Phát triển tôm – lúa vì kinh tế xanh, bền vững

Thứ tư - 30/11/2022 21:47 435 0

 Trong xu thế phát triển hiện nay, nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành mục tiêu mà nhiều quốc gia theo đuổi, trong đó có Việt Nam. Và một trong những phương thức sản xuất mang tính bền vững đó là liên kết sản xuất theo mô hình tôm – lúa đã và đang được triển khai rất hiệu quả ở khu vực ĐBSCL.

Sản xuất bền vững

Theo Tổng cục Thủy sản, mô hình nuôi tôm – lúa quảng canh truyền thống được áp dụng phổ biến ở hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, nuôi với mật độ thưa 2 – 5 con/m2, thức ăn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên, năng suất khoảng 200 – 300 kg/ha. Nuôi tôm – lúa quảng canh cải tiến áp dụng nhiều ở tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng, mật độ nuôi 5 – 10 con/m2, có bổ sung thức ăn công nghiệp, năng suất đạt 400 – 600 kg/ha. Nếu như năm 2015, diện tích nuôi tôm – lúa vùng ĐBSCL đạt 176.000 ha thì đến năm 2021 đã tăng lên 207.768 ha (chiếm 29,6% so diện tích nuôi tôm của các tỉnh ĐBSCL), sản lượng tôm nuôi đạt 128.752 tấn.

Các tỉnh ven biển bán đảo Cà Mau có lợi thế trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nhờ hệ sinh thái tôm – lúa, tôm – rừng, lúa – cá… Theo Cục Trồng trọt, nếu có hệ thống thủy lợi tốt có thể tăng thêm 100.000 ha luân canh tôm – lúa và củng cố diện tích tôm – lúa hiện có khoảng 150.000 ha. Với mô hình tôm – lúa, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, đây là mô hình bền vững, hiệu quả, là mô hình “thông minh” tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với quy trình GAP, giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng chống dịch ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Từ đó, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Diện tích canh tác mô hình tôm – lúa ở ĐBSCL hiện đã đạt hơn 200.000 ha, bình quân lợi nhuận 110 triệu đồng/ha/năm Ảnh: Huyền Trang

PGS.TS Dương Nhựt Long, Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ cho biết, mô hình sản xuất tôm – lúa phù hợp và bền vững đối với nhiều khu vực của miền Tây. Mô hình này mang lại nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với cách làm chuyên canh như bấy lâu nay. Cụ thể như: Mô hình nuôi tôm sú (bổ sung cua) vào mùa khô luân canh với nuôi tôm càng xanh trong điều kiện ruộng vào mùa mưa, tổng lợi nhuận đạt từ 140 triệu đồng/ha/năm, tỷ suất lợi nhuận 299,3%. Với mô hình nuôi tôm sú (có bổ sung cua) vào mùa khô luân canh với lúa xen canh tôm càng xanh nuôi vào mùa mưa, tổng lợi nhuận đạt 109 triệu đồng/ha/năm, tỷ suất lợi nhuận đạt 285,5%. Trong khi đó, mô hình canh tác tôm – lúa đa dạng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, tổng lợi nhuận đạt 131,3 triệu đồng/ha/năm, tỷ suất lợi nhuận 327,6%. Do đó, các mô hình sản xuất tôm – lúa thích ứng với biến đổi khí hậu trên nền ứng dụng công nghệ cần được khuyến cáo phát triển, nhân rộng, nhằm góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân.

 

Ứng dụng công nghệ

Nhằm mục tiêu xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn trong quản lý môi trường, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững mô hình lúa – tôm; nhóm tác giả Trương Minh Thái và Dương Nhật Long tại Đại học Cần Thơ đã thực hiện Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ IoT và mạng cảm biến trong giải pháp quản lý môi trường và nâng cao hiệu quả mô hình lúa – tôm ở huyện An Biên tỉnh Kiên Giang.

Dự án đã triển khai thiết kế và lắp đặt 4 trạm quan trắc môi trường nước ở các xã Tây Yên A, Nam Thái – Nam Yên và Nam Thái A cùng với hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu quan trắc các yếu tố môi trường nước ở huyện An Biên. Kết quả cho thấy, hệ thống các trạm quan trắc điều kiện môi trường nước cho mô hình canh tác lúa – tôm ở huyện An Biên có độ tin cậy cao, giúp nông dân giám sát liên tục điều kiện môi trường tại vùng sản xuất, cơ quan quản lý theo dõi được dữ liệu đo và sự biến động của các yếu tố độ mặn, pH, NH4, DO và nhiệt độ theo thời gian. Đặc biệt, hệ thống giúp nông dân chủ động quyết định thời gian phù hợp để cấp nước thêm cho ruộng tạo sự ổn định cho môi trường nước ruộng nuôi, nâng được tỷ lệ sống của tôm, tăng hiệu quả kinh tế. Kết quả này đã tạo tiền đề thuận lợi cho việc phát triển nhân rộng, chuyển giao kỹ thuật hay mời gọi sự hợp tác sản xuất cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng và đạt hiệu quả cao cho thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

 

Vươn mình chinh phục thị trường

Ngày 28/10 vừa qua, Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union) đã trao chứng nhận đạt chuẩn ASC Group cho gần 565 ha tôm sú được nuôi xen canh trên đất trồng lúa tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, với chứng nhận ASC Group đầu tiên trên thế giới này, sản phẩm tôm sú Cà Mau sẽ tiếp cận được hầu hết thị trường khó tính trên thế giới. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị không chỉ với con tôm sú địa phương mà còn nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân trong thời gian tới. Việc đạt được chứng nhận ASC Group là bước khởi đầu, tạo tiền đề cho tỉnh Cà Mau trong việc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có hơn 40.000 ha tôm – lúa đạt được một trong các chứng nhận quốc tế về ASC Group và một số chứng nhận về hữu cơ khác.

 

>> Mô hình tôm – lúa không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất, mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh. Đây là một trong những mô hình điển hình trong việc sản xuất thích nghi với biến đổi khí hậu của khu vực ĐBSCL.

 

Hồng Hạnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Bạn muốn biết thông tin về sản phẩm tôm giống của trung tâm?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay15,771
  • Tháng hiện tại127,823
  • Tổng lượt truy cập7,981,088
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây