Nguồn nước quán xuyến toàn bộ hoạt động của nghề nuôi cá, không những là môi trường sống của cá, mà còn các loài thủy sinh vật thức ăn của cá. Đặc biệt đối với nguồn nước trong ương cá giống sẽ phải đảm bảo được rất nhiều yếu tố khác nhau để cá sinh trưởng và phát triển tốt.
Là yếu tố tác động trực tiếp đến tỷ lệ sống của cá, nhất là thời điểm đầu khi thả cá bột ương nuôi. Chất lượng môi trường nước không phù hợp hay cá bột không được thuần hóa với môi trường nước nuôi khi thả cá có thể gây chết cá trực tiếp cũng như sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng và phát triển sau này của cá.
Tiêu chuẩn các yếu tố chất lượng nước trong ao ương cá giống:
TT | Thông số | Đơn vị | Giá trị cho phép |
1 | Ôxy hòa tan (DO) | mg/l | > 4 |
2 | pH | 6,5 – 8,5 | |
3 | NO2– | mg/l | < 0,05 |
4 | NH3 | mg/l | < 0,09 |
5 | H2S | mg/l | < 0,02 |
6 | Nhiệt độ nước | 0C | 22 – 30 |
7 | Độ trong | cm | 20 – 30 |
8 | Màu nước | Xanh nõn chuối |
Nguồn nước được gọi là tốt để ương nuôi cá giống cần đả bảo được các yếu tố sau:
Yếu tố hóa học: Trước hết nguồn nước không có các yếu tố độc hại đối với cá: Các yếu tố độc hại có thể có ở dạng rắn, dạng khí hoặc muối hòa tan trong các kim loại nặng, yếu tốt phóng xạ, thuốc trừ sâu và diệt cỏ, kể cả độ pH, hạn lượng Cl, SO4, Fe tổng cộng, lượng tiêu hao ôxy và các hợp chất khác có trong nước thải công nghiệp…
Yếu tố dinh dưỡng: N, P, K… cũng cần đảm bảo trong nước ao hồ ở những giới hạn thích hợp để cá và thủy sinh vật khác sinh sản và phát triển bình thường.
Yếu tố sinh vật học: Nguồn nước tốt để nuôi cá là nguồn nước đã phát triển phong phú khu hệ thủy sinh vật (thức ăn tốt của cá) hạn chế và phòng trừ được các địch hại, không cho các ký sinh trùng gây bệnh cho cá lẫn trong nước.
Yếu tố vật lý khác: Nguồn nước cần được tiếp xúc nhiều với ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Độ đục của nước phù sa và của các kênh mương có nhiều hạt sét lơ lửng làm cho tảo và các thủy sinh vật kém phát triển, nguồn thức ăn của cá bị giảm sút… Vì vậy, nước để ương nuôi cá giống cần có độ trong vừa phải (từ 20 – 30 cm).
– Địa điểm đào ao ương nuôi cá, trước hết phải gần nguồn nước sạch. Tốt nhất là gần nguồn nước tự nhiên (hồ chứa, sông…). Nếu sử dụng nước thủy lợi, nước nông giang… phải dự trữ lượng nước chủ động riêng để dùng khi cần thiết.
– Kết hợp xây dựng các hệ thống tháp nước, bể lọc… để có nguồn nước sạch ương nuôi cá. Biện pháp đơn giản là xây dựng hệ thống ao chứa nước có nuôi thả bèo hợp lý. Vai trò chủ yếu của việc lọc sạch nước này là do các loài tảo cỡ nhỏ với số lượng lớn và đặc biệt là trại nước ngọt (một con trai nước ngọt mỗi ngày lọc trung bình 12 lít nước, có khi tới 60 – 70 lít). Do đó, cần gây nuôi các “máy lọc sống” này trong ao chứa để triệt để sử dụng chúng vào việc lọc sạch nước.
– Trong các ao chứa nước không được bón phân, nhất là các nguồn phân hữu cơ.
– Khu vực ương nuôi cá cần xây dựng một chế độ kiểm tra, bảo vệ và sử dụng nguồn nước hợp lý, thường xuyên đôn đốc nhắc nhở nhân công cùng thực hiện.
Cần theo dõi và quản lý các thông số môi trường nước nuôi như nhiệt độ, pH, DO, NH3, độ kiềm… ổn định và nằm trong ngưỡng thích hợp cho sự phát triển của cá. Để đảm bảo chất lượng nước ương nuôi tốt cho cá cần làm tốt các khâu: cải tạo ao ương, xử lý nguồn nước cấp, gây màu nước và tạo thức ăn tự nhiên…
– Ao ương phải có cống cấp thoát nước chủ động;
– Nguồn nước cấp cho ao phải đảm bảo sạch, không ô nhiễm;
– Hạn chế sử dụng các hóa chất xử lý độc hại, sử dụng các chế phẩm sinh học để duy trì và cải thiện chất lượng nước ao ương nuôi;
– Định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường và xử lý điều chỉnh đúng cách khi cần thiết.
Các chất thải của sinh hoạt và quá trình sản xuất như bọc nilon, thuốc, hóa chất… phải được bỏ vào thùng chứa rác, không được thải ra ao ở khu vực nuôi cá để không gây hại đến môi trường ao nuôi. Nước thải ra từ ao nuôi phải được xử lý trước khi thải ra sông để tránh làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi và ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Bích Hòa
Ý kiến bạn đọc