần phải bảo vệ gấp. Do cá ngạnh có giá trị kinh tế cao nên hiện nay người dân đã bắt đầu chú trọng và tìm hiểu đến việc nuôi cá Ngạnh, đặc biệt là nuôi trong lồng trên sông. Tuy nhiên, việc nuôi này hoàn toàn từ thu gom con giống tự nhiên, mang tính mùa vụ, công nghệ nuôi chưa ổn định và chưa có quy trình nuôi hoàn chỉnh. Với mục đích từng bước đáp ứng nhu cầu con giống và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm, năm 2013, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái đã triển khai dự án: “Nuôi cá ngạnh trong lồng trên hồ Thác Bà”. Dự án đã thiết kế 12 lồng nuôi thử nghiệm bằng tre và lưới chuyên dụng, quy mô 480 m3. Tổng số cá giống đưa vào nuôi thử nghiệm là 4.320 con. Trong quá trình nuôi thử nghiệm cá có tốc độ tăng trưởng tốt, sau gần 1 năm thu được 3.500 con cá ngạnh thương phẩm, trọng lượng trung bình 1 - 1,2 kg; tỷ lệ sống trên 80%; sản lượng đạt 730 - 880 kg/100 m3 lồng. Nuôi thương phẩm cá ngạnh sử dụng thức ăn công nghiệp, có hàm lượng đạm trên 40%. Nghệ An là tỉnh có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản rất lớn, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt khá lớn chiếm 91% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đối tượng nuôi nước ngọt chủ yếu vẫn là các loài nuôi truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp, chưa có nhiều đối tượng nuôi mới thực sự có hiệu quả kinh tế, giúp người dân tăng thêm thu nhập. Các đối tượng nuôi mới được du nhập nuôi thử nghiệm như cá Chình hoa, cá Lăng chấm, cá Chày mắt đỏ, cá Vược nước ngọt... Tuy nhiên phong trào nuôi vẫn còn hạn chế chưa được phổ biến rộng rãi, chưa kích thích được phong trào nuôi phát triển, chưa thực sự là đối tượng nuôi chủ đạo được người dân quan tâm vì những mặt hạn chế về chi phí con giống, chi phí đầu tư nuôi cao, tốc độ tăng trưởng chậm nên thời gian nuôi kéo dài. Hiện nay, phong trào nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở Nghệ An đang khan hiếm các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo thì cá Ngạnh là sự lựa chọn phù hợp trong tình hình thực tế này. Đây là loài thủy sản được nhiều người dân biết đến và ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng của nó. Tuy nhiên, ở Nghệ An chưa có nghiên cứu nào về nuôi loài cá này. Trước đây nguồn lợi cá khai thác ngoài tự nhiên đã được người dân gom thả nhốt trong lồng và chưa có biện pháp kỹ thuật để chăm sóc. Trước thực trạng suy giảm nguồn lợi tự nhiên Trung tâm giống thủy sản Nghệ An đã triển khai thực hiện chuyên đề: “Ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Ngạnh (Cranoglanis henrici Vaillant, 1893) trong ao đất tại Nghệ An” nhằm bảo tồn loài cá tự nhiên có giá trị kinh tế cao đang cạn kiệt và góp phần đa dạng thêm các loài thủy đặc sản trên địa bàn tỉnh tiến tới nghiên cứu sinh sản nhân tạo chủ động cung cấp cho phong trào nuôi. II - SƠ LƯỢC VỀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU 1. Vị trí phân loại: Ngành động vật có dây sống: Chordata Lớp cá vây tia: Actinopterygii Bộ cá nheo: Siluriformes Họ cá da trơn nước ngọt: Bagridae Giống cá ngạnh: Cranoglanis Loài: Cranoglanis henrici Vaillant, 1893
Hình 1: Cá Ngạnh (Cranoglanis henrici Vaillant, 1893) Tên địa phương: Cá ngạnh (cá lớn), cá hau (cá nhỏ), cá hau mùn, cá hau Trung Hoa (tên Việt), Papé (tên Thái).
2. Phân bố, môi trường sống và hiện trạng nguồn lợi: 2.1. Phân bố: - Trên thế giới có 15 giống thuộc họ cá da trần nước ngọt (Bagridae), phân bố chủ yếu ở sông ngòi Châu Á, Châu Phi, một số loài sống được ở nước lợ. Thuộc họ này, ở Việt Nam có 4 giống: giống cá ngạnh (Cranoglanis), giống cá đủng đeng (Liobagrus), giống cá lăng (Hemibagrus) và giống cá bò (Pseudobagrus). - Trên thế giới cá ngạnh Cranoglanis henrici phân bố ở Thái Lan, Philippin, Inđônêxia, Trung Quốc (đảo Hải Nam, Quảng Đông, Quảng tây, Vân Nam) và Việt Nam. - Ở Việt Nam gặp ở tất cả các hệ thống sông từ miền Bắc đến miền Nam Trung Bộ, không gặp loại này ở Miền Nam. Giới hạn thấp nhất về phía Nam biết được của loài cá này là sông Trà Khúc, Quảng Ngãi. 2.2. Môi trường sống: Cá ngạnh là loài đặc trưng cho khu hệ cá các tỉnh Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Cá sống ở tầng đáy và kề đáy, thích sống ở nơi nước chảy vừa hoặc chậm, đáy nhiều bùn cát. Cá thường sống thành từng đàn và thường thấy ở vùng hạ lưu nhiều hơn trung và thượng lưu các sông ở các tỉnh phía Bắc. 2.3. Hiện trạng nguồn lợi: Cá ngạnh được ghi trong sách Đỏ Việt Nam ở mức độ V (Vulnerable). Hiện nay nguồn lợi cá ngạnh ở các sông đang giảm mạnh do khai thác quá mức, nhiều bãi đẻ tự nhiên của cá ngạnh bị xâm hại bởi các dự án đắp đập ngăn sông làm thủy điện. 3. Dinh dưỡng: Cá ngạnh là loài cá ăn tạp, rất phàm ăn và phổ thức ăn rất rộng. Thành phần thức ăn đa dạng, gồm thực vật, mảnh vụn hữu cơ và động vật. Thức ăn thực vật là lá, hạt, quả; thức ăn động vật gồm nhiều nhóm ấu trùng, côn trùng và côn trùng trưởng thành (thuộc Epherneroptera, Odonata, Coleopreta, Micronecta, Chirinomidae, Oliochaeta, Giun đốt, Decapoda, Mollusca, ốc, hến…). Thành phần thức ăn của cá ngạnh thay đổi theo kích thước cá, mùa vụ và phụ thuộc vào nơi sống. Ở hạ lưu cá có kích thước lớn, ngoài mảnh vụn hữu cơ, rau, quả… thì trong ống tiêu hóa gặp đa số là Annelides, Decapoda, Mollusca. Chiều dài ruột tăng dần theo tuổi, song chỉ dài hơn chiều dài thân một ít. Cá tích cực kiếm mồi nên dạ dày thường có độ no cao. Chúng hay tập trung ở các bến phà, bến tắm rửa ở hai ven sông và ăn tất cả những thải bỏ của con người và động vật. 4. Đặc điểm sinh trưởng: Cá ngạnh là loài có kích thước trung bình, con lớn nhất đã bắt gặp nặng 4 kg. Tốc độ lớn theo năm chậm, năm thứ 2 có tốc độ tăng trưởng bằng 31,4% năm đầu, còn các năm sau chỉ bằng 19 - 23%. 5. Đặc điểm sinh sản: Cá sinh sản ở năm thứ 3, vào ngày cuối đông tuyến sinh dục đã phát triển và đẻ trứng vào khoảng tháng 3 - 6. Sau tháng 5 cá con cỡ 5 - 6 cm đã xuất hiện. Cá ngạnh đẻ trứng trong hang hốc tự nhiên hoặc tự đào hố ở đáy đất. Cá bố mẹ bảo vệ trứng và con cái, ở nơi đẻ thời điểm này cá rất dữ. Sức sinh sản của cá không cao, với chiều dài 27,5 - 42,5 cm có số trứng từ 300 - 12.500 trứng, sức sinh sản tương đối từ 10 - 23 trứng/g khối lượng cá. Trứng đẻ ra có kích thước lớn 0,9 - 1,3 mm chiếm 50 - 95% tổng số lượng trứng. III - KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ 1. Chuẩn bị ao: - Lựa chọn ao gần nguồn nước cấp chủ động, diện tích: 1.000 m2 - Tát cạn ao, tu sửa bờ cống cấp thoát nước, vét bùn đáy chỉ để lại mức 10 - 20cm bùn đáy, nhằm làm tăng độ sâu nước ao và giảm sự biến động nhiệt độ trong ngày, đồng thời cải taọ điều kiện các yếu tố thuỷ hoá ở đáy như CO2, 02,, H2S, NH3.... san phẳng đáy nhằm giúp sinh vật đáy phát triển tốt và tiện thu hoạch. - Bón vôi: + Khử trùng đáy ao bằng vôi bột rắc vôi quanh bờ ao và đáy ao nhằm làm môi trường đáy tơi xốp, giúp động vật đáy phát triển tạo cơ sở thức ăn cho cá, giúp pH môi trường nước luôn luôn ổn định ở mức kiềm yếu, kích thích các phiêu sinh vật làm thức ăn của cá phát triển tốt và tăng hiệu quả của các loại phân bón, tăng hàm lượng Ion Ca có lợi cho sinh trưởng của cá. + Mặt khác bón vôi có tác dụng diệt ký sinh trùng gây bệnh, diệt các loại cá tạp cá dữ có hại cho cá. Lượng vôi bón từ 7 - 10 kg/ 100 m2. - Phơi ao: + Tác dụng: dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời nguồn chất hữu cơ còn lại trong đáy ao (thức ăn thừa, chất thải của cá) sẽ bị phân hủy thành các chất vô cơ ít gây ảnh hưởng đến ao nuôi, giải phóng các chất độc tích tụ trong đất. + Thời gian phơi ao phụ thuộc vào thời tiết khí hậu để đảm bảo ao có thể đạt tiêu chuẩn phơi khô. Thời gian phơi đáy tối thiểu 7 ngày. + Tiêu chuẩn ao sau khi phơi: đáy ao khô, nứt chân chim. - Cấp nước vào ao:Tiến hành cấp nước vào ao thành 2 lần: + Lần 1: Cấp nước vào ao với mực nước 0,3 - 0,5 m, sau đó bón phân gây màu và ngâm ao 3 - 5 ngày. + Lần 2: Cấp đủ mực nước theo yêu cầu. Nước cấp vào ao phải được lọc qua túi lọc gắn vào cửa cống hoặc đầu ra của máy bơm, để tránh cá tạp cá dữ xâm nhập vào ao. - Bón phân gây màu nước:Nhằm tăng cường thức ăn cho thuỷ vực bằng cách bón phân gây màu nước ngay từ ban đầu. Phân bón có tác dụng bổ sung muối dinh dưỡng tăng cường số lượng vi khuẩn và chất hữu cơ hoà tan trong vùng nước. Sử dụngphân hữu cơ ủ hoai (Phân gà, phân lợn…) với lượng 30 kg/100m2 ao. 2.Chọn và thả cá giống. 2.1. Chọn giống. - Chọn cá đồng đều kích cỡ, khỏe mạnh, hoạt động nhanh nhẹn, không bị nhiễm bệnh, màu sắc tươi sáng, kích cỡ cá giống 10 - 12cm. - Số lượng thả: 1.000 con. Mật độ thả: 1 con/m2. - Thời gian thả cá nuôi: 10/3/2015 - Nguồn cá giống: Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nông nghiệp Thanh Hóa. 2.2. Thuần hóa cá giống: - Cá giống sau khi nhập về được thả vào giai cá giống mắc trong ao để thuần hóa nhằm kiểm soát sức khỏe cá và tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp. - Cá trước khi thả được tắm qua dung dịch nước muối NaCl 2 - 3% trong thời gian 10 - 15 phút. - Cá sau khi nhập về chưa cho ăn. Sau 1 ngày tập cho cá ăn. Thức ăn sử dụng là cá tạp xay nhỏ. Trước khi cho ăn gõ tạo tiếng động nhẹ tạo thói quen cho cá, mỗi giai có thể thả 1 sàng ăn để kiểm tra mức độ ăn của cá. Trong thời gian thuần hóa kết hợp cho ăn cá tạp với tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp. - Hàng ngày cấp nước tạo dòng chảy nhẹ giống như môi trường tự nhiên nhằm kích thích cá hoạt động. - Sau thời gian thuần dưỡng kéo dài từ 20 ngày cá khỏe mạnh bắt mồi tốt tiến hành thả ra ao nuôi. Bảng 1: Kết quả thuần dưỡng cá giống
TT
Số lượng thả (Con)
Số lượng còn lại (Con)
Tỷ lệ sống (%)
Nhiệt độ nước (0 C)
pH
1
1.000
960
96
25 - 26
7,3 - 7,5
Trong những ngày đầu mới thả cá vào giai thuần dưỡng, cá có hiện tượng hao hụt nhiều do xây xước khi vận chuyển, cá yếu không ăn được. Sau 3 ngày, cá dần ổn định và bắt mồi và quen dần với sử dụng thức ăn công nghiệp viên nổi, tỷ lệ sống của cá thuần dưỡng khá cao, cá thích nghi nhanh với môi trường nuôi mới và sử dụng tốt thức ăn công nghiệp viên nổi. - Do trong thời gian nuôi, ở Nghệ An thời tiết thường xuyên có những biến động bất thường, thay đổi đột ngột, nắng gắt nhiệt độ nước lên cao trong các tháng mùa hè nên nhóm thực hiện đã có biện pháp chống nóng cho ao nuôi bằng cách thả bèo lục 1/3 diện tích ao kết hợp dùng máy bơm đảo nước vào các thời điểm nắng nóng nhất trong ngày (12 - 15 giờ hàng ngày), nhằm hạn chế nắng nóng cho cá. - Nhiệt độ nước trong quá trình thực hiện chuyên đề biến động trong khoảng từ 22 - 350C, nhiệt độ thấp nhất là 220C do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nhưng vẫn nằm trong ngưỡng nhiệt độ thích hợp với sự phát triển của cá Ngạnh. - Ngoài sự biến động của yếu tố nhiệt độ thì các yếu tố về độ pH, DO đều nằm trong ngưỡng sinh trưởng phát triển tốt của cá Ngạnh. 3. Chăm sóc và quản lý. 3.1. Thức ăn. - Thức ăn được sử dụng thức ăn công nghiệp viên nổi có hàm lượng đạm giao động trong khoảng 35 - 40%. Tỷ lệ cho ăn từ 1,5 - 5% tổng khối lượng đàn cá, tùy theo từng giai đoạn phát triển và mức độ sử dụng thức ăn của cá, cho cá ăn 2 lần/ngày vào 8 giờ và 16 giờ hàng ngày. - Định kỳ 7 ngày bổ sung Vitamin C với lượng 10g/kg thức ăn, nhằm tăng cường sức đề kháng giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt. 3.2. Quản lý cá và ao nuôi. - Thường xuyên theo dõi mức độ ăn của cá để có sự hiệu chỉnh kịp thời, tránh tình trạng thừa thiếu thức ăn ảnh hưởng đến cá và môi trường ao nuôi. - Định kỳ hàng tháng bón vôi với lượng 2 - 3 kg/100m3 nước xử lý môi trường ao nuôi nhằm phòng bệnh cho cá và cải thiện chất lượng nước, đáy ao nuôi. - Thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy lý, thủy hóa của ao nuôi, cấp, thay nước mới kích thích cá phát triển và định kỳ hàng tháng kéo lưới kiểm tra, theo dõi tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá. - Thường xuyên quan sát, theo dõi hoạt động của cáđể xử lý kịp thời các sự cố bất thường trong quá trình nuôi nhằm giảm thiểu hao hụt. Sau thời gian nuôi 10 tháng kết quả theo dõi tăng trưởng thu được qua các lần kiểm tra tăng trưởng định kỳ cụ thể như sau: Bảng 2: Tốc độ tăng trưởng của cá qua các tháng nuôi
Thời gian nuôi (tháng)
Tỷ lệ sống (%)
Khối lượng TB (g/con)
Tổng khối lượng cá (con)
Tỷ lệ cho ăn (%)
Lượng thức ăn sử dụng (kg/tháng)
1
100
67,8
67,8
5
60
2
96
120
115,2
4
104
3
92
200
184
3
130
4
88
310
272,8
2
143
5
86
430
369,8
1,5
156
6
84
540
453,6
1,5
169
7
83
640
531,2
1,5
208
8
82
730
598,6
1,5
234
9
81
820
664,2
1,5
260
10
80
900
720
1,5
165
Tổng cộng
1.629
Qua kết quả theo dõi định kỳ hàng tháng trong quá trình nuôi cho thấy: - Quan sát theo dõi cá hàng ngày thấy thời gian đầu cá tăng trưởng khá chậm do thích nghi dần với sự thay đổi thức ăn, bắt đầu từ tháng nuôi thứ ba trở đi cá tăng trưởng nhanh theo chiều dài, đến tháng thứ 4 trở đi cá tăng trưởng về trọng lượng rõ rệt hơn so với tăng trưởng theo chiều dài. - Từ kết quả trên, nhận thấy rằng cá ngạnh có tốc độ tăng trưởng khá nhanh trong môi trường nuôi ao đất. Tuy nhiên, khi so sánh với nuôi cá ngạnh trong lồng bè trên các thủy vực nước lớn với cùng thời gian nuôi thì tốc độ tăng trưởng của cá ngạnh trong nuôi ao đất chậm hơn (Cá ngạnh nuôi lồng bè trong 10 - 12 tháng đạt khối lượng 1 - 1,2kg/con). Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của cá ngạnh trong nuôi ao đất là 2,2. Điều đó cho thấy, cá Ngạnh hoàn toàn có thể đưa vào nuôi thương phẩm trong ao đất, sử dụng thức ăn công nghiệp làm thức ăn cho cá. 4. Công tác phòng và trị bệnh cho cá. Để phòng bệnh cho cá trong quá trình nuôi cần làm tốt công tác phòng bệnh chung cho cá nhằm hạn chế cá bị bệnh. Do đó, nhóm thực hiện đã áp dụng các biện pháp phòng bệnh chung trong quá trình thực hiện chuyên đề như: - Cho cá ăn đầy đủ thức ăn, đúng giờ, sử dụng thức ăn có hàm lượng Protein đảm bảo, không ẩm mốc. Thực hiện tốt công tác quản lý thức ăn nhằm tránh thừa, thiếu thức ăn gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cá. - Thực hiện tốt chế độ phòng bệnh cho cá, thường xuyên sử dụng vitamin C, khoáng và thuốc bổ gan trộn hàng ngày vào thức ăn cho cá với liều lượng sử dụng 3 - 5g Vitamin C, khoáng và 5ml thuốc bổ gan cho 1 kg thức ăn để tăng sức đề kháng và giúp cá tăng trưởng tốt. - Quản lý ao nuôi chặt chẽ, duy trì nguồn nước trong ao sạch luôn trong sạch, định kỳ 1 tuần/ lần tạt vi sinh cho ao để phân hủy mùn bã hữu cơ ở đáy ao và ổn định môi trường nước cho cá sinh trưởng phát triển. - Định kỳ 15 ngày/lần bón vôi xử lý môi trường với lượng 2 kg/100 m3. - Sử dụng hệ thống phun nước nhằm tăng hàm lượng ô xy vào những thời điểm hàm lượng ô xy trong ao thấp và những lúc nắng nóng nhằm đảo nước trong ao nuôi. Nhờ thực hiện tốt công tác phòng bệnh chung nên trong quá trình thực hiện không thấy xuất hiện hiện tượng dịch bệnh, cho thấy cá ngạnh thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở Nghệ An. 5. Thu hoạch. Sau 10 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 0,9 kg/con, kích cỡ thu hoạch dao động trong khoảng 0,8 - 1,0 kg/con đạt được mục tiêu của chuyên đề đặt ra (0,8 - 1,0 kg/con). Sản lượng thu hoạch đạt 720 kg vượt trong khoảng mục tiêu chuyên đề đặt ra (500 - 700 kg cá thương phẩm). Năng suất đạt 7,2 tấn/ha. Điều đó cho thấy cá tăng trưởng khá nhanh, cho năng suất sản lượng khá cao, tỷ lệ sống cao (80%), cá sinh trưởng, phát triển khá đồng đều về kích cỡ. Hiện nay, giá bán trên thị trường khá cao dao động từ 180.000 - 220.000 đồng/kg, đây là đối tượng có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. IV - KẾT LUẬN. - Chuyên đề đã được Trung tâm giống thủy sản Nghệ An triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo mục tiêu, nội dung và tiến độ chuyên đề đề ra, thu được sản lượng đạt theo yêu cầu đặt ra. - Cá có tốc độ tăng trưởng khá, năng suất hơn 7,2 tấn/ ha, mật độ thả nuôi 1 con/m2, tỷ lệ sống của cá cao 80%, kích cỡ thu hoạch dao động trong khoảng 0,8 -1,0 kg/con trong 10 tháng nuôi, cá thích nghi, sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện sinh thái Nghệ An. - Xây dựng, hoàn thiện được quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Ngạnh trong ao đất phù hợp với điều kiện Nghệ An. - Đào tạo được 3 cán bộ kỹ thuật nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Ngạnh trong ao đất. - Đây là đối tượng khá dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, vì vậy cần tổ chức hội thảo, tập huấn giới thiệu đối tượng nhằm nhân rộng mô hình, phát triển phong trào nuôi trên địa bàn tỉnh./.