Nuôi ếch theo chuẩn VietGAP

Thứ ba - 28/03/2023 22:05 450 0

Nuôi ếch theo quy trình VietGap có thể quản lý chặt chẽ về con giống, dịch bệnh và việc sử dụng các chế phẩm sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Yêu cầu địa điểm nuôi

Nằm trong vùng quy hoạch. Văn bản xác nhận được phép nuôi trồng thủy sản của cơ quan có thẩm quyền. Nằm ngoài khu bảo tồn quốc gia/quốc tế. Ít bị ảnh hưởng của ô nhiễm: Nằm tách biệt với nhà máy, bệnh viện, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất hóa chất và khu dân cư tập trung.

Cơ sở hạ tầng

Các công trình xây dựng đúng kỹ thuật, đảm bảo chắc chắn, tránh bị sạt lở, rò rỉ, ngập lụt. Các ao nuôi và khu vực phụ trợ được bố trí thuận tiện cho sản xuất và tránh lây lan dịch bệnh.

Bố trí máy móc, trang thiết bị sản xuất, hệ thống điện phải đảm bảo an toàn lao động.

Có biển cảnh báo tại các vị trí có nguy cơ gây mất an toàn lao động (điện cao thế, độ sâu ngập nước, thùng đựng hóa chất, nơi chứa chất thải nguy hại, nước có chứa hóa chất xử lý…); có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm (khu vực cách ly thủy sản nhiễm bệnh, khu vực không dành cho khách tham quan…).

Cơ sở nuôi phải có quyền sử dụng đất/mặt nước để nuôi ếch theo quy định hiện hành.

Cơ sở nuôi không được sử dụng nước sinh hoạt (nước máy) cho mục đích nuôi ếch.

Yêu cầu nhân sự

Người quản lý cơ sở nuôi phải có kiến thức về nuôi trồng thủy sản, được tập huấn về VietGAP thủy sản hoặc có Giấy chứng nhận tham gia lớp tập huấn về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản của cơ quan có thẩm quyền.

Người lao động làm việc tại cơ sở nuôi phải được tập huấn (nội bộ hoặc bên ngoài) về VietGAP thủy sản và áp dụng đúng các hướng dẫn về thực hành nuôi trồng thủy sản tốt trong sản xuất; được tập huấn về an toàn lao động theo đúng các vị trí làm việc.

Trường hợp cơ sở nuôi áp dụng các công nghệ mới, người lao động tham gia công đoạn nào, cần được tập huấn về công đoạn đó.

Con giống

Phải sử dụng con giống được sản xuất từ cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện. Không sử dụng giống biến đổi gen.

Khi khai thác con giống ngoài tự nhiên cho mục đích nuôi thương phẩm, cơ sở nuôi phải tuân thủ các quy định liên quan tại Luật Thủy sản.

Mùa vụ thả từ tháng 4 đến tháng 9. Trước khi nuôi nên tắm ếch giống trong nước muối 3%. Chọn ếch giống 45 ngày tuổi, cỡ đồng đều (3 – 6 cm/con), khỏe mạnh, màu sắc đậm, không nhiễm bệnh hay bị dị tật.

Mật độ thả khoảng 40 – 60 con/m2 hoặc 80 – 100 con/m2 (tùy điều kiện nuôi).

Thức ăn

Chủ yếu là thức ăn công nghiệp hoặc chế biến sẵn (độ đạm > 30%). Khẩu phần ăn trong ngày bằng 8 – 10% trọng lượng ếch trong ao.

Tháng đầu cho ăn 3 – 4 lần/ngày, khi lớn cho ăn 2 lần/ngày (sáng và chiều).

Nếu dùng thức ăn viên, rải trực tiếp xuống ao. Nếu dùng thức ăn chế biến thì cần đặt vào sàng ăn.Trường hợp sử dụng thức ăn tươi sống, phải rửa sạch hoặc khử trùng trước khi cho ăn. Không thay đổi thức ăn hàng ngày đột ngột, vì ếch sẽ không ăn cho dù nó đang đói.

Người nuôi cần thực hiện chế độ cho ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và có biện pháp theo dõi tại chỗ để đảm bảo lượng thức ăn cho ăn phù hợp với nhu cầu của ếch. Kích cỡ thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ếch.

Không sử dụng hormone, chất kích thích tăng trưởng trong quá trình nuôi.

Không sử dụng thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường hết hạn, không rõ nhãn sản phẩm hoặc sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Phải sử dụng thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường được sản xuất từ cơ sở sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện.

Không sử dụng thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi có thành phần chứa hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật trong danh mục cấm sử dụng trong theo quy định tại Phụ lục 1, Thông tư số 26/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018.

Trường hợp cơ sở tự sản xuất thức ăn, phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn đáp ứng theo quy chuẩn về thức ăn thủy sản tương ứng (QCVN 02-31-1:2019/BNNPTNT).

Quản lý

Tháng đầu tiên, cứ 2 – 3 ngày thay nước 1 lần, mực nước luôn duy trì 20 – 30 cm. Từ tháng thứ 2 trở đi, thay nước hàng ngày, mực nước có thể giảm xuống còn 10 – 15 cm. Nên thay nước vào buổi sáng.

Thường xuyên bổ sung vitamin, thuốc bổ, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho ếch.

Cho ếch tắm bằng thuốc sát trùng (thuốc tím, Iodine) 1 lần/tuần.

Định kỳ 2 tuần cân ếch để có cơ sở điều chỉnh chế độ cho ăn và chăm sóc. Đồng thời phân loại ếch theo trọng lượng để tách nuôi riêng, tránh trường hợp cắn hoặc ăn thịt lẫn nhau.

Cơ sở nuôi cần có các biện pháp đảm bảo ngăn ngừa địch hại xâm nhập vào trong cơ sở nuôi, kể cả vật nuôi (chó, mèo, ngỗng, vịt…) nhưng đảm bảo an toàn cho các loài động vật tự nhiên. Đồng thời, có biện pháp tiêu diệt động vật có hại (chuột, ốc bươu vàng…) nhưng không gây ô nhiễm môi trường và không gây tổn hại đến các loài động, thực vật khác trừ các loại động vật thủy sinh trong giai đoạn chuẩn bị ao nuôi. 

Chăm sóc

Cơ sở nuôi phải thường xuyên theo dõi các dấu hiệu của ếch bị sốc hoặc bị bệnh và thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa sự phát sinh mầm bệnh.

Khi phát hiện bệnh, cơ sở nuôi phải thực hiện biện pháp cách ly, ngăn chặn sự lây nhiễm bệnh giữa các đơn vị nuôi và từ nơi nuôi ra bên ngoài. 

Trường hợp phải sử dụng thuốc thú y/kháng sinh, cơ sở nuôi chỉ sử dụng thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và theo đơn hoặc phác đồ điều trị của cán bộ chuyên môn. Không sử dụng thuốc thú y trong danh mục cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản theo quy định tại Phụ lục II, Thông tư 10 /2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ NN&PTNT.

Phải tuân thủ thời gian ngừng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý. 

Khi phát hiện ra ếch mắc bệnh, chết nằm trong danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch, cơ sở nuôi phải thông báo cho cơ quan quản lý thủy sản hoặc thú y gần nhất và áp dụng các biện pháp dập dịch, thực hiện khử trùng tại nơi xảy ra dịch.

Bảo quản

Bảo quản thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, thuốc thú y trong điều kiện phù hợp và theo hướng dẫn của nhà sản xuất để không làm suy giảm chất lượng sản phẩm.

Phải loại bỏ, xử lý sản phẩm hết hạn, không rõ nhãn sản phẩm hoặc sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo chất lượng theo đúng quy định hiện hành.

Không được chôn lấp kháng sinh, sản phẩm xử lý môi trường quá hạn sử dụng.

Kiểm soát ô nhiễm

Có biện pháp thu gom, phân loại, xử lý kịp thời các chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sinh hoạt và quá trình nuôi theo quy định hiện hành.

Thực hiện các biện pháp xử lý ếch bị chết hoặc bị nhiễm bệnh nguy hiểm trong danh mục của Bộ NN&PTNT ngay khi phát hiện và đúng cách để tránh gây ô nhiễm môi trường, lây lan bệnh dịch bên trong và bên ngoài cơ sở nuôi. Thực hiện các biện pháp hoặc công nghệ xử lý nước thải, bùn thải trước khi thải ra ngoài môi trường nhằm đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng đạt theo quy định hiện hành.

Sau mỗi vụ nuôi, phải thực hiện tẩy trùng, cải tạo nơi nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể.

Ghi chép

Cơ sở nuôi phải thực hiện ghi chép, duy trì và luôn sẵn có hồ sơ/bằng chứng chứng minh về việc đã tuân thủ các quy định VietGAP trong quá trình sản xuất, bao gói, ghi nhãn; phải đảm bảo khả năng truy xuất khi có yêu cầu. Hồ sơ liên quan đến quá trình sản xuất, bao gói, ghi nhãn phải được lưu trữ ít nhất 24 tháng tính từ thời điểm thu hoạch. Hồ sơ pháp lý, nhân sự, môi trường phải được lưu trữ cho đến khi có sự thay đổi.

Thu hoạch

Ếch đạt 200 g/con sau 3 – 3,5 tháng nuôi. Có thể thu toàn bộ.

Diệu Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay5,645
  • Tháng hiện tại138,004
  • Tổng lượt truy cập10,415,396
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây